Quốc gia nào sẽ chịu cú sốc lớn nhất từ thuế dược 200% và thuế đồng 50% của Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã công bố kế hoạch áp thuế mạnh tay lên đồng và dược phẩm nhập khẩu, một lần nữa làm leo thang căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu…

donald-trump-march-8-2025.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa gia tăng áp lực trong cuộc chiến thương mại toàn cầu bằng việc công bố kế hoạch áp thuế 50% đối với toàn bộ đồng nhập khẩu và 200% đối với các sản phẩm dược phẩm, có hiệu lực kể từ 1/8 và sẽ tăng thêm sau một năm.

Phát biểu trên kênh CNBC ngay sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết cuộc điều tra đối với nhập khẩu đồng đã hoàn tất và ông kỳ vọng mức thuế sẽ chính thức được áp dụng vào cuối tháng 7 hoặc 1/8.

“Chúng tôi muốn hồi sinh ngành sản xuất đồng của nước Mỹ. Đồng là nguyên liệu then chốt trong lĩnh vực công nghiệp, và việc khôi phục năng lực sản xuất trong nước là điều cần thiết”, ông Lutnick nhấn mạnh.

Tổng thống Trump cũng hé lộ ý định áp thuế lên tới 200% đối với các loại thuốc sản xuất ở nước ngoài trong vòng khoảng một năm tới. “Chúng tôi sẽ cho mọi người khoảng một năm đến một năm rưỡi để điều chỉnh. Sau đó, nếu còn phải nhập thuốc, họ sẽ phải chịu mức thuế rất cao, có thể lên đến 200%”, Tổng thống Trump tuyên bố.

Bất ngờ là hai lĩnh vực này vốn trước đó được miễn trừ trong khuôn khổ chính sách thuế quan “đối ứng” công bố ngày 2/4. Có thể thấy rõ, đây là một biện pháp áp thuế theo ngành, khác biệt với thuế quan áp lên từng quốc gia.

MỸ GẶP KHÓ TRONG VIỆC TỰ CHỦ SẢN XUẤT DƯỢC PHẨM

Mặc dù Mỹ sở hữu ngành công nghiệp dược lớn nhất thế giới với giá trị sản xuất đạt khoảng 602 tỷ USD năm 2023, vượt xa Trung Quốc và Đức, nhưng quốc gia này vẫn phải nhập khẩu 212 tỷ USD dược phẩm vào năm 2024. Đáng chú ý, gần một nửa giá trị hoạt chất dược (API) dùng tại thị trường Mỹ là đến từ nước ngoài.

pharmatariffs-choi-weixel-adobestock.jpg

Ấn Độ chiếm 18% nguồn API nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc 13%, phần còn lại chủ yếu đến từ Liên minh châu Âu. Khoảng 40% thuốc thành phẩm tiêu thụ tại Mỹ cũng được sản xuất ở nước ngoài, với Ấn Độ chiếm khoảng 1/3. Một số quốc gia như Australia và Ireland còn phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ để xuất khẩu dược phẩm.

Ví dụ, Mỹ chiếm 38% lượng xuất khẩu dược phẩm của Australia. Do vậy, ngay sau thông báo của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers cho biết trên đài ABC: “Đây rõ ràng là một diễn biến đáng lo ngại. Ngành dược của Australia rất dễ bị tổn thương nếu thị trường Mỹ có thay đổi lớn. Vì thế, chúng tôi đang khẩn trương tìm hiểu chi tiết chính sách mới và cách thức ứng phó”.

Các nhà phân tích nhận định, mức thuế cao có thể là nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất API trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc áp thuế cao lên API sẽ khiến giá thuốc trong nước tăng mạnh và gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân.

Ngoài ra, để xây dựng các cơ sở sản xuất API tại Mỹ có thể mất nhiều năm. Hạ tầng hiện nay chưa đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất phức tạp của API.

Ông Stanley Chao, giám đốc điều hành hãng tư vấn All In Consulting giải thích trên BioSpace: “Mỹ cần hơn 400 loại hoạt chất khác nhau để đạt được sự tự chủ sản xuất, nhưng ngành dược nội địa đã bỏ mảng API từ 20 năm trước để tiết kiệm chi phí. Giờ thì không còn nguồn nhân lực”.

THÁCH THỨC MÀ NGÀNH ĐỒNG MỸ ĐỐI MẶT

Mỹ cũng phụ thuộc rất nhiều vào đồng nhập khẩu. Quốc gia này chỉ sản xuất được hơn một nửa lượng đồng tinh luyện tiêu thụ hàng năm, phần còn lại – gần một triệu tấn – đều đến từ nước ngoài.

Hơn 2/3 sản lượng đồng trong nước được khai thác tại bang Arizona, nơi mà có một mỏ khai thác quy mô lớn đã bị trì hoãn triển khai hơn một thập kỷ do các vấn đề môi trường.

Dù Tổng thống Donald Trump thường nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế kim loại là để nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, phần lớn đồng tinh luyện nhập khẩu của Mỹ lại đến từ khu vực châu Mỹ. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), năm 2023 Chile cung cấp tới 65% lượng đồng nhập khẩu của Mỹ, tiếp theo là Canada (17%) và Peru (6%).

