Đường từ Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam: Người trồng mía kêu cứu

Như Thương Gia đã đưa tin về thực trạng đường từ Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam bất chấp áp thuế chống bán phá giá, hiện người trồng mía Tây Ninh đang gặp nhiều khó khăn.

Từ những vấn đề đó, nhiều ý kiến, phân tích của các chuyên gia trong và ngoài ngành mía đường cho rằng, với tính toán ngân sách nhà nước có thể mất đi khoản thu lên đến 5.379,4 tỷ đồng. Các chuyên gia cũng nhận định, việc thực thi Quyết định 2466/QĐ-BCT và Quyết định 477/QĐ-BCT để ngỏ những lổ hổng, tiếp tay cho hành vi trục lợi chính sách của DN nhập khẩu đường. Đồng thời việc chênh lệch 15% trong áp dụng thuế chống bán phá giá giữa đường tinh và đường thô đang có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người trồng mía trong nước (?).

Lỗ hổng về chính sách

Quyết định số 2466/QĐ-BCT ngày 21-9-2020 của Bộ Công Thương mang lại kỳ vọng theo đuổi cuộc cạnh tranh trên sân nhà đã làm nhen nhóm hy vọng cho nhiều nhà máy, vùng nguyên liệu đường sẽ vượt qua khó khăn, cạnh tranh công bằng. Tại quyết định này cũng nhấn mạnh nguyên tắc hồi tố, áp dụng đối với các lô hàng nhập khẩu, cụ thể “Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống trợ cấp, chống phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá, có trợ cấp; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá, có trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước”. Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 16-2-2021 về việc áp dụng thuế chống trợ cấp, chống phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái-lan. 

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia mía đường, việc thực thi Quyết định 2466/QĐ-BCT và Quyết định 477/QĐ-BCT đã để ngỏ những lổ hổng, tiếp tay cho hành vi trục lợi chính sách của một số ít DN nhập khẩu đường. Trong đó, các quyết định này đã thể hiện quy định thiếu rõ ràng về hiệu lực của biện pháp chống bán giá và trợ cấp, khiến các DN nhập khẩu đường giá rẻ từ Thái-lan “tranh thủ” gia tăng quy mô nhập khẩu ngay cả trong giai đoạn điều tra. Cụ thể, nhập khẩu đường từ Thái-lan tăng mạnh, năm 2020 là hơn 1,33 triệu tấn (tăng gấp nhiều lần năm 2019), ngân sách có thể thất thu lên đến 5.379,4 tỷ đồng (như phân tích trong bài viết trước) thì có thể nói, hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp trở nên rất ít. Thậm chí, Quyết định 477/QĐ-BCT cũng “máy móc” nhắc lại quy định về hồi tố theo khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương. Ở đây, Bộ Công Thương “có thể” quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất trong nước (?).

Ngược lại, quyết định cần nêu quan điểm rõ ràng, dứt khoát và không trái với Luật Quản lý Ngoại thương để ngăn chặn làn sóng nhập khẩu mang tính trục lợi. Thực tế cho thấy, với Quyết định số 477/QĐ-BCT chỉ hồi tố trong thời gian 90 ngày thì đã có hàng triệu tấn đường phá giá và được trợ cấp nhập khẩu từ trước tháng 9-2020 “nằm ngoài” phạm vi hồi tố theo Luật Quản lý ngoại thương. Hậu quả của sai sót này không chỉ khiến biện pháp tự vệ mất đi hiệu quả, mà còn bị nhiều DN trục lợi. 

Chỉ trong vòng 5 tháng (từ tháng 10-2020 đến hết tháng 2-2021) các DN vẫn ồ ạt nhập khẩu đường mía, số lượng lên đến hơn 826,2 nghìn tấn, với giá trị khoảng hơn 8.500 tỷ đồng và chủ yếu có nguồn gốc từ Thái-lan. Những DN nhập khẩu chính vẫn là Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar), Công ty TNHH Một thành viên Vilitas Thái Bình, Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Cuộc Sống Việt, Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar)… Như vậy, ngay cả khi đã có quyết định điều tra và đến khi có Quyết định 477/QĐ-BCT thì có đến hơn 449 nghìn tấn đường được DN nhập khẩu trong tháng 10 và tháng 11-2020 “nằm ngoài” việc hồi tố; tương đương tổng số tiền hơn 4.647 tỷ đồng (giá nhập khẩu bình quân khoảng 450 USD/tấn). Với mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp 41,38% thì có thể ngân sách thất thu hơn 1.922,9 tỷ đồng. 

