“Đường ra biển lớn” và bản lĩnh Richard Branson

Có rất nhiều những con người phi thường, bứt ra khỏi giới hạn của chính mình để làm những điều phi thường… Tỷ phú Richard Branson là một người trong số đó.
“Đường ra biển lớn” và bản lĩnh Richard Branson

Con đường “ra biển lớn” của ông được coi là hình mẫu của mọi hình mẫu, được giới trẻ vô cùng ngưỡng mộ.

Con nhà tông…

Không phải bỗng dưng lại có một Richard Branson liều lĩnh, luôn tự mình đặt ra những thử thách để bứt phá, thậm chí luôn “thế chấp” tính mạng của mình cho những thành công. Trong dòng họ, có lẽ Richard thừa hưởng (và cả cộng hưởng) gen trội từ bà ngoại Dorothy, ông trẻ Jim Branson, bố Ted Branson, mẹ Eve Huntley, cô ruột Wendy. Họ đều là những con người đặc biệt khác người - độc lập, thừa bản lĩnh để đối mặt với những thử thách…

Bà ngoại Dorothy – một người đàn bà sinh ra khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – đã từng giữ 2 kỷ lục của Anh quốc: Ở tuổi 89, bà là người cao tuổi nhất vượt qua cuộc thi khiêu vũ cổ điển Mỹ La tinh; 90 tuổi, bà là golf thủ cao tuổi nhất đã “đánh một gậy vào lỗ”. Bà rời bỏ thế gian năm 99 tuổi và để lại một lá thư cho Richard với nội dung đầy kiêu hãnh: “Mười năm trước khi qua đời là quãng đời đẹp nhất của đời bà…”. Richard kể rằng, người bà mạnh mẽ đầy sức hút của ông đã đi vòng quanh thế giới bằng du thuyền (khác với vượt qua Đại Tây Dương sóng dữ và bão biển mà sau này Richard lập kỷ lục). Bà chưa bao giờ ngừng đọc sách. Quan điểm của bà là mỗi người chỉ có một cuộc đời, hãy tận dụng hết thời gian bạn có.

Jim Branson – người chú của bố Richard (ông trẻ) là chủ của khối tài sản lớn ở Hampshire nhưng đã chia hết cho tá điền. Ông có một sáng kiến rất kỳ lạ là ăn cỏ để tồn tại. Sáng kiến này đã được áp dụng cho các binh sĩ tinh nhuệ, giúp họ không bị chết đói để tiếp tục phục vụ cuộc chiến.

Người mẹ của Richard Branson – bà Eve Huntley, thừa hưởng sức hút mạnh mẽ từ mẹ đẻ - đã không hổ danh là con gái của người đàn bà 89 – 90 tuổi còn lập 2 kỷ lục Anh quốc. Từ năm 12 tuổi, bà Eve đã bắt đầu đóng kịch và tham gia các hoạt động cộng đồng khác. Lớn chút nữa, bà xin làm phi công nhưng ngày đó, nghề phi công chỉ dành cho nam giới. Không nản lòng, bà giả trai, mặc áo khoác, đội mũ da, giấu tóc, tập nói giọng trầm… và học được cách bay lượn trên bầu trời, sau đó làm công việc huấn luyện tân binh. Năm cuối của cuộc chiến, bà gia nhập Đội nữ Hải quân Hoàng gia Anh và sau chiến tranh, bà trở thành tiếp viên hàng không.Ted Branson - Thân sinh ra Richard Branson – là một tấm gương về lòng quả cảm. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông tình nguyện tham gia trung đoàn bộ binh thuộc Hiệp hội các Luật sư (Anh), chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt thuộc Palestine, Libi, Italia…

Sinh ra trong một gia đình như thế, ngay từ nhỏ, Richard Branson luôn được cha mẹ đặt vào những hoàn cảnh nghiệt ngã để buộc cậu bé, vì sự sống còn mà phải vượt qua. 4 tuổi, khi đang được mẹ lái xe đưa về nhà, bà mẹ của Richard đã thả anh xuống một nơi cách nhà vài dặm. Cậu bé phải băng qua cánh đồng, tự tìm đường về nhà. Ở tuổi 12, một lần, cậu bị đánh thức lúc trời còn tờ mờ sáng và yêu cầu tự đi xe đạp đến Bournemouth cách nhà chừng 50 dặm. Cậu tự tìm được nhà của một người trong họ, qua đêm ở đó và ngày hôm sau vượt 50 dặm để trở về nhà mình.

