Theo TS. Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu không có giải pháp hỗ trợ hoặc bảo vệ cho sản xuất ngành mía đường thì ảnh hưởng trực tiếp là 30 vạn hộ nông dân đang trồng mía hiện nay.
Ông có thể cho biết cơ hội và thách thức đối với ngành mía đường Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu với thị trường thế giới?
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đối với ngành mía đường vừa là cơ hội và vừa là thách thức.
Khi đã hội nhập, ngành mía đường trong nước sẽ có điều kiện hơn để hợp tác, trao đổi về khoa học công nghệ, thị trường, giá cả của sân chơi chung với các nước để phát triển.
Khi đã cùng sân chơi bình đẳng thì phải chấp nhận có xuất khẩu và nhập khẩu, nên đòi hỏi các doanh nghiệp ngành đường trong nước phải nỗ lực, cố gắng để làm sao phát huy được lợi thế so sánh, giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, về sinh an toàn thực phẩm để cạnh tranh được với hàng hóa của các nước.
Như vậy, cơ hội là không nhỏ, nhưng thách thức là gay gắt đối các doanh nghiệp ngành mía đường. Vì thế, nếu các doanh nghiệp cần có sự cạnh tranh đi lên mới có thể phát triển tốt.
Có nghĩa cạnh tranh trong ngành đường thời gian tới sẽ gay gắt hơn?
Đương nhiên là sẽ gay gắt hơn so với hiện nay. Bởi theo lộ trình sau năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay.
Đến thời điểm này, lượng đường từ các quốc gia ASEAN trực tiếp là Thái Lan sẽ tạo ra những sức ép không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam.
Làm thế nào để tăng khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam không chỉ là vấn đề lúc này mới được đặt ra. Tuy nhiên, không chỉ với các doanh nghiệp ngành mía đường, mà tất cả các nông sản khác cũng phải theo lộ trình trên nên khó tránh cạnh tranh.
Do vậy, chúng ta phải có cách tiếp cận là giải pháp chính sách đối với ngành mía đường chính là giải pháp chính sách cho người nông dân trồng mía mà trực tiếp là hơn 30 vạn hộ nông dân. Vì xét đến cùng, quan trọng nhất là những người trồng mía, chứ không phải là các nhà máy.
Bởi các nhà máy đường có thể đổi mới, bổ sung thiết bị công nghệ để sản xuất đường từ đường thô nhập khẩu thay cho việc sản xuất đường từ cây mía tại chỗ, nhưng đối với hơn 30 vạn hộ nông dân trồng mía, với gần 300 ngàn ha vùng nguyên liệu mía tập trung chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng sa, đất đai trước đây kém hiệu quả, nếu không trồng mía, phải chuyển đổi cây trồng khác là không dễ dàng.
Nhất là trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung gắn vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, gắn kết nông dân với công nhân, một mô hình có kết quả trong thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn; đòng thười là một trong ngành nông nghiệp đang thực hiện sản xuất theo chuỗi thành công.
Do vậy, các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Trung Quốc, Nhật Bản đều xác định đường là mặt hàng nhạy cảm và rất nhạy cảm khi tham gia đàm phán, nên họ có chính sách rất cụ thể bảo hộ cây mía hay người trồng mía.
Ngành mía đường không chỉ đơn thuần là kinh tế, mà còn là vấn đề an sinh xã hội, gắn với nông thôn, nông dân. Nhưng cũng cần giải quyết hài hòa lợi ích của cả người sản xuất (hộ nông dân và nhà máy) và người tiêu dùng.
Đối với người tiêu dùng, hiện trên 2/3 sản lượng đường thông qua ngành công nghiệp thực phẩm, cho nên cần phải tính toán hài hòa để đảm bảo cho cả người tiêu dùng trực tiếp và cho các ngành liên quan khác.
Do vậy, chính sách đối với ngành mía đường nước ta không chỉ ảnh hưởng đến phát triển mía đường, mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngành thực phẩm, đặc biệt là đến 30 vạn hộ nông dân là chính và 1 triệu người dân vùng mía.
Đó mới là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý vĩ mô có cái nhìn khách quan nhằm có sự hài hòa giữa sản xuất trong nước và hội nhập quốc tế, chứ chúng ta không nên cực đoan quá vấn đề: đã hội nhập thì cái gì giá rẻ có thể nhập khẩu, bỏ sản xuất trong nước.
Đánh giá của ông về sức cạnh tranh doanh nghiệp đường trong nước?
Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực ngành mía đường trong nước đã thấy được cơ hội và thách thức khi hội nhập như nêu trên, nên đã và đang từng bước thực hiện tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp để phát triển hội nhập, nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành nâng cao khả năng cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm khi hội nhập.
Chẳng hạn, tái cơ cấu sở hữu vốn nhà nước (thoái hết phần vốn nhà nước) như Tổng công ty Mía đường I; mở rộng công suất, quy mô sản xuất như Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi; đầu tư áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nguyên liệu như Công ty cổ phần Mía đường lam Sơn; tổ chức lại, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hình thành tổng công ty mía đường như Tập đoàn Thành Thành Công…
Tuy nhiên, trong ngành mía đường hiện nay cũng có những doanh nghiệp quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm thấp, sẽ khó tránh được khó khăn nhất định để có thể cạnh tranh tồn tại.
Điều đó có nghĩa là hoạt động M&A trong lĩnh vực mía đường sẽ diễn ra mạnh thời gian tới, thưa ông?
Trong quá trình biến đổi nói trên thì sẽ diễn ra việc M&A giữa các doanh nghiệp mía đường, nhất là với các công ty yếu kém là xu hướng tất yếu và bình thường.
Đây là xu hướng tất yếu khi chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên không riêng gì với ngành đường mà hàng hóa của Việt Nam nói chung.
Vì rõ ràng, một khi chúng ta đã hội nhập thì cơ hội và thách thức cũng không nhỏ. Do đó, nếu các doanh nghiệp, nhà sản xuất không cố gắng tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh…, thì đương nhiên sẽ khó khăn.
Khi khó khăn đến thì không loại trừ tình trạng M&A và khó tránh việc có những doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất. Tuy nhiên, trong lĩnh vực mía đường, nhiều doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị trước đó, không phải đến tận bây giờ mới bắt tay vào thực thi.
Đơn cử như CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) - hai doanh nghiệp mía đường thuộc Tập đoàn Thành thành công đang có phương án sáp nhập trong tháng 5 này.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có chỉ đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với các cục, vụ của Bộ sớm hoàn thành, trình Bộ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành mía đường trong cơ chế hội nhập để sau 2018 - 2020, ngành mía đường vẫn có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, cuộc sống cho những người trồng mía.
Theo Vân Linh/ĐTCK