Kết thúc phiên 19/9, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 1,26% thành 42.025,19 điểm, S&P 500 thêm 1,70% và đạt mức 5.713,64 điểm, Nasdaq leo 2,51% lên 18.013,98 điểm.
Hai trong số 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức đóng cửa cao nhất từ trước đến nay, với Dow Jones lần đầu tiên vượt mốc 42.000 điểm.
Trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, có 8 lĩnh vực tăng điểm, dẫn đầu là công nghệ thông tin với mức tăng 3,08%, tiếp theo là tiêu dùng không thiết yếu tăng 2,2%.
Các cổ phiếu megacap, vốn đã được hưởng lợi lớn trong nay, tiếp tục có đà tăng trưởng vững chắc, điển hình như Tesla “nhảy vọt” hơn 7%, Apple và Meta Platforms đều tăng gần 4% trong phiên.
Nvidia, một trong những công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, leo thêm 4% và giúp chỉ số PHLX ngành bán dẫn tăng 4,3%.
Chỉ số Russell 2000 của các công ty vốn hóa nhỏ đã thêm 2,1% khi đón nhận tin tức kinh tế mới, với môi trường lãi suất thấp hơn sẽ giúp giảm bớt chi phí hoạt động và thúc đẩy lợi nhuận.
Chỉ số ngân hàng S&P 500 tăng 2,5%, với cổ phiếu Citigroup và Bank of America đều đạt thành tích tốt sau khi hạ lãi suất cơ bản.
Trong khi đó, cổ phiếu FedEx lại giảm 10% do công ty cắt giảm mục tiêu doanh thu cho năm tài chính 2025.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,3 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,8 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Vào thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng lạm phát đã được kiểm soát. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các quyết định nới lỏng chính sách sao cho phù hợp trong tương lai.
“Fed đã xác nhận một bức tranh kinh tế khá tích cực, vì vậy chúng ta chứng kiến dòng tiền quay trở lại một số lĩnh vực có thể đã hoạt động khá bất ổn trong quý này”, James Ragan, Giám đốc Nghiên cứu Quản lý Tài sản tại D.A. Davidson nhận xét.
Theo BofA Global Research, tổng quy mô cắt giảm lãi suất trong năm nay được kỳ vọng vào khoảng 0,75 điểm phần trăm, cao hơn dự báo trước đó là 0,50 điểm phần trăm.
Ở một nghiên cứu khác, dữ liệu từ Evercore ISI cho thấy kể từ năm 1970, chỉ số S&P 500 thường có xu hướng tăng trung bình 14% trong sáu tháng sau khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
GIÁ DẦU TĂNG HƠN 1%
Giá dầu tiếp tục tăng hơn 1% vào thứ Năm sau tuyên bố cắt giảm lãi suất của Mỹ và báo cáo về tình hình suy giảm dự trữ dầu toàn cầu.
Giá dầu Brent chốt phiên ở mức 74,88 USD/thùng, tăng 1,23 USD, tương đương 1,7%. Hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ tăng 1,04 USD, tương đương 1,5%, lên 71,95 USD/thùng.
Giá dầu đã phục hồi trở lại sau khi dầu Brent giảm xuống dưới 69 USD lần đầu tiên trong gần ba năm vào phiên 10/9. Kể từ thời điểm đó đến nay, cả hai hợp đồng đã tăng trong năm trên tổng số bảy phiên giao dịch liên tiếp.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ 0,5 điểm phần trăm lãi suất được đánh giá là sẽ kích thích hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng một số người cũng cho rằng mức giảm lớn này là dấu hiệu cho thấy thực trạng yếu kém trong thị trường lao động Mỹ.
Dự trữ dầu thô toàn cầu giảm sẽ hỗ trợ giá dầu trong tương lai, có khả năng đẩy giá dầu Brent lên trên 80 USD trong những tháng tới, theo các nhà phân tích của UBS. Dữ liệu của chính phủ Mỹ công bố hôm thứ Tư cho thấy kho dự trữ dầu thô của nước này - một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới - đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm vào tuần trước.