Một thử thách nhớ đời trong tuổi thơ ấu là bị cô ruột Wendy thách thức, cậu đã nhảy xuống dòng sông có những con sóng lạnh như băng để tự bơi, mặc dù chưa được học bơi ngày nào. Lần đầu thất bại, lần thứ hai, cậu tiếp tục cố vượt qua thử thách, nhảy xuống dòng sông, vùng vẫy chìm nổi trong dòng nước xoáy, trước sự thản nhiên của bố mẹ và bà cô Wendy…

Sẵn sàng thử nghiệm bất cứ điều gì

Richard Branson, sau hơn 30 năm gây dựng và phát triển Virgin thành một trong những tập đoàn nổi tiếng nhất thế giới, với khối tài sản nhiều tỷ đô la, giờ đây được công nhận như một tài sản văn hóa quốc gia Anh và cả cộng đồng quốc tế. Những gì người ta biết về ông, những gì ông tự bạch qua cuốn tự truyện “Đường ra biển lớn”… đều chưa thể giải thích được một cách triệt để câu hỏi vì sao ông có thể thành công đến như thế. Rõ ràng là cách ông làm không giống bất kỳ ai, càng không giống với những mớ kiến thức được giảng dạy trong các viện nghiên cứu hay trường đại học. 17 tuổi tự kinh doanh bằng việc mở ra cuốn tạp chí Student – chỉ sau một thời gian ngắn đã đạt tới tầm cỡ quốc gia.

"Richrd Branson thừa nhận rằng, mình không đủ tài năng trong từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, với uy tín và sự chân thành, ông đã quy tụ được nhiều tài năng trong các cuộc chinh phục những lĩnh vực kinh doanh khác nhau. 

Nói về thời kỳ làm tạp chí Student, bạn đọc, nhất là người Việt Nam rất chú ý đến hai tiết thú vị: Phóng viên 17 tuổi tên Julian Manyon của Student đã đến Việt Nam để viết bài về cuộc chiến đang diễn ra ở đây và nhờ đó, sau này anh trở thành phóng viên nổi tiếng của kênh tin tức Truyền hình độc lập Anh – ITN; tháng 10/1968, tất cả nhân viên của tạp chí Student đã tham gia diễu hành trước cửa đại sứ quán Mỹ, phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.

20 tuổi, từ dịch vụ Đặt hàng mua đĩa qua thư Virgin, cùng với các cộng sự, Richard đã phát triển chuỗi cửa hàng bán đĩa nhạc Virgin và sau đó thành tập đoàn kinh doanh âm nhạc, một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước Anh. Cách mà ông “chiêu hiền đãi sĩ” cũng thật chẳng giống ai. Khi Virgin đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì đĩa không bán được, ông đặt tất cả hy vọng vào Mike – một nhạc sĩ tài năng “nóng lạnh bất thường”.

Mọi việc có vẻ suôn sẻ thì Mike bỗng dở chứng, trước giờ diễn ra sự kiện quảng bá đĩa nhạc Tubular Bells (do chính Mike sáng tác), Mike từ chối xuất hiện.  Richard lái xe đưa Mike đi trên những con đường quen thuộc và đột ngột đề nghị Mike sở hữu chiếc xe Bentley mà Mike rất thích – với điều kiện Mike phải quay trở lại tòa nhà Queen Elizabeth Hall và lên sân khấu… Mọi việc quay ngược 180 độ. Virgin bán được hàng triệu đĩa nhạc và Mike vụt trở thành ngôi sao. Những ngày sau, tiền đổ về Virgin như nước.

Sau những thành công trong kinh doanh âm nhạc, Richard tiến vào lĩnh vực hàng không với việc thành lập hãng hàng không Virgin. Cách mà anh đến với lĩnh vực mới mẻ này cũng như thể một trò đùa: Cùng Joan – vợ chưa cưới đi mua hòn đảo Necker Island một cách đầy ngẫu hứng (giá giảm từ 3 triệu bảng xuống còn 180 ngàn bảng Anh), bị mắc kẹt tại sân bay để thực hiện hành trình tới Puerto Rico, Richard liền thuê luôn 1 chiếc máy bay với giá 2.000 bảng. Ông chia giá theo ghế ngồi và mượn 1 tấm bảng viết mấy dòng HÃNG HÀNG KHÔNG VIRGIN: 39 BẢNG/NGƯỜI TỚI PUERTO RICO. Khỏi phải nói là hành khách bị kẹt vui mừng đén thế nào. Chuyến bay được thực hiện an toàn trong sự ngỡ ngàng của hành khách.

Đánh cược tính mạng cho những thử thách

Cuộc đời chỉ được sống có một lần thôi, phải đi đến tận cùng của cảm xúc buồn, vui, thất bại hay thành công… Đó là triết lý sống của những nhân vật nổi tiếng sẵn sàng đặt mình vào những thử thách.

Nhưng, cái cách ông bứt phá, dám đặt cược cả tính mạng của mình để đạt tới nhiều mục tiêu khác nhau thì quả thật, trên thế giới khó có ai vượt qua Richard. Lần thứ nhất gặp bão biển, thuyền đắm, cả đoàn thoát chết nhờ trực thăng và tàu cứu hộ giúp sức. Lần thứ hai: 3 ngày, 8 tiếng và 31 phút vượt hơn 3.000 dặm trên Đại Tây Dương, trên một con thuyền dài 23 m. Đó là những ký ức hãi hùng nhưng đầy tự hào vì thành tích đánh bại kỷ lục cũ của Blue Riband tới 2 tiếng và 9 phút.

Sau khi phá kỷ lục vượt đại dương bằng thuyền, qua điện thoại vang lên một giọng nói đầy thách thức: “Nếu anh nghĩ rằng vượt qua Đại Tây Dương bằng thuyền là ấn tượng thì anh hãy nghĩ lại đi. Tôi đang dự định tạo ra một khinh khí cầu lớn nhất thế giới, bay ở độ cao hơn 9.000 mét. Tôi tin rằng nó vượt qua Đại Tây Dương”. Và thế là Richard có thêm mơ ước và những trải nghiệm tuyệt vời: Được bay vút lên trên thế giới, cảm giác lơ lửng, khung cảnh ngoạn mục… Tuy nhiên, ông và các cộng sự đã phải trả những cái giá rất đắt cho những ý tưởng điên rồ của mình: Khinh khí cầu bị trục trặc kỹ thuật, người thì rơi xuống biển, người thì lơ lửng trên cao, bất lực cho gió đưa đi trong mây mù… Rồi được đội cứu hộ trực thăng cứu kịp thời. Phần thưởng xứng đáng đã tặng cho những kẻ liều lĩnh: Được vinh danh là những người đầu tiên vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu.

Không dừng lại ở đó, Richard còn thực hiện nhiều chuyến bay nữa bằng khinh khí cầu, mỗi chuyến đi gần như là một lần vĩnh biệt… nhưng rồi, ông và các cộng sự đã vượt qua tất cả ngưỡng cửa của cái chết để trở về bình yên.

Trong tự truyện “Đường ra biển lớn”, ông tự nhận mình cũng chỉ là người bình thường, là một kẻ điên rồ nhưng lo lắng và sợ hãi tột cùng. Ông cũng không giấu giếm việc nhiều lần viết thư tuyệt mệnh trước hành trình mới. Nhưng người anh hùng khác người bình thường ở chỗ vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.

Có thể nói, cuốn sách không chỉ là tập hợp những ý tưởng, sách lược, chiến lược kinh doanh, giúp cho các doanh nhân khởi nghiệp mà còn hấp dẫn bởi những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm hết sức ly kỳ… Tất cả những yếu tố trên đã làm nên một Richard Branson với những trải nghiệm, kinh nghiệm, vốn sống, sự quyến rũ của một người đàn ông giàu có, nổi loạn và nổi tiếng trên toàn thế giới.                                           

Tính cách của Richard Branson

Muốn nhân viên phá tan mọi rào cản của tư duy cũ và tận thu thành quả của sự sáng tạo

Sự khác biệt: Dám ước mơ, đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn

Cuộc sống và sự nghiệp như một cuộc chơi đầy hứng thú… mạo hiểm và không bao giờ dừng lại

Có thể bạn quan tâm