
Hỗ trợ hộ kinh doanh khoán chuyển đổi sang kê khai thuế theo doanh thu thực tế, KiotViet phối hợp cùng Vietcombank Tân Bình tổ chức sự kiện hội thảo "Khéo kê khai - Thuế nhẹ vai". Sự kiện cung cấp các kiến thức chuyên sâu lẫn công cụ kê khai thuế thuận tiện để hộ kinh doanh dễ dàng tuân thủ nghĩa vụ, đáp ứng sự thay đổi về quản lý thuế.
Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia thuế, chuyên gia giải pháp phần mềm KiotViet, đại diện Vietcombank Tân Bình cùng gần 300 hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM và các vùng lân cận với các ngành nghề kinh doanh phổ biến như: tạp hóa, sản xuất kinh doanh, vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp, quán ăn gia đình.
CÁCH MẠNG TRONG QUẢN LÝ THUẾ
Trong bối cảnh nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026; đồng thời phương pháp quản lý thuế đang thay đổi theo hướng hiện đại, minh bạch hơn.
Theo đó, từ 1/6, khoảng 37.000 hộ kinh doanh đang nộp thuế theo hình thức khoán, có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên chính thức chuyển đổi từ khoán thuế sang kê khai thuế.

Nắm bắt những trăn trở của hộ kinh doanh trong thời kỳ chuyển đổi, mở đầu hội thảo “Khéo kê khai - Thuế nhẹ vai”, ông Trần Quân, Tổng Giám đốc Công ty VNTAC đã chia sẻ các thông tin quan trọng như: căn cứ pháp lý, doanh thu chịu thuế của hộ và cá nhân kinh doanh, phương pháp tính thuế và biểu thuế VAT và thu nhập cá nhân, hóa đơn bán hàng và hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, so sánh các mô hình kinh doanh…
Thông qua phần chia sẻ của chuyên gia, người tham dự phần nào đã nắm rõ những lợi ích của chủ trương chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai đối với công tác quản lý thuế. Đồng thời về phía người bán hàng, phương pháp kê khai cũng tạo sự ra minh bạch, công bằng trong cộng đồng kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này.
KÊ KHAI THUẾ TỰ ĐỘNG, DỄ DÀNG
Việc chuyển đổi từ hình thức thuế khoán sang kê khai thuế theo doanh thu thực tế không chỉ là thay đổi về mặt thủ tục mà còn là một bước chuyển quan trọng về tư duy, quy trình và cả công cụ hỗ trợ quản lý bán hàng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Dũng, Phó Giám đốc Kinh doanh KiotViet đã giới thiệu phần mềm bán hàng KiotViet với nhiều lợi ích cho hộ kinh doanh như: quản lý bán hàng toàn diện, tích hợp hóa đơn điện tử hợp lệ và chữ ký số và đặc biệt là kê khai thuế tự động.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện bộ phận phát triển công cụ kê khai thuế từ KiotViet đã trực tiếp hướng dẫn lập và nộp tờ khai thuế theo mẫu 01/CNKD quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC và phụ lục đi kèm.
Theo đó, dữ liệu doanh thu từ hóa đơn điện tử đã phát hành được tự động tổng hợp vào mẫu tờ khai thuế, giúp giảm thiểu rủi ro sai sót do nhập liệu thủ công và đảm bảo tính thống nhất số liệu. Hệ thống cũng tự động tính toán nghĩa vụ thuế suất theo lĩnh vực kinh doanh, hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Qua sự trình bày chi tiết và hướng dẫn từng bước cụ thể, người tham dự có thể nắm rõ quy trình và thực hành dễ dàng, đáp ứng kịp thời kỳ kê khai thuế quý 2/2025.
Bên cạnh đó, về phía Vietcombank Tân Bình, để hỗ trợ người bán hàng chuyển đổi số và phát triển kinh doanh, ngân hàng đang triển khai các giải pháp trọn gói: từ công nghệ thanh toán như mở tài khoản miễn phí, tích hợp thanh toán điện tử, kết nối phần mềm bán hàng KiotViet, cho đến các gói vay lãi suất ưu đãi.
