Theo đó, tại Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 297 đường ngang hiện đang là các lối đi tự mở.
Theo đề án này, nguồn vốn thực hiện dự án được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Tuy nhiên, trong danh sách bố trí vốn trung hạn 2021-2025, nguồn vốn trung hạn mới chỉ tập trung thực hiện nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt, nhà ga, bãi hàng... nhằm tăng năng lực chạy tàu và đáp ứng yêu cầu về vận tải đường sắt. Các hạng mục công trình theo lộ trình tại Đề án chưa được ưu tiên thực hiện.
Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để Tổng Công ty hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, lắp đặt thiết bị tín hiệu tại 297 lối đi tự mở thành đường ngang trước năm 2025.
Dự kiến tổng nguồn vốn để xóa hết các lối đi tự mở này sẽ hết 750 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, tổng nguồn vốn ngân sách ành cho đường sắt trong giai đoạn 2021 - 2025 là 15.924 tỷ đồng.
Trong đó, các dự án chuyển tiếp giai đoạn trước là 11.662 tỷ đồng, các dự án khởi công mới (thực hiện dự án) là 3.222 tỷ đồng, các dự án khởi công mới (chuẩn bị đầu tư) là 583 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn vốn trung hạn được ưu tiên để thực hiện các dự án chuyển tiếp, khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo.
Nguồn vốn doanh nghiệp (của Tổng công ty Đường sắt) chủ yếu dùng đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải như đầu máy, toa xe,... Báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vốn tự huy động năm 2021 của đơn vị này là 61 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến là 64,6 tỷ đồng....