Đường vành đai 3 TP. HCM sẽ khởi công xây dựng vào ngày 30/6/2023

Dự án đường vành đai 3 TP. HCM có sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng, chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và TP. HCM, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Đường vành đai 3 TP. HCM sẽ khởi công xây dựng vào ngày 30/6/2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP. HCM.

Chính phủ quyết nghị triển khai dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đã được Quốc hội khoá XV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Dự án đường vành đai 3 TP. HCM chia thành 8 dự án thành phần, thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP. HCM, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Mỗi dự án là một dự án thu hồi đất trên địa bàn của 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.

Nghị quyết nêu rõ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết số 57/2022/QH15 được Quốc hội thông qua. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần bắt đầu từ 5/8/2022, hoàn thành 15/11/2022; lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần bắt đầu từ 10/8/2022 và hoàn thành 30/11/2022.

Việc bàn giao hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương, bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/9/2022; địa phương thực hiện công tác GPMB bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024.

Việc lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát... và khởi công bắt đầu từ 30/11/2022, hoàn thành 30/6/2023; tổ chức thi công bắt đầu từ 30/6/2023 và hoàn thành 30/6/2026.

Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án, bao gồm:

Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt;

Khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Các địa phương xác định vị trí diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) bảo đảm tiến độ thi công;

Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ các quy hoạch có liên quan đến dự án; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thành phần; các thủ tục nêu trên cần đảm bảo nguyến tắc kết quả thực hiện của một số công việc được thực hiện ở bước trước là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...