Đừng “phó mặc” xử lý nợ xấu cho ngân hàng

Trong vòng quay cho vay- nợ xấu, LS Trương Thanh Đức nhấn mạnh “thủ phạm” chính gây ra nợ xấu chính là các doanh nghiệp – vay vốn nhưng không trả được nợ. Quá trình xử lý nợ xấu, việc cho vay lại dễ b
Đừng “phó mặc” xử lý nợ xấu cho ngân hàng

Thực trạng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Cụ thể, số liệu của NHNN cho biết, tính từ cuối năm 2012 đến ngày 31/8/2016, toàn hệ thống đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Ngân hàng cũng là “nạn nhân”…

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), tính đến ngày 22/10/2016, công ty này đã xử lý đôn đốc, thu hồi được 39.200 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 14,95% tổng khối nợ mua về.

“Kết quả thực hiện này cho thấy việc xử lý tài sản, thu hồi nợ xấu là vô cùng khó khăn đối với VAMC và các TCTD”- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC nhấn mạnh.

Từng công tác trong ngân hàng thương mại, luật sư Trương Thanh Đức đã chỉ rõ “thủ phạm” chính gây ra nợ xấu chính là các doanh nghiệp – vay vốn nhưng không trả nợ được, khiến cho ngân hàng trở thành “nạn nhân” của nợ xấu.

Theo ông Đức, tiến độ và kết quả xử lý nợ xấu đạt được quá khiêm tốn dù tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng đã kéo giảm về dưới mức an toàn 3%, song thực chất, nhìn vào quy mô nợ xấu lại đáng lo ngại vì ít chuyển biến…

“Đó là do chúng ta đổ hết lỗi gây ra nợ xấu cho ngân hàng và phó thác hết trách nhiệm xử lý nợ xấu cho nhà băng, trong khi thiếu cơ chế và chưa sửa luật để hỗ trợ việc này. Tôi cho rằng việc sửa một số Luật và ban hành đạo luật riêng về xử lý nợ xấu là cần thiết”- Ông Đức nói.

Với quan điểm “cứ đổ hết lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu, xử lý hình sự tràn lan với nợ xấu, từ chối sửa luật để xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu”, ông Đức ví von, các ngân hàng “đơn thương độc mã” như vậy thì “đừng thắc mắc” tại sao việc xử lý nợ xấu lại chậm, ngân hàng không đạt chuẩn quốc tế. Trong khi lại bắt buộc ngân hàng phải cơ cấu lại nợ xấu, hạ lãi suất, cứu giúp doanh nghiệp hay chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế.

Nợ xấu vẫn còn cao thì không thể hy vọng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, hiệu quả…

Gian nan phát mại tài sản

Một khâu gian nan nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay là khởi kiện con nợ ra toà, thu hồi và phát mại tài sản thế chấp. Luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập đã cản trở việc đòi nợ, xử lý tài sản của ngân hàng. Nhất là khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng phải khởi kiện ra toà thì quá trình thụ lý, điều tra, xét xử… kéo dài vài năm.

Ngay cả khi toà án đã tuyên phát mại tài sản thì việc thi hành án bắt tài sản, phát mại cũng rất khó khăn. Ngân hàng cũng đối mặt nguy cơ bị toà án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu một cách tràn lan…

Hoạt động phát mại tài sản cũng có vướng mắc, tốn kém nhiều loại chi phí, như: nộp thuế phí bán tài sản thế chấp, phí thi hành án, phí môi giới bán đấu giá tài sản… Ông Đức còn chỉ ra bất cập quy định về mua bán nợ, cụ thể, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định: Điều kiện kinh doanh mua bán nợ là phải có các mức vốn pháp định 5 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; 100 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ và 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ.

Các mức vốn này được xem là quá cao, cần phải bỏ đi vì làm hạn chế thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, điểm đáng ngại nữa là tình trạng hình sự hóa trách nhiệm của cán bộ ngân hàng khi có nợ xấu, dù thực tế có thất thoát, tiêu cực, nhưng xử lý hình sự thì quá mạnh tay…

“Tham gia các đại án, tôi nhận thấy, 99% là đúng nhưng chỉ cần sai 1% thôi là cán bộ đi tù. Vì ngân hàng cho vay vốn doanh nghiệp, nền kinh tế với quy mô rất lớn, nên cứ xảy ra sai phạm là số thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ, nghìn tỷ…” – ông Đức nói, lý giải vì sao cán bộ luôn có tâm lý lo sợ trách nhiệm pháp lý, buộc ngân hàng cho vay phải giữ tài sản bảo đảm, lãi vay cao đề phòng rủi ro.

Những nguyên nhân nêu trên đã cản trở quá trình xử lý nợ xấu gian nan, kém hiệu quả, mà còn dẫn tới nguy cơ tái diễn nợ xấu trầm trọng trong tương lai. “Cục máu đông” nợ xấu là một nguy cơ lớn của nền kinh tế, do đó, rất cần ban hành một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý kịp thời.

Trước mắt, cần sửa đổi 9 luật như Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013, 2014 và 2016); Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi năm 2014); Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015: Bộ luật Dân sự năm 2015…

Còn Luật Đấu giá tài sản (đang trình xin ý kiến Quốc hội) cần quy định theo hướng công nhận hiệu lực pháp lý của việc bán đấu giá, bán nợ để tránh xung đột với các luật khác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua tài sản đấu giá… giúp đẩy nhanh việc xử lý tài sản thế chấp.

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...