Kết thúc phiên 16/9, chỉ số Dow Jones tăng 228,30 điểm (+0,55%) lên 41.622,08 điểm, S&P 500 nhích 7,07 điểm (+0,13%) thành 5.633,09 điểm và Nasdaq Composite giảm 91,85 điểm (-0,52%) xuống 17.592,13 điểm.
Trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, tài chính (+1,22%) và năng lượng (+1,2%) là hai lĩnh vực có hiệu suất tốt nhất. Trong khi đó, công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu lại sụt giảm mạnh.
Cổ phiếu Apple mất 2,78%, gây áp lực lớn nhất lên cả chỉ số S&P và Nasdaq Composite, sau khi một nhà phân tích của TF International Securities cho biết nhu cầu đối với iPhone 16 nhất thấp hơn dự kiến.
Các lo ngại về nhu cầu cũng đè nặng lên các nhà sản xuất chip, với Nvidia giảm 1,95%, Broadcom trượt 2,19% và Micron mất 4,43%. Những diễn biến này đã khiến chỉ số Philadelphia SE Semiconductor giảm 1,41%.
Ngược lại, Intel Corp tăng 6,36% nhờ một báo cáo cho thấy công ty đủ điều kiện nhận tới 3,5 tỷ USD trợ cấp liên bang để sản xuất chất bán dẫn cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cổ phiếu Boeing giảm nhẹ 0,78% khi công ty tiết lộ họ đang tạm ngừng việc tuyển dụng và cân nhắc kế hoạch sa thải trong vài tuần tới do cuộc đình công của công nhân kéo dài sang ngày thứ tư.
Chiến lược gia trưởng tại SlateStone Wealth, ông Ken Polcari nhận định: "Nếu mọi người muốn huy động nhiều tiền một cách nhanh chóng, họ sẽ làm thế nào? Họ sẽ bán các cổ phiếu có thể bán nhanh và huy động được nhiều tiền mặt, ví dụ như Apple, Nvidia, Amazon, Microsoft...”
Theo ông Polcari, các nhà đầu tư muốn làm điều này trước khi Fed đưa ra quyết định lãi suất, phòng trường hợp thị trường biến động hoặc cần huy động tiền mặt để có sẵn cho các cơ hội đầu tư khác.
Chứng khoán Mỹ đã có những thành tích vượt trội kể từ đầu năm đến nay nhờ kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái. Chỉ số Dow Jones đang ở mức đỉnh và S&P 500 chỉ còn dưới 1% so với mốc kỷ lục đã thiết lập vào tháng 7.
Hy vọng của thị trường về mức cắt giảm lãi suất đã có nhiều thay đổi trong những ngày gần đây và hiện tại dự báo có 59% khả năng Fed sẽ cắt giảm 0,50 điểm phần trăm, theo công cụ FedWatch của CME.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,74 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,75 tỷ trong 20 ngày vừa qua.
GIÁ DẦU TĂNG MẠNH
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao do tác động của bão Francine đối với sản lượng ở Vịnh Mexico của Mỹ đã lấn át cho những lo ngại về nhu cầu suy yếu của Trung Quốc.
Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên ở mức 72,75 USD/thùng, tăng 1,14 USD, tương đương 1,59%. Hợp đồng tương lai dầu WTI đóng cửa ở mức 70,09 USD/thùng, tăng 1,44 USD, tương đương 2,1%.
“Thị trường năng lượng vẫn đang chịu ảnh hưởng từ cơn bão, chủ yếu ở mảng sản xuất hơn là lọc dầu”, Matt Smith, nhà phân tích dầu chính tại Kpler cho biết. Hơn 12% sản lượng dầu thô và 16% sản lượng khí tự nhiên ở Vịnh Mexico của Mỹ vẫn bị ngừng hoạt động sau cơn bão Francine, Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ (BSEE) chia sẻ.
Trước đó, dữ liệu kinh tế ở Trung Quốc vào cuối tuần qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết trong một email. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 8, trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục trượt giảm.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc cũng giảm tháng thứ năm liên tiếp do nhu cầu nhiên liệu yếu và biên lợi nhuận xuất khẩu thấp đã hạn chế sản xuất.