Dự án metro "đói" vốn, nhà thầu đòi ngưng

Nhiều nhà thầu thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên yêu cầu thanh toán tiền, nếu không sẽ giãn tiến độ hoặc tạm ngưng thực hiện.
Dự án metro "đói" vốn, nhà thầu đòi ngưng

Sáng 24/5, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM đã họp báo thông tin về các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Đáng chú ý, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1), dự kiến đưa vào khai thác năm 2020, có nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vốn.

Tiền rót xuống chỉ đủ trả nợ!

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP, dự án tuyến metro số 1 đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Đến năm 2017, giá trị thi công dự án đã đạt khoảng 5.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 28-4-2017, Chính phủ mới phân bổ hơn 2.000 tỉ đồng.

Để thanh toán cho các nhà thầu và bảo đảm tiến độ dự án, TP HCM đã bỏ ra 600 tỉ đồng để quyết toán, cộng với mấy tháng đầu năm 2017 phải thanh toán thêm 1.339 tỉ đồng, tính ra số tiền 2.000 tỉ đồng của Chính phủ rót xuống chẳng còn lại là bao.

Theo ông Quang, hiện nay, một số nhà thầu đã có thư thông báo sẽ cắt giảm tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công nếu không có tiền thanh toán cho họ. "Phía Nhật Bản đã đặt vấn đề rất gay gắt bởi vốn họ đã chuẩn bị đủ; để xảy ra sự chậm trễ như hôm nay là do nội bộ của chúng ta nên chúng ta tự giải quyết" - ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng dự án sẽ khó về đích đúng hẹn nếu không được bố trí vốn. Quan trọng hơn, nếu không được bố trí vốn, các nhà thầu sẽ không có tiền trả cho các chuyên gia và họ phải về nước, khi họ đã đi thì mời trở lại rất khó. Tiếp đó nếu thanh toán chậm, TP phải trả lãi và bồi thường thiệt hại theo hợp đồng với một khoản tiền khá lớn.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đã tham mưu cho TP kiến nghị lên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tiếp tục cấp vốn nhưng chưa được các bộ đồng ý.

Chậm... dây chuyền

Không những dự án tuyến metro số 1 đang đứng trước nguy cơ trễ hẹn mà các dự án khác cũng đã chậm từ nhiều năm nay. Trong đó, tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài hơn 11 km đã được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Đầu tư châu Âu tài trợ, dự kiến hoàn thành vào năm 2024 nhưng đến nay chỉ mới trình hồ sơ dự án điều chỉnh và đang chờ Chính phủ xem xét. Các quận, huyện có dự án đi qua đang tiến hành giải phóng mặt bằng, dự kiến cuối năm mới phát hồ sơ mời thầu.

Ông Quang lý giải do giai đoạn đầu, các chuyên gia trong nước thực hiện nên không đủ khả năng, sau đó có chuyên gia tư vấn nước ngoài vào cuộc nên dự án phải điều chỉnh lại. Đối với tuyến số 5 (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) có tổng chiều dài 8,89 km cũng đã được ADB, Ngân hàng Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 1,565 tỉ EUR, dự kiến hoàn thành vào năm 2014 nhưng cũng đang tiến hành mời thầu. Đối với các dự án khác như tuyến 3a, tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến số 5 (giai đoạn 2)… đang trình hồ sơ dự án.

Về đề án nghiên cứu kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết hiện nay, tư vấn của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thực hiện và đã hoàn tất vào tháng 2-2017. Theo đề xuất của tư vấn, từ ga cuối Suối Tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ kéo dài về phía Bắc khoảng 2 km để xây dựng nhà ga nút giao. Sau đó, từ nhà ga nút giao tách thành 2 nhánh để đi về tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, UBND TP HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì xem xét, tham mưu UBND TP trước khi UBND các tỉnh, thành phố (TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương) họp xem xét thống nhất hướng tuyến, địa điểm, quy mô thực hiện.

Theo Thành Đồng/NLĐ

>> Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên nguy cơ vỡ tiến độ vì thiếu vốn

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…