Thua thiệt vẫn là người trồng mía

Một vấn đề đặt ra: Những khó khăn, thiệt hại của người trồng mía và DN sản xuất đường trong nước sau khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Atiga) từ ngày 1-1-2020 với thuế nhập khẩu đường chỉ còn 5%, liệu các cơ quan chức năng và Bộ Công thương có biết (?).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 đồng loạt nhiều DN sản xuất mía đường trong nước đã gửi đơn kêu cứu lên Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các bộ, ngành liên quan về những khó khăn, thiệt hại từ việc nhập khẩu đường Thái-lan. Trong đó, ngày 8-1-2020, nhiều DN cùng với Hiệp hội Mía đường đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Công thương về vấn đề này. Tại phiên họp, Bộ Công thương đã đưa ra quan điểm áp dụng biện pháp tự vệ theo Luật Quản lý ngoại thương 2017 trong việc nhập khẩu đường. Biện pháp này dễ áp dụng nhưng các nước khác thường áp dụng ngược lại. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 6-2020 Bộ Công thương mới có thông báo rất khó áp dụng biện pháp tự vệ và sau đó thống nhất chuyển sang điều tra để chống bán phá giá. Và đến tháng 9-2020 Bộ Công thương mới có Quyết định 2466/QĐ-BCT đưa vào điều tra. 

Trong khi đó, Quyết định 477/QĐ-BCT quy định tách hai loại đường tinh luyện và đường thô được áp thuế chống bán phá giá chênh lệch 15% đã tạo kẽ hở để DN nhập khẩu đường thô. Đây là nguyên nhân quyết định sự tồn vong của các vùng nguyên liệu. Thực tế, trong cơ cấu chi phí sản xuất đường tinh luyện, đường thô chiếm đến 70% chi phí sản xuất đường trắng, trong khi phần lớn các khoản trợ cấp của Thái-lan tập trung vào khâu nguyên liệu, trồng mía tức là khâu sản xuất đường thô mà không trợ cấp xuất khẩu. Do đó, trên nguyên tắc, biên độ trợ cấp tính trên đường thô phải lớn hơn so biên độ trợ cấp tính trên đường tinh luyện, do giá đường tinh luyện cao hơn. Theo Báo cáo của Liên minh Mía đường Mỹ năm 2015, trước năm 2018, mỗi năm Thái-lan bỏ ra hơn 1,3 tỷ USD (tương đương 27.000 tỷ đồng) để trợ cấp trực tiếp cho giá thu mua mía và trợ cấp xuất khẩu. 

Một bài toán về chênh lệch 15% thuế chống bán phá giá được đặt ra, cụ thể, đường mía nhập khẩu có trợ cấp trợ giá của Thái-lan về đến Việt Nam trung bình khoảng 8.000 đồng/kg, nếu được áp thuế 48,88% sẽ là 11.910 đồng/kg; áp thuế nhập khẩu 5% thì giá đường sẽ là 12.505 đồng/kg. Đối với đường mía sản xuất trong nước có tỷ suất thu hồi 10 mía 1 đường thì giá mía nguyên liệu tương ứng là hơn 1,25 triệu đồng/tấn mía về đến nhà máy. Như vậy, với mức thuế phòng vệ 48,88%, giá thu mua mía tại ruộng không bao gồm cước vận chuyển sẽ tương đương khoảng 1,1 triệu đồng/tấn (cước vận chuyển bình quân 100 - 150 nghìn đồng/tấn) đủ để duy trì cây mía. Ngược lại, nếu áp dụng thuế chống bán phá giá 33,88% (cộng cả thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp) thì giá đường thô nhập về là 10.710 đồng/kg (tương đương 1,07 triệu đồng/tấn mía). Như vậy, mức độ chênh lệch khoảng 180 nghìn đồng/tấn mía. Với diện tích mía như niên vụ 2020 - 2021 khoảng 150 nghìn ha, năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha (tương đương 7,5 triệu tấn mía) nhân với độ chênh lệch 180 nghìn đồng/tấn thì người trồng mía trong nước thiệt hại 1.350 tỷ đồng/năm. Một số ít các DN nhập khẩu đường thô mà không duy trì nguồn nguyên liệu có lợi từ chính sách này. Cùng với đó, người trồng mía trong nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn (?).

Liên quan TTC Sugar, DN nhập khẩu nhiều nhất đường mía có nguồn gốc Thái-lan, vừa qua Hiệp hội Người trồng mía Tây Ninh đã chính thức gửi văn bản lên UBND tỉnh, TTC Sugar và các sở, ngành liên quan về việc đề nghị TTC Sugar đền bù thiệt hại cho người dân khi thu mua không đúng hợp đồng đã ký với người trồng mía. Theo Hiệp hội Người trồng mía Tây Ninh, trong các vụ mía 2017 - 2018 - 2019 - 2020 TTC Sugar đã ký hợp đồng thu mua (bảo hiểm) không dưới 900 nghìn đồng/tấn nhưng vào vụ công ty chỉ thu mua cho dân với giá 700 - 750 nghìn đồng/tấn. Tình trạng này đẩy người trồng mía vào cảnh thua lỗ nặng, vỡ nợ. Trước đó, ngày 11-1-2021 TTC Sugar chuyển giao hơn 822,5 triệu đồng cho luật sư chi trả cho nông dân. Đây là số tiền được xác định đền bù cho 4/6 hộ dân đã có đơn khởi kiện TTC Sugar ra tòa (trong đó có hai hộ đã tự thỏa thuận) và tổng số tiền sáu hộ dân khởi kiện ban đầu là hơn 2,23 tỷ đồng. Với số tiền TTC Sugar đã chi trả được tính là 100 nghìn đồng/tấn, chỉ bằng 50% giá trị hộ dân khởi kiện.

Có thể bạn quan tâm