Du ngoạn “miền đất hứa" Bắc Kạn qua lăng kính ca dao

Bắc Kạn là vùng đất mộc mạc nhưng ẩn chứa vẻ đẹp hùng vĩ và bản sắc văn hóa sâu sắc, nơi mà thiên nhiên và con người hòa quyện trong những câu ca dao xưa, mời gọi du khách khám phá...

Hồ Ba Bể khiến du khách phải thương, phải nhớ bởi khung cảnh thơ mộng, huyền bí

"Bắc Kạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh". Hai câu ca dao mộc mạc ấy không chỉ là sự gợi nhớ đến một vùng đất giàu bản sắc văn hóa và thiên nhiên hoang sơ, mà còn là lời mời gọi du khách đến với Bắc Kạn – viên ngọc xanh giữa lòng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những cảnh sắc kỳ thú, những dòng suối trong vắt chảy giữa rừng đại ngàn, những hồ nước như tranh vẽ và bản làng yên ả in bóng trên triền núi.

HỒ BA BỂ

Cách Hà Nội khoảng 240 km về phía Đông Bắc, hồ Ba Bể tọa lạc tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Nằm trong quần thể Vườn quốc gia Ba Bể, hồ được bao bọc bởi hai cánh cung Ngân Sơn và Bắc Sơn, nơi địa hình đá vôi hùng vĩ giao thoa với thảm thực vật nguyên sinh, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vừa hoang sơ vừa thơ mộng.

Là "bảo vật" của núi rừng Đông Bắc, Ba Bể được bao quanh bởi núi non trùng điệp và, rừng nguyên sinh xanh mát quanh năm. Chính vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng ấy đã khiến hồ được ví như "nàng áo xanh", hình ảnh ẩn dụ cho sự trong trẻo, dịu dàng nhưng không kém phần kỳ vĩ.

Đây là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới và là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Mặt hồ Ba Bể mênh mông với diện tích 650 ha, độ sâu trung bình khoảng 20-25 m, trải dài trên hơn 8 km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ việc hồ là nơi tụ hội của ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Hồ Ba Bể đã đón nhận Bằng công nhận "di tích quốc gia đặc biệt" nằm trên lưng chừng vùng núi đá vôi với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Theo các nghiên cứu, hồ Ba Bể được hình thành trên núi đá từ khoảng 10.000 năm trước, với lịch sử địa chất lâu dài, phức tạp, có thành phần các loại đất, đá đa dạng và cấu trúc địa chất độc đáo.

Ẩn mình giữa núi rừng Bắc Kạn, Hồ Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ và rừng nguyên sinh bạt ngàn, tạo nên cảnh sắc hoang sơ, thơ mộng

Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt cần được bảo vệ. Năm 1996, hồ được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2011, Ba Bể được công nhận là khu Ramsar - khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới.

Hệ sinh thái hồ Ba Bể khá đang dạng, có nhiều loài thủy vật và cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như: cá chép kình, cá rầm Xanh, cá chiên…

Hồ Ba Bể quanh năm trong xanh, mát lành. Trên mặt hồ, những đảo nhỏ như đảo Bà Góa, đảo An Mã... hiện lên duyên dáng giữa không gian khoáng đạt.

Bao quanh hồ là Vườn quốc gia Ba Bể với hệ sinh thái phong phú bậc nhất miền núi phía Bắc. Đây là nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật quý hiếm như: voọc mũi hếch, cầy giông sọc... hay cây nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Du khách cắm trại tại Vườn quốc gia Ba Bể để hoà mình cùng sông nước hữu tình

Những con đường mòn len lỏi trong rừng, những lối đi dọc bìa đá vôi đưa du khách tới những điểm cao có thể phóng tầm mắt bao trọn vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc.

Ngoài hồ Ba Bể, du khách đừng quên khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc tại hang Thẳm Phầy, Thảo nguyên Sam Chiêm, Hồ Bản Chang...

TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN TRÙ PHÚ

Bắc Kạn không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng mà còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn khoáng sản phong phú. Nơi đây ẩn chứa nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như vàng, chì, kẽm, sắt, mangan, đồng và đất hiếm. Đặc biệt, mỏ vàng gốc Pác Lạng tại huyện Ngân Sơn được coi là một trong những mỏ vàng lớn nhất miền Bắc với trữ lượng dồi dào và tiềm năng khai thác lâu dài.

Cấu trúc địa chất đặc thù của vùng còn mở ra cơ hội phát hiện thêm nhiều thân quặng sâu, hứa hẹn mang lại nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc khai thác chưa hợp lý cùng với tình trạng khai thác trái phép vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặt ra yêu cầu phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ẩn trong chiều sâu khoáng sản là chiều sâu văn hóa, được gợi nhắc qua câu ca dao xưa về “suối đãi vàng”. Hình ảnh ấy không chỉ phản ánh một thời kỳ người dân Bắc Kạn từng đãi vàng thủ công bên các dòng suối mà còn mang giá trị biểu tượng sâu sắc. Những con suối như Suối Lèng, Suối Tà Lài… ngày nay vẫn miệt mài chảy qua các bản làng, như những mạch kể chuyện về ký ức, về những tháng năm con người gắn bó chặt chẽ với núi rừng.

“Suối đãi vàng” không chỉ là hình ảnh thực, mà còn là biểu tượng cho sự trù phú, tiềm ẩn – một vùng đất mộc mạc nhưng ẩn chứa “vàng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bắc Kạn vì thế hiện lên như một miền đất giàu tài nguyên, giàu văn hóa, đáng để khám phá và gìn giữ.

NÉT VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG

Đến với Bắc Kạn là đến với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, H’mông… Tại vùng đất này, du khách có thể ghé thăm bản Pác Ngòi, bản Cốc Tộc nằm bên hồ Ba Bể để khám phá nếp sống truyền thống, nhà sàn, bếp lửa, nồi cơm lam, những điệu hát then, hát sli ngân vang giữa núi rừng... Đặc biệt, lưu trú homestay tại các bản là một trải nghiệm đáng nhớ, khi du khách có thể cùng người dân địa phương nấu ăn, tham gia sinh hoạt văn hóa và cảm nhận được tình người nồng hậu nơi miền sơn cước.

Đến với Bắc Kạn, người lữ hành còn được khám phá những nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây

Những món ăn dân dã nhưng đậm đà như cá nướng sông Năng, lạp xưởng hun khói, thịt gác bếp, măng chua, bánh ngải… sẽ khiến người lữ hành cảm nhận được sự mộc mạc, dân dã. Đặc biệt, đừng quên thưởng thức món miến dong Na Rì được làm thủ công từ củ dong riềng, trong, dai và thơm mà từ lâu đã vang danh khắp cả nước.

Thưởng thức những món ăn ngon dân dã tại Bắc Kạn sẽ là trải nghiệm khó quên của du khách

Trong những năm gần đây, Bắc Kạn đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên. Với lợi thế không bị đô thị hóa mạnh, các hoạt động du lịch ở đây phần lớn vẫn giữ được sự nguyên bản, không ồn ào, không chen chúc. Đây cũng là nơi phù hợp cho mô hình du lịch xanh, kết hợp bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển cộng đồng địa phương.

Hành trình khám Bắc Kạn không chỉ đơn thuần là ngắm cảnh, chụp ảnh mà còn là hành trình tìm về thiên nhiên, khám phá văn hóa và cảm nhận sự chân thành của con người nơi đây.

Theo Dự thảo Đề án sáp nhập, tỉnh Bắc Kạn sẽ hợp nhất với Thái Nguyên, giữ tên gọi Thái Nguyên và đặt trung tâm hành chính tại đây. Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Với lợi thế hạ tầng và nguồn lực từ Thái Nguyên, Bắc Kạn có cơ hội đầu tư mạnh hơn vào giao thông, dịch vụ lưu trú và quảng bá điểm đến. Nhờ đó, những địa danh nổi bật như hồ Ba Bể, hang Puông, động Nàng Tiên... sẽ được kết nối tốt hơn, góp phần đưa Bắc Kạn vươn lên thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia.

Sự kết hợp giữa vẻ đẹp nguyên sơ của Bắc Kạn và sự năng động của Thái Nguyên hứa hẹn tạo nên điểm đến mới mẻ, nơi giao thoa giữa thiên nhiên thuần khiết và nhịp sống hiện đại, góp phần nâng tầm du lịch vùng Việt Bắc.

Có thể bạn quan tâm