Ngày 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị từ nhiều đại diện các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhằm đưa ra những giải pháp, phương án để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởngtừ dịch bệnh Covid-19.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng ra hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh là du lịch, hàng không, bất động sản, nông nghiệp, vận tải... mà thực tế, doanh nghiệp đã phải co hẹp kinh doanh, đóng cửa, hoạt động cầm chừng.
Đại diện các doanh nghiệp đã nêu kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách, tạo môi trường đầu kinh thông thoáng, hỗ trợ cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển trong tương lai, nhất là giai đoạn khó khăn dịch bệnh lan rộng.
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ…
Đại diện Vietjet kiến nghị Chính phủ cần miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm 50-70% phí dịch vụ hoạt động hàng không. Hãng bay này cũng đang đối mặt với tình trạng sụt giảm lượng hàng khách từ khi dịch bùng phát.
Đại diện từ nhóm ngành du lịch, bán lẻ đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, Vingroup đã kiến nghị Chính phủ rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp "rộng tay, rộng chân hơn để phát triển". Bản thân doanh nghiệp ngay lập tức triển khai nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng, hợp tác với đối tác để san sẻ khó khăn, tung gói 300 tỉ đồng để hỗ trợ đối tác kinh doanh tại hệ thống trung tâm thương mại Vincom...
Với hai mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản nghỉ dưỡng và hàng không, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, Luật Đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư, mong được Chính phủ quan tâm vấn đề này, nhất là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp này khẳng định, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra.
Trong khi đó, Tập đoàn thực phẩm Massan cho biết, các nhà máy của tập đoàn đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị, đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử để khuyến khích ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hạn chế sự lây nhiễm bệnh dịch...
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới, đại diện các tập đoàn du lịch, hàng không cho rằng, Chính phủ cần có các biện pháp giảm bớt luồng khách từ nước ngoài nhằm hạn chế lây lan dịch. Điều quan trọng nhất lúc này là ổn định tâm lý, cần chống tâm lý hoang mang, lo lắng bởi cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi. Đơn cử như Hãng hàng không Vietjet đã khởi động Uỷ ban khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21/1/2020. “Chúng tôi đã góp một phần trách nhiệm của mình để giải quyết phương tiện đi lại tuyệt đối an toàn cho hành khách, kiểm soát dịch bệnh”, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet nói. Hai Vietravel vừa đưa ra chương trình “Việt Nam an toàn” để kích cầu du lịch, giải toả tâm ly hoang mang, nỗi sợ dịch bệnh...
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cho rằng, các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh. Mặc dù tình hình hiện tại đang rất khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Một kiến nghị được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi là chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất từ ngân hàng nhằm chia sẻ khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đáp lại, đại diện các ngân hàng cũng khẳng định, sẵn sàng đồng hành chia sẻ khó khăn với Nhà nước, các doanh nghiệp và có thể trích bớt lợi nhuận để giảm lãi suất.
Trước những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi vừa nói với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là giảm lãi suất và chúng ta sẽ tiếp tục kích cầu nền kinh tế với những gói phù hợp nhưng luôn luôn nhớ rằng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đấy là tiền đề rất quan trọng”.
Ngay trong ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư mới quy định việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Theo báo cáo từ 23 tổ chức tín dụng gửi lên Ngân hàng Nhà nước, hiện có 926.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, dẫn đến trả nợ không đúng hạn. Bước đầu, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 85.000 tỷ đồng.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, nhân dịp này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận.
Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.
“Chúng ta sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19”, Thủ tướng tuyên bố.
Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu ngay sau đó.