Lần đầu vận chuyển vải thiều qua Trung Quốc bằng đường sắt

Năm nay, dự kiến, mỗi ngày Bắc Giang sẽ xuất 300 tấn vải sang Trung Quốc bằng đường sắt liên vận quốc tế qua ga Kép...

Đầu tháng 6/2023, để phục vụ mùa vụ vải thiều, ngành đường sắt đã tổ chức thử nghiệm vận chuyển vải thiều Lục Ngạn bằng container lạnh bằng tuyến tàu liên vận từ ga Kép sang Trung Quốc.

Với 1 container hàng được bảo quản lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đi Bằng Tường (Trung Quốc) có giá khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng. Về thời gian di chuyển, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến) từ Lục Ngạn đến Bằng Tường dự kiến 12 giờ (bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan).

So với đường bộ, vận chuyển bằng đường sắt giảm giá cước vận chuyển mà quan trọng hơn thời gian nhanh hơn, tránh được tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Theo Sở Công thương Bắc Giang, dự kiến trung bình mỗi ngày 300 tấn vải có thể được vận chuyển từ ga Kép sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). 

vận chuyển vải thiều
Lần đầu vận chuyển vải thiều qua Trung Quốc bằng đường sắt

Sở Công thương Bắc Giang cho biết, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu vải lớn nhất của Việt Nam. Dự tính, Bắc Giang sẽ xuất khẩu 96.000 tấn vải sang Trung Quốc, chiếm gần một nửa sản lượng vải.

Ngoài ra, Hoa Kỳ được xem là thị trường tiềm năng có sức mua lớn. Tỉnh Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường này, quả vải xuất khẩu phải đạt chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt...

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang đã đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về tình trạng ùn tắc tại cầu Cẩm Lý và đề xuất mở rộng cầu Xương Giang (điểm thắt cuối cùng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn).

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vì nguồn lực có hạn nên Bộ Giao thông vận tải chưa thể bố trí vốn để đưa dự án này vào giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Bộ Giao thông vận tải đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế, cụ thể là EDCF để bố trí nguồn lực nhưng không thành công.

“Có 2 lựa chọn, trường hợp cấp thiết mà tỉnh bố trí được nguồn, đặc biệt trong đợt này giá vải lại cao, thì Bắc Giang có thể dành một phần ngân sách để làm. Trường hợp không thể, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Thủ tướng để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Giao thông vận tải nói.

Có thể bạn quan tâm