Ông Maximo Pacheco, chủ tịch tập đoàn sản xuất đồng quốc doanh Codelco của Chile nhận định: “Chúng ta cần chờ xem liệu mức thuế này sẽ được áp dụng với tất cả các quốc gia hay chỉ một số nước”.

Dù là nước tiêu thụ đồng lớn thứ hai thế giới, nhưng hầu hết các công ty khai thác của Mỹ lại đưa đồng sang Trung Quốc và các nước châu Á để gia công vì chi phí thấp hơn.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, không như Mỹ, phần lớn đồng của Trung Quốc được xử lý trong nước.

Nhìn chung, trong số 23,4 triệu tấn quặng đồng mà Trung Quốc nhập khẩu mỗi năm chủ yếu đến từ Chile, Peru và Mexico. Trong khi đó các điểm đến xuất khẩu lớn nhất là Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc.

ahr0chm6ly9nawvjzg4uymxvyi5jb3jllndpbmrvd3mubmv0l2zpbgv1cgxvywrzl2ltywdllziwmjqvmdkvmduvywrvymvzdg9ja18ynjk1ntmxntcuanbncityjdm2d-m.jpg

Về năng lực luyện đồng, quá trình tách đồng ra khỏi quặng bằng cách nung ở nhiệt độ cao, Trung Quốc vượt trội hoàn toàn so với Mỹ. Năm 2024, Trung Quốc vận hành hàng chục nhà máy luyện đồng, trong khi Mỹ chỉ có hai nhà máy chính.

Ngành đồng Mỹ còn phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn, năng lực luyện kim thấp và thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc thường sở hữu toàn bộ chuỗi sản xuất từ mỏ khai thác, luyện kim đến khâu lắp ráp, giúp giảm tải chi phí giao dịch và tăng hiệu quả logistics.

PHẢN ỨNG CỦA THỊ TRƯỜNG

Việc chuyển đổi hệ thống năng lượng và giao thông sang năng lượng tái tạo sẽ khiến nhu cầu đồng tinh luyện tăng mạnh, vượt xa khả năng cung cấp hiện tại của các doanh nghiệp Mỹ. Đồng là nguyên liệu thiết yếu trong xe điện, thiết bị quân sự, lưới điện và hàng tiêu dùng.

Vì thế, sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế, hợp đồng tương lai đồng - thước đo tiêu chuẩn về giá kim loại này - đã tăng hơn 12% và thiết lập mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 của các công ty dược phẩm ghi nhận mức giảm nhẹ. Giá cổ phiếu của các tập đoàn lớn như Eli Lilly, Merck và Pfizer cũng đi xuống do lo ngại doanh thu bị ảnh hưởng.

Dù vậy, phản ứng chung của thị trường tài chính trước chính sách thuế mới lần này là khá bình tĩnh, trái ngược với sự hỗn loạn từng xảy ra khi ông Trump công bố các mức thuế “Ngày Giải phóng” vào đầu tháng 4.

Có ý kiến cho rằng, thị trường đang dần “chai lì” với các thông báo áp thuế của ông Trump. Phát biểu tại Hội nghị Reuters Next Asia tại Singapore mới đây, bà Carol Fong, giám đốc điều hành CGS International Securities Group nhận xét: “Hãy nhìn lại những ngày khi thời hạn áp thuế trôi qua, thị trường không có phản ứng đáng kể. Tôi cho rằng nhà đầu tư giờ đã quen với những lời đe doạ của Tổng thống Trump”.

Giới tài chính thậm chí còn đặt tên cho xu hướng này là “thuyết TACO” - cách viết tắt cho cụm từ “Trump luôn rút lui vào phút chót”. Theo giả thuyết này, Washington không có khả năng chịu đựng áp lực kinh tế cao và sẽ nhanh chóng rút lại các biện pháp nếu gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế. Giờ đây, giới quan sát đang từng bước dõi theo ngành đồng và dược phẩm để xem liệu ông Trump có tiếp tục áp dụng “chiêu bài cũ” trong những tháng tới hay không.

Xem thêm

Mỹ công bố áp thuế 25-40% với nhiều nước

Mỹ công bố áp thuế 25-40% với nhiều nước

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã đưa ra tuyên bố về việc nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao theo hình thức "áp thuế đồng loạt", có hiệu lực từ ngày 1/8 tới...

Có thể bạn quan tâm

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Giá gạo tại Nhật Bản liên tục tăng cao do sản lượng sụt giảm và làn sóng quá tải khách du lịch. Những yếu tố này đang đẩy chi phí tiêu dùng lên mức kỷ lục, đồng thời gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương…

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chồng chất thách thức, khi dân số sụt giảm mạnh, thu nhập đình trệ và lượng nhà tồn kho khổng lồ. Những yếu tố này liên tục giáng đòn mạnh vào tâm lý của cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư, khiến triển vọng phục hồi trở nên mờ mịt…

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Quốc hội Iran vừa thông qua nghị quyết cho phép đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 1/5 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển quốc tế…

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, Fed vẫn dự kiến sẽ tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025…

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran khiến giá dầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất…