Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh từng là doanh nghiệp xi măng nổi trội có trụ sở tại Thanh Hoá, tuy nhiên, tình hình kinh doanh gần đây của doanh nghiệp lại chìm trong gam màu xám xịt.
LỖ ĐẬM, VỐN CHỦ SỞ HỮU ÂM 7.000 TỶ
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh, doanh thu thuần của công ty đạt 483 tỷ đồng giảm hơn 3,3 lần so với năm ngoái.
Giá vốn bán hàng âm đến 754 tỷ đồng và lỗ gộp 271 tỷ đồng. Doanh thu từ tài chính vỏn vẹn 851 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính âm 1.457 tỷ đồng. Còn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp âm lần lượt là 26 và 67 tỷ đồng.
Trừ đi tất cả các chi phí, năm 2023, Xi măng Công Thành lỗ ròng 1.825 tỷ đồng, trước đó, năm 2022 doanh nghiệp này cũng lỗ đến 1.181 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn ở mức 712 tỷ đồng, đáng chú ý, hàng tồn kho của Công Thanh là 218 tỷ đồng. Còn tài sản dài hạn chiếm 94% tổng tài sản, tương đương 11.287 tỷ đồng. Về lưu chuyển dòng tiền, dòng tiền hoạt động kinh doanh dương 21 tỷ đồng, hoạt động đầu tư âm 17,4 tỷ đồng, còn hoạt động tài chính âm 3,6 tỷ đồng.
Ở thời điểm đầu năm 2023, vốn chủ sở hữu của Xi măng Công Thanh âm 5.179 tỷ đồng, đến cuối năm 2023 con số này đã lên mức âm 7.005 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận 19.005 tỷ đồng, tăng 1.507 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Phần lớn, nợ phải trả đến từ nợ dài hạn chiếm 82%, tương đương 11.509 tỷ đồng, trong khi đó, nợ ngắn hạn đạt 3.495 tỷ đồng.
Hơn hết, dư nợ tài chính là 7.317 tỷ đồng, chiếm 39% tổng nợ phải trả; khoản chi phí dài hạn chiếm tới 53% tổng nợ, ghi nhận 10.035 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, Xi măng Công Thanh có khoản nợ 287 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Đây là khoản vay 6 tháng mà Xi Măng Công Thanh đã vay ngân hàng SHB từ năm 2017, lãi suất 10%/năm, để bổ sung vốn lưu động..
Còn khoản vay nợ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận hơn 7.030 tỷ đồng, chiếm 96% dư nợ tài chính. Cơ cấu khoản nợ tại Vietinbank có 4.648 tỷ đồng vay dài hạn và 2.382,8 tỷ đồng trái phiếu. Được biết, mục đích các khoản vay này là dùng để đầu tư dự án dây chuyền 2, tại tỉnh Thanh Hoá.
Đáng chú ý, kiểm toán cho biết, trong năm 2023, Xi Măng Công Thanh chưa thanh toán các khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.593,1 tỷ đồng cho Vietinbank và khoản vay ngắn hạn trị giá 287 tỷ đồng cho ngân hàng SHB.
Đồng thời, tại ngày 31/12/2023, tổng tiền lãi vay ngắn hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng này là 363,8 tỷ đồng. Chưa kể, tổng tiền lãi vay dài hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng là 10.035,2 tỷ đồng.
"Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty", kiểm toán cho biết.
Ban Tổng Giám đốc không thể cung cấp bằng chứng khả năng thanh toán các khoản trên. Kiểm toán cũng không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để lập báo cáo tài chính này là phù hợp.
Do đó, đơn vị kiểm toán "từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán" đối với báo cáo tài chính năm 2023 của Xi măng Công Thanh.
CHƯA THANH TOÁN TIỀN LÃI TRÁI PHIẾU NĂM 2023
Liên quan đến dư nợ trái phiếu, theo thống kê tại Cbonds.hnx, Xi Măng Công Thanh có 2.400 trái phiếu đang lưu hành của 4 lô trái phiếu. Cả 4 lô trái phiếu này được phát hành trong giai đoạn năm 2009 - 2010 và sẽ đáo hạn năm 2030.
