Sáng 10/11, Quốc hội họp biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, 466/470 đại biểu đã biểu quyết tán thành (chiếm 94,33%).
Cụ thể, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được thông qua quyết nghị số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng và tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) bao gồm bội chi ngân sách trung ương là 372,9 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 26,5 nghìn tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng.
Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị quyết nêu rõ cho phép sử dụng 145,9 tỷ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu nguồn thực hiện chính sách và quyết toán niên độ ngân sách năm 2023.
Đồng thời, chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hàng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương.
Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.
Về chính sách cải cách tiền lương, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Đồng thời, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở cũng được điều chỉnh.
Ngoài ra, Nghị quyết đã nêu ra các nhiệm vụ của Chính phủ như tập trung điều hành chính sách tài khóa, phấn đấu tăng cao hơn nữa tỉ lệ chi đầu tư phát triển, sớm trình Quốc hội các dự án sửa đổi và bổ sung các Luật về thuế, siết chặt kỷ luật và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách…