Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) vừa công bố thông tin bất thường về việc ngày 12/10/2023, tập đoàn này nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.
Theo văn bản của Đức Long Gia Lai, Căn cứ Điều 44 Luật Phá sản năm 2014, tập đoàn này không chấp nhận Quyết định số 01/2023/QĐ-MTTPS của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Đồng thời cho biết, đã có Đơn đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản số 132/ĐKN-ĐLGL ngày 13/10/2023 gửi Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.
Liên quan đến vấn đề trên, như báo chí đã đưa tin về sự việc trước đó, vào tháng 7/2023, Công ty Lilama 45.3 (mã chứng khoán: L43) có đơn gửi Tòa án Nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng.
Tòa đã yêu cầu, Đức Long Gia Lai phải xuất trình các giấy tờ như báo cáo tài chính 03 năm gần nhất, bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục công ty mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán... và đến nay là quyết định như trên.
Việc bị tòa án mở thủ tục phá sản làm dư luận đặt câu hỏi là “nếu thực sự việc này xảy ra thì những chủ nợ nào của Đức Long Gia Lai đang là bên phải lo lắng? Và khoản nợ là bao nhiêu"?
Theo báo cáo tài chính soát xét hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của Đức Long Gia Lai cho thấy, tổng tài sản của tập đoàn này đang ở mức 5.702 tỷ đồng, tăng khoảng 90 tỷ đồng so với đầu năm.
Lượng tài sản này tập trung chủ yếu ở tài sản dài hạn (4.201tỷ đồng), và được cấu thành từ hai nguồn chủ yếu là tài sản cố định (2.509 tỷ đồng) và các khoản phải thu dài hạn (1.297 tỷ đồng).
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Đức Long Gia Lai đang ở mức 4.569 tỷ đồng cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu (1.333 tỷ đồng). Số nợ này phần lớn được cấu thành từ nợ ngắn hạn (2.725 tỷ đồng) mà gần nửa trong đó là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (1.172 tỷ đồng). Đồng thời, tại nợ dài hạn, vay và thuê tài chính dài hạn cũng chiếm đến 96% và ở mức 1.775 tỷ đồng.
Tìm hiểu về cơ cấu các khoản vay của Đức Long Gia Lai cho thấy, việc vay, thuê tài chính ngắn hạn tập trung ở các khoản vay ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Gia Lai có 07 khoản vay là các hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua trái phiếu với tổng giá trị gần 750 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) – Chi nhánh Gia Lai có 01 hợp đồng cho vay với giá trị gần 23 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 02 hợp đồng. Trong đó, tại Chi nhánh Gia Lai, 01 hợp đồng trị giá 55 tỷ đồng và Chi nhánh TP.HCM 01 hợp đồng trị giá 178 tỷ đồng.
Trong vay thuê tài chính dài hạn, Đức Long Gia Lai đang có khoản vay với hai ngân hàng là BIDV và Vietinbank với tổng giá trị 1.915 tỷ đồng, trong đó, BIDV là 1.436 tỷ đồng và Vietinbank là 478 tỷ đồng.
Các khoản vay từ ngân hàng này đều là các khoản vay thế chấp tài sản. Theo đó, Đức Long Gia Lai đã sử dụng nhiều loại hình tài sản để thế chấp với ngân hàng như cổ phần các công ty con, máy móc, thiết bị, bất động sản thư bảo lãnh của Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này…
Như vậy, chỉ xét các khoản vay tại ngân hàng thương mại, số nợ của Đức Long Gia lai đã vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Và nếu sự việc bị mở thủ tục phá sản đi theo chiều hướng xấu, buộc các chủ nợ này sẽ phải có phương án với số tài sản thế chấp đang nắm giữ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai có tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Đức Long được thành lập năm 1995, với vốn điều lệ ban đầu là 3,6 tỷ đồng. Năm 2007 đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, vốn điều lệ được tăng thành 270 tỷ đồng. Năm 2010, Đức Long Gia Lai chính thức niêm yết trên HOSE, mã chứng khoán DLG. Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ, hiện tại Đức Long Gia Lai đang có vốn điều lệ ở mức 2.993 tỷ đồng.