Dự báo tín dụng tăng thấp, cổ phiếu ngân hàng còn hấp dẫn?

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, chi phí dự phòng cao và thu nhập thuần từ lãi giảm tốc sẽ gây áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận ngành trong năm 2023...
cổ phiếu ngân hàng

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng. Công ty chứng khoán này cho rằng, chi phí dự phòng cao và thu nhập thuần từ lãi giảm tốc sẽ gây áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận ngành trong năm 2023.

Vẫn còn nhiều áp lực

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng sơ bộ cho năm 2023 ước đạt 14-15%, tuy nhiên mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định và lành mạnh hóa hoạt động của ngành ngân hàng. Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng mục tiêu cho năm 2023 là khoảng 14-15%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát cao sẽ phần nào kiềm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng. 

Bên cạnh đó, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các ngân hàng thương mại cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao. 

Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, chứng khoán Mirae Asset dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc bán lẻ. Hầu hết các ngân hàng thương mại cố gắng giảm tỷ trọng dư nợ doanh nghiệp trong năm 2022 nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống. Tiêu biểu hai ngân hàng lớn như BID và CTG, các khoản cho vay mới cho phân khúc bán lẻ chiếm lần lượt 71% và 77% tổng tăng trưởng tín dụng phát sinh trong năm 2022. Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái mềm mỏng hơn đối với tín dụng bất động sản và tương đối thận trọng đối với dư nợ nhóm tài sản rủi ro cao.

Về lãi suất, khả năng lãi suất tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2023. Tuy mức tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có phần thấp, đồng nội tệ phần nào được hỗ trợ bởi dòng tiền kiều hối ước đạt 19 tỷ đô và kinh tế vĩ mô ổn định. 

Tuy nhiên, các kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng. Ngoài ra, World Banks đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 từ mức 3% xuống còn 1,7%. Lạm phát cao dẫn đến nhu cầu tiêu dùng suy giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam và giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Nhìn chung, các động lực giữ giá cho đồng nội tệ không quá khả quan, có thể dẫn đến sự điều chỉnh từ Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cần thiết.

Xu hướng nợ xấu tăng nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2023. Về mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Ngoài ra, lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 và việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của bất động sản cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu. 

Biên lãi thuần NIM cũng chịu nhiều áp lực. Năm 2022, trung bình NIM của các ngân hàng niêm yết đạt 3,63%, nhờ tăng tỷ trọng bán lẻ trong danh mục tín dụng tại hầu hết các ngân hàng.

Tuy nhiên, chứng khoán Mirae Asset dự báo NIM có khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022, do chất lượng tài sản suy giảm dẫn đến thu nhập từ lãi không ổn định, chi phí huy động cao hơn do yêu cầu tuân thủ các chỉ tiêu thanh khoản của hệ thống ngân hàng và CASA (tiền gửi không kỳ hạn) kém tích cực.

Năm 2022, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tiếp tục tăng trưởng vượt trội. Tổng lợi nhuận hoạt động trước trích lập dự phòng (PPOP) của 27 ngân hàng niêm yết đạt 366 nghìn tỷ đồng tăng 20,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng thu nhập thuần từ các dịch vụ giảm từ 33,6% năm 2021 xuống 14,7% năm 2022 do thị trường trái phiếu ảm đạm và các chương trình giảm phí giao dịch. Thu nhập khác (NOI) chỉ tăng nhẹ 8,3% do nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, chi phí dự phòng cao và thu nhập thuần từ lãi giảm tốc sẽ gây áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận ngành trong năm 2023. Chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2023, do tỷ lệ nợ trễ hạn tăng cao trong năm 2022, suy giảm bộ đệm dự phòng, kết thúc thời hạn tái cấu trúc của các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và quan ngại về chất lượng tài sản lãi suất thị trường cao và căng thẳng thanh khoản. 

Thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng chính nhờ dịch vụ bán chéo bảo hiểm dựa trên giả định tập trung cho vay bán lẻ, trong khi nguồn thu nhập từ các hoạt động ngân hàng đầu tư không quá khả quan. Ngoài ra, dự phóng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và NIM suy yếu sẽ làm giảm đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng.

cổ phiếu

Nên chọn cổ phiếu nào?

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, rủi ro hệ thống đang gia tăng. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng cho ngành bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.58 triệu tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ và chiếm 21,2% tín dụng toàn hệ thống. 

Trong đó, 68% tín dụng bất động sản là cho vay mua nhà và phần còn lại là cho vay các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến bất động sản. Đáng lưu ý, một số nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn trong vấn đề tuân thủ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. Mặc dù đa phần khoản vay của những doanh nghiệp này chưa bị ghi nhận là nợ xấu, nhưng khả năng không thể hoàn tất nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi vay của họ vẫn có thể xảy ra. 

Từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu của các nhóm SOCB (đặc biệt là VCB) có mức giảm thấp hơn nhiều so với VN-Index và nhóm PJCB, do điều kiện vĩ mô không thuận lợi cũng như các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn (như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, v.v.), các cổ phiếu nhóm SOCB được ưa chuộng hơn so PJCB, nhờ tỷ trọng tài sản rủi ro không cao và có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước trong quá trình hoạt động. 

Với tình hình thị trường được dự kiến chưa kém khả quan trong năm 2023, cổ phiếu SOCB (nhóm ngân hàng quốc doanh) vẫn là lựa chọn hàng đầu của chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. Rủi ro chính của các cổ phiếu này là mức định giá tương đối cao so với các ngân hàng khác hay so với chính quá khứ của họ. 

Mặt khác, một số PJCB (nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân) cũng rất tiềm năng như ACB với hoạt động ổn định và ít rủi ro tập trung. MBB và TCB cũng là hai ngân hàng đang được giao dịch ở mức định giá tương đối thấp, tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro đầu tư tương đối lớn do dư nợ đối với nhóm tài sản có rủi ro cao của hai ngân hàng này khá lớn. 

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng diễn biến giá của các ngân hàng thương mại sẽ có nhiều biến động trong năm 2023, phụ thuộc vào cả yếu tố nội tại lẫn bên ngoài như các thay đổi trong chất lượng tài sản, lãi suất và tỷ giá, sức khỏe của nền kinh tế, cũng như các biện pháp tháo gỡ khó khăn tạm thời cho ngành bất động sản từ phía các nhà điều hành.

Có thể bạn quan tâm