Đừng mong lãi suất… giảm sâu

Cuối tháng 11 năm ngoái, Việt Nam bắt đầu chuyển sang định hướng giảm lãi suất để nền kinh tế có cơ hội phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, đến nay, nhà quản lý tiền tệ vẫn không dám mạnh tay đưa lãi suất “nguội hẳn”, bởi họ còn dè chừng “con ngáo ộp” mang tên lạm phát...
Lãi suất ngân hàng không thể giảm sâu

Cũng đã gần 3 tháng kể từ thời điểm Hiệp hội Ngân hàng mở lời kêu gọi các thành viên đồng thuận đưa mức lãi suất huy động tối đa xuống 9,5%/năm. Nhưng đến tận hôm nay, trên dòng chảy thông tin, việc các ngân hàng điều chỉnh giảm biểu lãi suất mới thực sự nổi bật.

Nhiều gói ưu đãi lãi suất được thiết kế

Tất nhiên, lãi suất đầu vào được giảm là điều kiện quan trọng để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Thực tế, một số ngân hàng bắt đầu tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi.

Điển hình, Ngân hàng Agribank thông tin, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được ngân hàng xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

Hay như tại VietinBank, ngân hàng dành 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023. Tương tự, BIDV đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn với quy mô 30 nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân.

Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, các nhóm ngân hàng tầm trung và nhỏ cũng đồng loạt tung ra những gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, Techcombank đưa ra gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng với mức giảm lãi suất lên đến 2%, áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng lĩnh vực sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu. MB giảm lãi suất vay kinh doanh cho các khách hàng có duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân trong tháng tốt tại tài khoản ngân hàng với mức giảm tối đa 1%.

Nhìn chung, mặc dù việc giảm lãi suất huy động đã diễn ra trên diện rộng nhưng xu thế giảm lãi suất cho vay mới bắt đầu hình thành ở một số ngân hàng tiêu biểu, thông qua từng gói nhỏ được thiết kế riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa biến động quá mạnh. Điều này thể hiện rõ nhất ở mức lãi suất cơ bản đang được các ngân hàng công bố với mức điều chỉnh giảm chỉ khoảng 0,15-1 điểm phần trăm so với cuối năm 2022.

Cập nhật tại một số ngân hàng lãi suất cơ sở đang trong khoảng 8-13%/năm. Như tại VIB (9,3-11,5%/năm); VietBank (11-12%/năm); Eximbank (8,8-10,1%); VPBank (10,6-12,6%/năm)….

Áp lực lạm phát vẫn còn đó

Có một điểm đáng chú ý, thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào. Một loạt dòng tiền lớn cùng đang ở trạng thái nhàn rỗi trong hệ thống.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vừa mua vào khoảng 3,3 tỷ USD, tương đương khoảng 76.000 tỷ đồng đối ứng được bơm ra thị trường. Lượng tiền mặt ngoài thị trường sau mùa cao điểm Tết Nguyên đán cũng dồn lại hệ thống. Giải ngân đầu tư công trong tháng đầu năm đạt khoảng 77.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi suất cao khiến nhu cầu vay vốn của người dân giảm mạnh.

Đáng nhẽ với việc thanh khoản dồi dào, các ngân hàng sẽ có thêm cơ sở để đưa mặt bằng lãi suất hạ xuống thấp hơn. Thế nhưng như đã nói, việc hạ lãi suất còn rất cầm chừng.

Chia sẻ với Thương gia, một giám đốc chi nhánh ngân hàng cho hay, cuối năm trước, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền nhàn rỗi trong cư dân cũng như giữ chân khách hàng. Theo đó, lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng vọt lên trên mức 10%/năm là điều không hiếm. Lãi suất đầu vào cao như vậy nên lãi suất cho vay cũng không thể giảm mạnh. Trong khi ngân hàng không thể kinh doanh dưới vốn.

Ở góc nhìn vĩ mô, một chuyên gia kinh tế cho rằng, bản thân chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng không còn quá nhiều dư địa để nới lỏng và đưa lãi suất xuống thấp hơn.

Bởi lẽ, lượng tiền dư thừa như đã nói bên trên đã ghì lãi suất VND trên liên ngân hàng xuống thấp. Từ khoảng trên 6%/năm kỳ hạn qua đêm xuống còn xấp xỉ 4%/năm.

Ngược lại, lãi suất USD cùng thị trường lại có dấu hiệu đi lên. Chênh lệch lãi suất VND và USD các kỳ hạn ngắn chuyển sang âm. Diễn biến này ảnh hưởng mạnh tới tỷ giá. Giá USD liên ngân hàng bật khá nhanh các phiên gần đây.

“Một khi tỷ giá tăng quá nhanh, áp lực lạm phát do chi phí đẩy sẽ xuất hiện. Điều này không hề tốt cho nền kinh tế. Trong khi, lạm phát cơ bản (mang yếu tố tiền tệ) đã tăng cao từ nửa cuối năm 2022 đến nay khiến nhà điều hành chính sách tiền tệ thận trọng hơn”, vị chuyên gia trên nói.

tỷ giá tăng nhanh
Tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu tăng trở lại

Sắp tới, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 2. Từ biên bản này, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về các cân nhắc chính sách tiền tệ của các quan chức ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Ngoài ra, thị trường sẽ đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng. Theo dự báo, PCE lõi tăng 0,4% trong tháng 1, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng, cho dù PCE toàn phần giảm tốc còn 4,3%.

Các dữ liệu dự báo đều hướng tới việc Fed tiếp tục nâng thêm lãi suất trong lần tới. Đã có những quan điểm, lo ngại cơ quan này có thể trở lại mức độ tăng 0,5 điểm phần trăm thay vì mức độ 0,25 điểm phần trăm trong lần điều chỉnh vừa qua.

Do đó, ngay khi thanh khoản có biểu hiện dư thừa tạm thời, Ngân hàng Nhà nước đã phải hút một lượng tiền lớn về thông qua kênh thị trường mở. Chốt ngày 21/2, có khoảng gần 120.000 tỷ đồng đang để ở “kho” Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí kỳ hạn “nhốt tiền” cũng được kéo dài tới 91 ngày.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan có thể cho thấy tín hiệu hỗ trợ cho VND trong thời gian tới, khi cán cân thương mại thặng dư hơn 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 2. Ngược lại, áp lực từ thị trường tiền tệ (thanh khoản VND dư thừa) sẽ có tác động không tích cực lên diễn biến tỷ giá.

“Ngân hàng Nhà nước đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn chuẩn bị cho cuộc họp Fed vào tháng 3 tới đây”, nhóm nghiên cứu của SSI nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm