Doanh nghiệp ngành xi măng: Lãi thì ít, lỗ thì nhiều

Lợi nhuận khiêm tốn, thua lỗ triền miên là bức tranh chung của ngành xi măng trong năm 2024. Dù có những doanh nghiệp vẫn duy trì được lãi, nhưng số lượng công ty lỗ ngày càng nhiều…

20250322163652-12557bbb1471303308b043f4668f9d2ecc-22-11-2022-15-44-36.jpg
Nhiều doanh nghiệp xi măng báo lỗ

Xi măng Xuân Thành, Chinfon báo lãi, Vicem Hà Tiên khởi sắc, nhưng đó chỉ là số ít trong bức tranh xám màu của ngành xi măng. Hàng loạt doanh nghiệp như Xi măng Công Thanh, Vicem Hoàng Mai, Vicem Bút Sơn tiếp tục lỗ lớn, lỗ lũy kế ngày càng phình to.

RẤT ÍT DOANH NGHIỆP XI MĂNG BÁO LÃI

Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành vừa có công bố về tình hình tài chính gửi HNX. Theo đó, năm 2024, doanh nghiệp này lãi 25,7tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, nợ phải trả của Xi măng Xuân Thành tương đối lớn, tính đến ngày 31/12/2024, con số này ở mức 13.905 tỷ đồng, giảm 565 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay ngân hàng là 10.639 tỷ đồng; nợ trái phiếu là 2.013 tỷ đồng và nợ khác là 1.253 tỷ đồng…

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp xi măng này đang ở mức 7.044 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của Xi măng Xuân Thành gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu.

Dữ liệu từ HNX cho biết, năm 2024, Xi măng Xuân Thành đã thanh toán khoảng 185 tỷ đồng tiền lãi cho 8 kỳ trả lãi của 2 lô trái phiếu XTCCH2136001 và XTCCH2136002.

Cả hai lô trái phiếu này đều được phát hành thành năm 2021, kỳ hạn 15 năm, cùng đáo hạn vào ngày 6/2/2036. Tổng giá trị theo mệnh giá phát hành lần lượt là 980 tỷ đồng và 1.160 tỷ đồng. Tổng giá trị lưu hành của 2 lô này tính đến ngày 31/12/2024 là gần 2.029 tỷ đồng.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và được bảo lãnh thanh toán, không phải nợ thứ cấp của công ty. Lãi suất áp dụng cho 4 kì tính lãi đầu tiên tính từ ngày phát hành là 10,5%/năm.

Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu nói trên dùng để tài trợ chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất clinker thuộc dự án đầu tư xây dựng dây chuyển số 3, giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành với công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm tại xã Thanh Nghị và xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Một doanh nghiệp xi măng khác là Công ty Xi măng Chinfon cũng báo lãi sau thuế trong năm 2024, với 16,7 tỷ đồng, giảm gần 1 nửa so với mức 34,2 tỷ đồng của năm trước đó.

Tính đến thời điểm 31/12/2024, nợ phải trả của Xi măng Chinfon lên đến 2.366 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngân hàng là 1.572 tỷ đồng, nợ vay từ phát hành trái phiếu còn 200 tỷ đồng, nợ khác là 592 tỷ đồng. Hiện, vốn chủ sở hữu của Chinfon là 1.652 tỷ đồng, theo đó, nợ phải trả của doanh nghiệp này gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu.

Cũng lãi trong năm qua là Vicem Hà Tiên đạt doanh thu thuần 6.884 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 65,2 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với mức 18 tỷ đồng của năm 2023.

Trong khi các doanh nghiệp xi măng báo lãi, thì Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh (CTL) lại thua lỗ triền miên. Theo kỳ báo cáo từ ngày 1/1/2024 – 30/6/2024 gửi HNX, Xi măng Công Thanh ghi nhận lỗ ròng 741,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Cùng kỳ năm trước doanh nghiệp này cũng lỗ đậm ở mức 608,8 tỷ đồng.

Những năm gần đây công ty này liên tục chìm trong thua lỗ. Cả năm năm 2023, Xi măng Công Thành lỗ ròng 1.825 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022 doanh nghiệp này cũng lỗ đến 1.181 tỷ đồng. Tính đến thời điểm công bố báo cáo tài chính, hiện vốn chủ sở hữu của CTL đang âm 7.747,4 tỷ đồng.

xi-mang.jpg
Nguồn: Ximang.vn

Liên quan đến dư nợ trái phiếu, theo thống kê tại Cbonds.hnx, Xi Măng Công Thanh có 2.400 trái phiếu đang lưu hành của 4 lô trái phiếu. Cả 4 lô trái phiếu này được phát hành trong giai đoạn năm 2009 - 2010 và sẽ đáo hạn năm 2030. 4 lô trái phiếu của Xi măng Công Thanh gồm: XMCT0510_5; XMCT0510_8; XMCT1209; XMCT1210_1500, cả 4 mã trái phiếu này đều có kỳ hạn trả lãi 12 tháng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai năm 2024, doanh thu thuần của công ty đạt gần 1.710 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023. Tuy nhiên, lỗ ròng tăng vọt lên 67 tỷ đồng, so với mức lỗ 31 tỷ đồng của năm trước. Khoản lỗ này đẩy lỗ lũy kế của Vicem Hoàng Mai lên mức 92,4 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn cũng trong tình trạng thua lỗ. Năm 2024, doanh thu thuần của công ty nhích nhẹ lên 2.609,6 tỷ đồng so với năm 2023. Tuy nhiên, lỗ ròng tăng vọt lên 198 tỷ đồng, gần gấp đôi mức lỗ hơn 96 tỷ đồng năm trước, đẩy lỗ lũy kế của Vicem Bút Sơn lên xấp xỉ 288 tỷ đồng vào cuối năm.

