Duyệt phương án bổ sung vốn nhà nước hơn 6.977 tỷ đồng vào VietinBank

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam sẽ được bổ sung vốn hơn 6.977 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước tại ngân hàng này.
Duyệt phương án bổ sung vốn nhà nước hơn 6.977 tỷ đồng vào VietinBank

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG), theo một nguồn tin từ VietinBank.

Cụ thể, VietinBank sẽ được bổ sung vốn hơn 6.977 tỷ đồng vốn theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước tại ngân hàng này. Nguồn vốn bổ sung đến từ cổ tức chi trả cho cổ đông nhà nước từ các năm trước.

Được biết, theo kế hoạch VietinBank sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 28,7899%, nguồn vốn từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ theo quy định của năm 2017 - 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của NHNN tại VietinBank là 64,46%; của MUFG Bank là hơn 19,73% và 15,81% là các cổ đông khác.

Bên cạnh đó, VietinBank cũng có hai phương án chia cổ tức năm 2020. Phương án thứ nhất là tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank chưa hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức các năm trước. Theo đó, VietinBank sẽ chia cổ tức tiền mặt 5% và chia cổ tức 17,7% bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau hoàn tất chia dự kiến đạt hơn 43.800 tỷ đồng.

Phương án hai là sau thời điểm VietinBank đã hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận các năm trước. Trong trường hợp này, VietinBank sẽ chia cổ tức tiền mặt 5% và cổ tức bằng cổ phiếu là 12,6%. Theo phương án này, vốn điều lệ của VietinBank có thể tăng lên tối đa hơn 54.000 tỷ đồng sau khi chia xong.

Kết phiên giao dịch 24/5, cổ phiếu CTG trên thị trường chứng đứng ở mức 51.200 đồng, tăng hơn 6%. Giá trị vốn hoá của nhà băng lên gần 190.640 tỷ, vượt qua Vinamilk và lọt top 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất.

Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2021, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.060 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái và gần theo kịp Vietcombank (8.631 tỷ đồng).

Tổng dư nợ cho vay khách hàng thời điểm 31/3 là hơn 1 triệu tỷ đồng, hầu như không thay đổi so với ngày đầu năm. Trong đó, tổng giá trị nợ xấu là trên 8.950 tỷ đồng, giảm hơn 560 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu theo đó cũng giảm từ 0,94% còn 0,88%, nằm trong số số những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành.

Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với cho vay khách hàng và tăng 1,3% so với ba tháng trước. Trong đó, tiền và vàng gửi có kỳ hạn khoảng 816.000 tỷ; gửi không kỳ hạn khoảng 181.000 tỷ.

Vào tháng 10/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lí, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị định mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung vốn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Với việc sửa đổi nghị định trên, Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý, giúp các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...