Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm tiến độ 15 tháng, đội vốn 10.500 tỷ đồng

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm chủ đầu tư chậm tiến độ tới 15 tháng và đội vốn 10.500 tỷ đồng.
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm tiến độ 15 tháng, đội vốn 10.500 tỷ đồng

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Cụ thể, kết luận của Bộ Xây dựng cho biết, do thực hiện dự án đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt, khiến cuối năm 2014, PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.457 tỷ đồng. 

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5/2015 và theo Quyết định của Thủ tướng ban hành năm 2013 thì sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án cho biết, đến tháng 9/2017 dự án bị chậm tiến độ xấp xỉ 26%, tương ứng 15 tháng so với yêu cầu.

Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra, việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình, PVN đã không lấy ý kiến các cơ quan liên quan về khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ, phương án hoàn trả vốn để thẩm định dự án trước khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Một số chi phí tính sai, bị tăng do việc thực hiện không đúng quy định quy trình thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán, tính sai nghiệm thu thanh toán… Bên cạnh đó, việc tính sai tăng khối lượng tại một số hạng mục công trình, áp giá vật liệu,  áp định mức và tính một số chi phí chưa phù hợp dẫn tới giá trị dự toán được duyệt sai tăng số tiền hơn 210,6 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra yêu cầu PVN điều chỉnh giảm dự toán số tiền hơn 230 tỉ đồng, trong đó cụ thể là các gói thầu thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm điện lực sông Hậu (hơn 9 tỉ đồng); dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 (hơn 220 tỉ đồng).

Tính lại chi phí thiết kế bản vẽ thi công, giảm trừ giá trị hợp đồng đối với phí mở bảo lãnh thực hiện hợp đồng của gói thầu EPC, chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật…

Thu hồi số tiền 15,7 tỉ đồng nộp vào tài khoản tạm giữ của thanh tra Bộ xây dựng.  

Cùng với đó, Tập đoàn Dầu khí phải chỉ đạo ban quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1 và các đơn vị có liên quan có biện pháp đẩy nhanh thi công, đáp ứng tiến độ.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương ban hành khung giá bán điện trong giai đoạn chạy thử để có cơ sở tính toán giá trị thu hồi trong tổng mức đầu tư của các dự án.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư khoảng hơn 43.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), là một trong các dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, diện tích sử dụng đất khoảng 115ha. Dự án có hai tổ máy với công suất hoạt động khoảng 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC.

Theo dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh mỗi năm.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...