Trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn từ Thái Lan liên tục mở rộng hiện diện tại Việt Nam bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp sản xuất thông qua hàng loạt thương vụ M&A đình đám.
Sau khi nắm quyền sở hữu, nhờ hoạt động kinh doanh ổn định với doanh thu và lợi nhuận ấn tượng, các doanh nghiệp này trở thành "cỗ máy in tiền" cho các tập đoàn Thái, khi duy trì mức cổ tức cao và đều đặn hàng năm, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sức mạnh tài chính của họ.
Tiêu biểu nhất phải kể đến Tập đoàn Fraser and Neave (F&N) của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã không ngừng gia tăng sở hữu cổ phần tại Vinamilk thông qua hàng loạt phiên đấu giá. Hiện tại, F&N nắm giữ khoảng 20,4% cổ phần, trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của Vinamilk, chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước với 36%. Giá trị khối cổ phần mà người Thái đang nắm giữ ước tính lên đến 1 tỷ USD.
Mặc dù không sở hữu cổ phần chi phối, nhóm cổ đông F&N vẫn thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ Vinamilk nhờ chính sách chi trả cổ tức hấp dẫn, thường dao động ở mức 35-60%/năm. Tính từ thời điểm gia nhập đến nay, nhóm quỹ liên quan đến tỷ phú Charoen đã nhận hơn 15.000 tỷ đồng tiền cổ tức từ "gà đẻ trứng vàng" này.
Năm 2017, Thai Beverage (ThaiBev), một trong những tập đoàn đồ uống lớn nhất Đông Nam Á do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu, đã gây tiếng vang khi mua lại 53,59% cổ phần Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá gần 5 tỷ USD. Đây không chỉ là thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam thời điểm đó mà còn thuộc hàng kỷ lục trong ngành bia toàn châu Á.
Dưới sự kiểm soát của người Thái, Sabeco đã tăng mạnh tỷ lệ cổ tức. Trước năm 2017, tỷ lệ chi trả cổ tức chỉ ở mức 20-30%, nhưng từ năm 2017 đến nay, con số này đã vọt lên 35-50%, tất cả đều được thanh toán bằng tiền mặt. Điều này giúp các cổ đông Thái Lan đều đặn bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nâng tổng số tiền cổ tức mà Sabeco đã chi trả cho nhóm này lên đến khoảng 12.000 tỷ đồng.
Một cái tên khác đến từ “xứ sở chùa vàng” là Tập đoàn SCG đã mạnh tay đầu tư vào Việt Nam với hơn 20 công ty thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực chiến lược như xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.
Năm 2012, SCG gây chú ý khi chi 240 triệu USD để thâu tóm Prime Group, nhà sản xuất gạch men lớn nhất Việt Nam, nhằm củng cố vị thế trong ngành vật liệu xây dựng.
Không dừng lại ở đó, thông qua công ty con The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, tập đoàn này tiếp tục mua 55% cổ phần tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh vào năm 2018. Với chính sách chi trả cổ tức cao, Nhựa Bình Minh từng đạt đỉnh tỷ lệ cổ tức lên tới 84% vào năm 2022, khi toàn bộ lợi nhuận sau thuế đều được chia cho cổ đông. Từ khi nắm quyền kiểm soát, Nawaplastic đã nhận khoảng 2.300 tỷ đồng cổ tức từ công ty này.
Trong ngành bao bì, SCG tiếp tục mở rộng bằng việc mua 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) năm 2015. Nhờ tỷ lệ chia cổ tức ổn định ở mức 2 chữ số, SCG đã thu về hàng trăm tỷ đồng từ khoản đầu tư này. Đến năm 2020, thông qua SCG Solutions Pte. Ltd (Singapore), tập đoàn Thái Lan mua 94,11% cổ phần Bao bì Biên Hòa (Sovi), và năm 2021 tiếp tục sở hữu 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân.
Trong mảng xi măng, SCG đã chi 156 triệu USD vào năm 2017 để mua lại 100% StarCemt (VCM), chủ sở hữu Nhà máy Xi măng Sông Gianh tại Quảng Bình. Gần đây nhất, vào cuối năm 2023, SCG hoàn tất thương vụ mua 70% cổ phần Công ty Cổ phần Starprint Việt Nam với giá trị 676,8 tỷ đồng (27,8 triệu USD), tiếp tục củng cố vị thế của mình tại thị trường Việt Nam.
Năm 2015, TCC Group thực hiện bước đi chiến lược khi thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với giá trị 655 triệu Euro (tương đương khoảng 879 triệu USD). Sau thương vụ đình đám này, TCC Group đã đổi tên Metro thành MM Mega Market, chính thức mở rộng dấu ấn trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.
Dưới sự quản lý của TCC Group, MM Mega Market không chỉ được tái cấu trúc toàn diện mà còn tập trung vào việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản nội địa. Doanh nghiệp này không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra quốc tế, đặc biệt là sang Thái Lan, tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể.
Bằng cách khai thác lợi thế nông sản giá rẻ tại Việt Nam, TCC Group đã tối ưu chi phí vận hành, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trong ngành bán lẻ. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp MM Mega Market gia tăng sức mạnh mà còn khẳng định vai trò của TCC Group trong việc thúc đẩy xuất khẩu và nâng tầm giá trị nông sản Việt.
Năm 2016, Central Group thực hiện thương vụ đình đám khi chi 1,05 tỷ USD để mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp). Thương vụ này đánh dấu bước tiến quan trọng của Central Group trong việc củng cố vị thế hàng đầu tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Sau khi tiếp quản, Central Group đã tái định vị Big C thành một thương hiệu bán lẻ hiện đại, với chiến lược tập trung vào các sản phẩm nội địa và tổ chức các chương trình khuyến mãi quy mô lớn, nhằm thu hút và giữ chân người tiêu dùng Việt.
Đặc biệt, tập đoàn này đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất trong nước, không chỉ cắt giảm đáng kể chi phí nhập khẩu mà còn đáp ứng tối ưu thị hiếu tiêu dùng của thị trường bản địa.
Hơn thế nữa, Central Group tận dụng mạng lưới quốc tế của mình để đưa một lượng lớn hàng hóa từ Big C sang Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực. Điều này không chỉ gia tăng doanh thu kép từ sản phẩm Việt mà còn mở rộng cơ hội quảng bá hàng Việt Nam ra thế giới.