Cả nước có 583 doanh nghiệp nhà nước tính đến năm 2016, và số doanh nghiệp này ôm món nợ trên 1,6 triệu tỉ đồng (tương đương 73 tỉ USD).
Năm 2011, DNNN nợ 1,2 triệu tỉ đồng, năm 2016 nợ 1,6 triệu tỉ đồng, tăng 26%, và nhiều người đặt câu hỏi về những con số cho những năm tới.
DNNN có nhiều lợi thế từ vốn đến tài nguyên, thương hiệu, chưa kể nhiều ưu đãi, nhưng không nhiều doanh nghiệp khai thác được lợi thế đó để kinh doanh hiệu quả, phần lớn là thua lỗ, nợ nần chồng chất. Có không ít doanh nghiệp làm ăn thất bại, khó có khả năng thu hồi vốn.
Nói kinh doanh hiệu quả là phải tính đến lợi nhuận tương đương với đồng vốn, còn nếu có báo cáo lãi, nhưng quá thấp, chỉ là vài đồng làm ví dụ thì về bản chất cũng là sự thiệt hại, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Báo cáo chỉ rõ hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1%, thấp hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%). Tất nhiên, so với khu vực kinh tế tư nhân cũng chẳng khá gì hơn.
Kể tên các tập đoàn nhà nước “như sấm nổ bên tai”, là đầu tàu, là mũi nhọn, nhưng làm ăn thì bê bết. Trong đó, có những doanh nghiệp sai phạm về pháp luật và các cán bộ lãnh đạo phải chịu trách nhiệm hình sự, và còn nhiều đơn vị khác cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, muốn xử lý hình sự thì phải có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, tham nhũng hoặc cố ý làm trái, còn nếu không thì trong kinh doanh, thất bại không phải là hành vi phạm tội.
Và cho dù có bỏ ai đó vào tù thì cũng không thể đảo ngược lại kết quả kinh doanh, Nhà nước cũng không thể thu hồi trọn vẹn số vốn đã bị thất thoát. Một vài ông cán bộ nộp lại ít tiền tham nhũng chẳng ăn thua gì so với tài sản đã mất đi.
Vậy thì có nên để tồn tại một lực lượng DNNN kém chất lượng. Cái gì dân làm được thì để cho dân làm, Nhà nước chỉ quản lý và kiến tạo chính sách.