Ba đồng tiền Forint của Hungary, đồng Zloty của Ba Lan và đồng Koruna của Cộng hòa Séc đều bị xếp vào nhóm đặc biệt, tức là dễ bị tổn thương trước biến động cung cầu của 19 quốc gia thành viên thuộc khối đồng tiền chung châu Âu.
Nguyên nhân được cho là hàng hóa xuất khẩu của ba nước kể trên chiếm tới 60% tính trong toàn khối.
Paul Greer, một nhà quản lý tiền tệ tại Fidelity International ở London, cho biết: “Chúng tôi thận trọng đối với các loại tiền tệ khu vực Đông Âu bởi đồng Zloty và Koruna có thể sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD cũng như Đông Âu chính là khu vực dễ bị tác động trong số các thị trường tiền tệ”.
Song song đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 7 đã cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới có thể sớm đi đến đỉnh suy thoái, nhưng triển vọng đối với đồng Euro lại khá tiêu cực.
Piotr Matys, nhà phân tích tiền tệ cấp cao tại InTouch Capital Markets, cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cho biết kinh tế châu Âu đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, và rất khó để đồng tiền ở các nước Đông Âu tăng giá trở lại.
Cụ thể, đồng Forint giảm tới 17% so với đồng USD và giảm 8,2% so với đồng Euro. Đồng Zloty đã mất giá 12% so với USD trong giai đoạn này và Koruna giảm 9,5%.
Tuy nhiên, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Hungary đã giúp đồng Forint ổn định hơn sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng Euro vào tháng Bảy. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Viktor Orban vẫn chưa thể đảm bảo khả năng có thể tiếp cận quỹ cứu trợ phục hồi sau đại dịch.
Đặc biệt, đồng Koruna của Séc giữ được sự ổn định nhất khi so sánh với Forint và Zloty. Cơ quan Quản lý Tiền tệ nước này đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 7% vào tuần trước, tạo điều kiện tốt cho kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của Thống đốc Ales Michl.
Động thái trên sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để đánh giá diễn biến kinh tế và tác động của mức lãi suất hiện tại đối với thị trường.
Trong khi đó, các nhà chức trách Ba Lan đã đạt được nhiều thỏa thuận tích cực với Liên minh châu Âu để tiếp cận các quỹ phục hồi. Ngân hàng Trung ương của nước này cũng nới lỏng các chính sách tiền tệ, điều chỉnh lãi suất trung bình về 6,5% so với 10,75% ở Hungary.
Ông Oliver Harvey, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tiền tệ khu vực Trung và Đông Âu tại Deutsche Bank AG, cho biết, triển vọng của Trung Âu và Đông Âu là trái ngược nhau. Harvey bày tỏ quan ngại đối với nền kinh tế Hungary nhưng lại đưa ra nhận định tích cực đối với đồng Koruna của Cộng hòa Séc.
“Nếu đồng Euro nằm ở mức ngang bằng hoặc dưới mức ngang bằng so với đồng USD, tức là xung đột Nga - Ukraine ngày càng tồi tệ hơn; kéo theo đó nền kinh tế cả khu vực châu Âu sẽ bị ảnh hưởng mạnh”, Oliver Harvey bổ sung.