Đại diện ban tổ chức, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ KiotViet chia sẻ: "Chuyển đổi sang kê khai thuế, hiện đại hóa quy trình vận hành cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía cơ quan thuế, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho đến các tổ chức ngân hàng. Với giải pháp phần mềm đơn giản, phù hợp nhu cầu, KiotViet mong muốn đồng hành cùng hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó, họ có thể vươn mình trở thành lực đẩy của nền kinh tế tư nhân, lớn mạnh và phát triển bền vững".

Trong suốt phiên thảo luận mở, đại diện các hộ kinh doanh đã được tạo một không gian cởi mở để nêu lên những thắc mắc liên quan đến từ khóa “thuế khoán” như: "Tôi kinh doanh rau củ quả trực tiếp từ người nông dân , tôi cần phải có giấy tờ như nào để có thể kê khai thuế cho đúng?”.
Chuyên gia cho biết: "Trên thực tế, có nhiều cách để chứng minh chi phí đầu vào và lập hồ sơ kê khai thuế, trong đó cách đơn giản và phổ biến nhất hiện nay là lập Biên bản mua hàng hoặc Bản kê hàng hóa. Bản kê này không cần quá phức tạp, chỉ cần đảm bảo các nội dung cơ bản như: Thời gian mua hàng (ngày, giờ cụ thể); thông tin người bán (tên, địa chỉ, số điện thoại nếu có); tên hàng hóa, số lượng, đơn giá, tổng tiền và đặc biệt là có chữ ký xác nhận của cả người mua và người bán. Bản kê hoặc biên bản này sẽ được lưu cùng chứng từ kế toán, và là căn cứ để hộ kinh doanh hạch toán chi phí đầu vào, phục vụ cho việc kê khai thuế".
Ngoài ra, cũng hộ kinh doanh là tiệm kinh doanh tạp hoá bày tỏ e ngại khi vẫn chưa rõ chính xác trường hợp nào chỉ cần kê khai thuế, trường hợp nào cần lập báo cáo tài chính. Trước câu hỏi này, chuyên gia giải đáp: "Đây là thắc mắc chung của nhiều hộ kinh doanh hiện nay, đặc biệt là các tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Trước hết, cần phân biệt rõ giữa kê khai thuế và lập báo cáo tài chính trong trường hợp của hộ kinh doanh cá thể.
Kê khai thuế là nghĩa vụ bắt buộc của hộ kinh doanh và được thực hiện dựa trên tổng doanh thu bán ra trong kỳ tính thuế. Đây là căn cứ chính để xác định số thuế phải nộp. Hộ kinh doanh sẽ cần kê khai định kỳ (tháng hoặc quý), tùy theo quy mô doanh thu và hướng dẫn của cơ quan thuế.
Còn đối với báo cáo tài chính, hiện nay pháp luật không bắt buộc hộ kinh doanh phải lập báo cáo tài chính như doanh nghiệp. Tuy nhiên, hộ kinh doanh vẫn cần ghi chép, lưu trữ sổ sách bán hàng, chi phí, tồn kho... như một hình thức theo dõi nội bộ, để phục vụ quản lý và làm căn cứ đối chiếu khi cơ quan thuế kiểm tra.
Nói cách khác, hộ kinh doanh không cần nộp báo cáo tài chính, nhưng vẫn nên lưu trữ thông tin tài chính nội bộ một cách đầy đủ, rõ ràng đây là phần rất quan trọng nếu sau này có phát sinh thanh tra, kiểm tra hoặc cần chứng minh chi phí, doanh thu thực tế".
Các câu hỏi, ý kiến đã được chuyên gia giải đáp với tiêu chí dễ hiểu, gần gũi, đơn giản hóa các kiến thức lý thuyết nhằm giúp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh “hiểu đúng - làm đúng”. Chị Như Ý, chủ hộ sản xuất kinh doanh bún tươi đến từ Đồng Nai chia sẻ: "Tôi rất hào hứng được học thêm những điều mới để đáp ứng việc kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật. Tôi mong muốn có thêm nhiều sự kiện, khóa học bổ ích, dễ hiểu để tham gia".