Không nằm ngoài vòng xoay lỗ này, cả năm 2024 Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng, dù đã cải thiện so với mức lỗ hơn 64 tỷ đồng năm trước, nhưng vẫn đẩy lỗ lũy kế đến cuối năm 2024 lên 96,6 tỷ đồng.

CHƯA GỠ ĐƯỢC BÀI TOÁN CUNG CẦU

Bộ Xây dựng mới đây đã báo cáo Thủ tướng về việc xử lý thông tin báo chí nêu về ngành xi măng dư thừa nguồn cung lớn.

Hiện nay, cả nước có 92 dây chuyền, với tổng công suất khoảng 123 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2024, tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ chỉ khoảng 95 triệu tấn (Nội địa khoảng 65,3 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29,7 triệu tấn). Như vậy, các dây chuyền sản xuất xi măng chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% tổng công suất thiết kế.

Từ năm 2011, việc đầu tư sản xuất xi măng thực hiện theo quy hoạch của Thủ tướng về phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2020 và định hướng 2030 tại Quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nguồn cung xi măng tăng lên do Luật Quy hoạch 2017 bãi bỏ Quy hoạch 1488.

Việc đầu tư các dây chuyền xi măng theo cơ chế thị trường và được thực hiện theo pháp luật về đầu tư, thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Do đó, các địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 13 dây chuyền công nghệ hiện đại với tổng công suất thiết kế 35,3 triệu tấn mỗi năm.

Trước xu thế nhà máy xi măng tăng, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng ban hành quyết định về chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng 2050, trong đó đưa ra lộ trình đầu tư các nhà máy xi măng.

Cụ thể, tổng công suất thiết kế đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm.

Vào năm 2021, Bộ cũng có văn bản gửi UBND các địa phương yêu cầu trước khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất xi măng cần cân nhắc tránh đầu tư tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Dù vậy, cung - cầu trên thị trường xi măng vẫn mất cân đối rất lớn, khi nguồn cung dư thừa vài chục triệu tấn, gây khó khăn cho tiêu thụ, tình trạng cạnh tranh về giá khốc liệt, một số nhà sản xuất bán dưới giá thành sản xuất.

Theo Bộ Xây dựng, dư thừa nguồn cung lớn, tiêu thụ nội địa tăng chậm, thậm chí còn giảm, kênh xuất khẩu 3 năm gần nhất giảm mạnh, chỉ đạt quanh ngưỡng 30 triệu/tấn/năm, dẫn đến nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng, nguy cơ đóng cửa, thua lỗ và nợ xấu.

VẬN HÀNH THEO KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Dù vậy, theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 2 - 3% so với năm 2024, đạt mức 95 - 100 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa dao động từ 60 - 65 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 30 - 35 triệu tấn.

Nhận định về vấn đề này, TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đầu tư công đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là đầu tư về hạ tầng giao thông, xây dựng. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng vẫn có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong việc tiêu thụ xi măng sẽ thấy rõ hơn trong nửa cuối năm 2025.

Theo ông Long, nhu cầu xi măng tại Việt Nam chưa đạt đỉnh, dự báo từ giờ đến năm 2031 sẽ đạt đỉnh. Bởi vậy, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng vẫn còn dư địa tăng trưởng.

200312baoxaydung-8.jpg
Dự báo lượng tiêu thụ xi măng dự kiến sẽ phục hồi mạnh nhờ các dự án giao thông được đẩy nhanh tiến độ

Vị chuyên gia phân tích, ngành xi măng đang vận hành theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Các nhà máy đầu tư sau có lợi thế về dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất lớn, ứng dụng nhiều giải pháp giảm tiêu hao năng lượng vào sản xuất…. Nhờ đó làm ra sản phẩm với giá thành thấp hơn, mang đến lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các dây chuyền sản xuất xi măng được đầu tư từ hàng chục năm trước đó.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh, đây cũng là thời điểm thị trường “sàng lọc” các dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu, đem đến cơ hội thúc đẩy phát triển ngành xi măng hiện đại, tiên tiến hơn. TS. Lương Đức Long cũng kiến nghị Chính phủ đề nghị bỏ thuế xuất khẩu đối với sản phẩm clanke.

Dự báo lượng tiêu thụ xi măng dự kiến sẽ phục hồi mạnh nhờ các dự án giao thông được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, đã có đề xuất về việc xây dựng cầu cạn thay cho nền đường trong bối cảnh nguồn cung cát tại khu vực phía Nam chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, ngành xi măng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, thời gian tới, các khó khăn khách quan của ngành xi măng vẫn rất lớn và không thể xóa ngay.

Bởi thế, doanh nghiệp ngành xi măng có thể chủ động xây dựng kịch bản điều hành linh hoạt và có điều chỉnh chiến lược để thích ứng về nguyên nhân chủ quan. Đây là vấn đề cần tập trung nhận diện và giải quyết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm