Kết thúc phiên 12/9, chỉ số Dow Jones tăng 235,06 điểm (+0,58%) lên 41.096,77 điểm; S&P 500 nhích 41,63 điểm (+0,75%) đạt 5.595,76 điểm và Nasdaq Composite thêm 174,15 điểm (+1,00%) thành 17.569,68 điểm.
Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều ngập tràn sắc xanh, dẫn đầu là lĩnh vực dịch vụ truyền thông, tăng 2%.
Cổ phiếu có thành tích tốt nhất ở lĩnh vực này là Warner Bros Discovery, tăng 10,4% sau thông báo cùng với Charter Communications về việc cung cấp cho khách hàng phiên bản hỗ trợ quảng cáo (ad-supported) của các dịch vụ phát trực tuyến Max và Discovery+. Cổ phiếu Charter tăng 3,6%.
Cổ phiếu của các công ty khai thác vàng cũng nhảy vọt nhờ diễn biến giá vàng giao ngay đạt mức cao mới. Chỉ số Arca Gold BUGS tăng 5,8%.
Trong khi đó, cổ phiếu Moderna trượt giảm mạnh 12,4%, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Nhà sản xuất vaccine dự báo doanh thu cho năm 2025 trong khoảng 2,5 tỷ đến 3,5 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,58 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,82 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,2% trong tháng 8, cao hơn dự báo 0,1%. Số liệu cốt lõi, loại bỏ giá lương thực và năng lượng biến động, tăng 0,3%, cũng cao hơn dự báo 0,2%.
Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp sơ bộ trong tuần kết thúc vào ngày 7/9 đạt 230.000 đơn, phù hợp với dự báo trước đó.
“Các điểm dữ liệu trong tuần này gần như xác nhận rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng và đang ở trong tình trạng hạ cánh mềm”, Peter Tuz, chủ tịch của Chase Investment Counsel nhận xét.
Miễn là các nhà đầu tư nhận thấy có cơ hội cắt giảm lãi suất và con đường rõ ràng phía trước cho các đợt nới lỏng tiếp theo, thì họ sẽ lạc quan hơn với triển vọng của thị trường chứng khoán, đặc biệt là các ngành tăng trưởng, ông Peter Tuz nói thêm.
Các nhà giao dịch vẫn đặt cược 69% khả năng Fed chỉ cắt giảm 0,25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 17-18/9. Đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
GIÁ DẦU TĂNG 2%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu có xu hướng đi lên khi các nhà sản xuất đánh giá tác động của cơn bão Francine đối với sản lượng tại Vịnh Mexico của Mỹ. Hơn 730.000 thùng/ngày, tương đương gần 42% sản lượng dầu ở Vịnh, đã bị tạm ngừng sản xuất do bão, trích dẫn báo cáo từ Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,36 USD, tương đương 1,9%, lên 71,97 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 1,66 USD, tương đương 2,5%, đạt mức 68,97 USD/thùng.
Trước đó, cả hai hợp đồng cũng đều thêm hơn 2% vào thứ Tư khi các công ty sơ tán khỏi giàn khoan ngoài khơi do bão Francine. Ước tính cho thấy sản lượng tháng này từ Vịnh Mexico sẽ giảm khoảng 50.000 thùng/ngày, theo UBS.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tác động của bão Francine có thể chỉ là ngắn hạn, vì cơn bão đã nhanh chóng hạ cường độ nguy hiểm sau khi đổ bộ vào Louisiana.
Điều này có thể khiến thị trường dầu tập trung trở lại vào tình trạng nhu cầu toàn cầu suy yếu, Alex Hodes - nhà phân tích tại StoneX lưu ý trong một ghi chú.
Những lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã gây áp lực lớn lên giá trong những tháng gần đây. Giá dầu Brent đã kết thúc ở mức thấp nhất trong gần ba năm vào 10/9 sau khi OPEC+ cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu hàng năm trong hai tháng liên tiếp.