Kết thúc phiên 17/10, chỉ số Dow Jones tăng 161,35 điểm (+0,37%) lên 43.239,05 điểm, Nasdaq Composite nhích 6,53 điểm (+0,04%) thành 18.373,61 điểm, trong khi đó S&P 500 giảm nhẹ 1 điểm còn 5.841,47 điểm.
Những kết quả tích cực đầu mùa báo cáo tài chính quý 3, cùng với dữ liệu kinh tế tốt và khởi đầu chu kỳ nới lỏng chính sách của Fed đã giúp Dow Jones và S&P 500 đạt đỉnh mới trong những phiên gần đây, với S&P 500 tiệm cận mốc 6.000 điểm.
TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới – ghi nhận lợi nhuận quý vượt kỳ vọng và dự kiến doanh thu quý 4/2024 sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu cao với chip trí tuệ nhân tạo (AI). Cổ phiếu TSMC niêm yết tại Mỹ tăng vọt 9,8%, trong khi khách hàng quan trọng của TSMC, Nvidia cũng leo 0,9%. Tâm lý lạc quan đã lan truyền sang cả các cổ phiếu chip khác, đưa chỉ số Philadelphia SE Semiconductor lên thêm 1%.
Tại các biến động liên quan đến lợi nhuận, Travelers Companies và Blackstone Group lần lượt thêm 9% và 6,3% sau khi báo cáo lợi nhuận quý 3 vượt kỳ vọng. Chỉ số S&P Banks tăng 0,1% ở phiên thứ năm liên tiếp, nhờ báo cáo tài chính tích cực từ các ngân hàng khu vực lớn như M&T Bank và Synovus Financial. Tuy nhiên, Truist Financial lại mất 3,5% và Huntington Bancshares giảm 2,6%.
Bên ngoài lĩnh vực tài chính, cổ phiếu bảo hiểm y tế Elevance Health trượt dốc 10,6%, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ đầu đại dịch tháng 3/2020, sau khi công ty hạ dự báo lợi nhuận cả năm.
Hầu hết các nhóm ngành thuộc S&P 500 đều suy yếu, trong đó những lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như tiện ích và bất động sản giảm lần lượt 0,9% và 0,7%.
Trong phiên, chỉ số Russell 2000 mất 0,3% và S&P Small Cap 600 trượt 0,2% sau khi đạt mức cao nhất trong gần ba năm.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,34 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 12,08 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới được công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tăng trưởng ổn định. Doanh số bán lẻ trong tháng 9 đã tăng 0,4%, cao hơn dự báo trước đó. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cũng giảm ngoài dự đoán.
Thị trường hiện đang đặt cược 89,4% về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 11.
“Các nhà đầu tư đã điều chỉnh kỳ vọng của họ về tăng trưởng kinh tế khi dữ liệu tích cực phần nào xoa dịu được lo ngại về suy thoái. Bên cạnh đó, họ cũng đang nghiên cứu xem lĩnh vực nào sẽ dẫn dắt thị trường và khi nào thì nên dịch chuyển vốn”, Josh Jamner, chiến lược gia tại ClearBridge Investments nhận định.
GIÁ DẦU PHỤC HỒI
Trên thị trường năng lượng, giá dầu có dấu hiệu phục hồi từ mức thấp nhất trong 2 tuần khi có dữ liệu cho thấy tồn kho dầu và nhiên liệu tại Mỹ giảm.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 23 cent, tương đương 0,31% lên mức 74,45 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 28 cent, tương đương 0,4% xuống 70,67 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/10, trái với dự báo tăng 1,8 triệu thùng. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm trong tuần qua.
Sản lượng dầu tại North Dakota – bang sản xuất lớn thứ ba của Mỹ – đã hạ bớt khoảng 500.000 thùng trong tháng 10 do cháy rừng lan sang các khu vực sản xuất chính.
Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt lãi suất lần thứ ba trong năm nay vào 17/10, cho thấy lạm phát tại khu vực đồng Euro đang được kiểm soát.
Quyết định nới lỏng chính sách của ECB sẽ tiếp tục giảm chi phí đi vay, kích thích nhu cầu và từ đó có thể hỗ trợ cho giá dầu.