4 lô trái phiếu của Xi măng Công Thanh gồm: XMCT0510_5; XMCT0510_8; XMCT1209; XMCT1210_1500, cả 4 mã trái phiếu này đều có kỳ hạn trả lãi 12 tháng..
Cụ thể, mã trái phiếu XMCT1209 được phát hành 25/12/2009, thời gian đáo hạn 25/12/2030 (21 năm), khối lượng 300 nghìn trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 15,5%/năm.
Mã trái phiếu XMCT0510_5, phát hành 21/5/2010, ngày đáo hạn 21/5/2030 (20 năm), khối lượng phát hành 355 nghìn trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 18%/năm.
Mã trái phiếu XMCT0510_8 có cùng thời gian đáo hạn được phát hành 21/5/2010, khối lượng 345 nghìn trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng, lãi suất 18,5%/năm,
Mã XMCT1210_1500 được phát hành 24/12/2010, khối lượng phát hành 1,5 triệu trái phiếu, lãi suất 17,5%, có thời gian đáo hạn vào 24/12/2030.
Hiện, 4 lô trái phiếu này đều được lưu ký tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam với lãi suất từ 17,5%-18,5%/năm.
Theo HNX, năm 2023 Xi măng Công thanh chưa thanh toán lãi 4 lô trái phiếu trên, do công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính nên chưa thanh toán tiền lãi 4 lô trái phiếu hiện hành.
Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán của công ty cho biết, từ năm 2017, Vietinbank chi nhánh TP.HCM đã có công văn 9507/TGĐ-NHCT.52.2 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn và trái phiếu đầu tư dự án dây chuyền 2 nhà máy Xi măng Công Thanh.
Đối với phần nợ gốc, doanh nghiệp này phải thanh toán nợ gốc các khoản vay dài hạn theo lộ trình tới hết năm 2035, căn cứ theo lịch trả nợ sau cơ cấu. Còn khoản nợ lãi vay, Vietinbank yêu cầu Xi măng Công Thanh thanh toán thành 2 phương án.
Cụ thể, đối với phần lãi vay phải trả lũy kế tới năm 2016 chưa thanh toán, Xi măng Công Thanh sẽ phải trả trong giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2026. Đối với lãi vay phát sinh giai đoạn từ năm 2017 tới năm 2035 sẽ được phân bố trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 tới năm 2035.
Ngoài ra, phần lãi phát sinh còn lại chưa trả do chênh lệch phát sinh so với với thực tế sẽ được thanh toán vào năm 2035.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, ngày 5/9/2017, Vietinbank đã có văn bản đồng ý chia sẻ cho SHB - Chi nhánh Vạn Phúc về khối tài sản đảm bảo mà Xi măng Công Thanh đang thế chấp tại Vietinbank và nguồn thu của công ty. Đổi lại SHB đồng ý tài trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Công Thanh với hạn mức tối thiểu 450 tỷ đồng.
Các dây chuyền sản xuất cùng nhiều tài sản của bên thứ 3 được Xi măng Công Thanh sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng trên.
Được biết, Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh được thành lập ngày 23/1/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Năm 2007, Xi măng Công Thanh khởi công xây dựng và lắp đặt thiết bị sản xuất clinker và xi măng dây chuyền 1 với công suất 2.500 tấn clinker/ngày tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Đến năm 2009, công ty này tiếp đầu tư dự án xây dựng dây chuyền 2 công suất 12.500 tấn clinker/ngày với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD.Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Xi măng Công Thanh là sản xuất clinker, xi măng, vôi và thạch cao.
Các sản phẩm của nhà sản xuất này hiện đa dạng về chủng loại và chất lượng với các chủng loại chính là xi măng đa dụng PCB40, dân dụng PCB40; xi măng portland; xi măng bền sunphat…