Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ

Nằm bên bờ sông Châu Giang thơ mộng ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) là một ngôi làng Chăm cổ, với hơn khoảng 300 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề dệt lụa tơ tằm, gấm Mỹ Á và dệt thổ cẩm Chăm truyền thống, nổi tiếng hàng trăm năm.
Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ

Nằm bên bờ sông Châu Giang thơ mộng ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) là một ngôi làng Chăm cổ, với hơn khoảng 300 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề dệt lụa tơ tằm, gấm Mỹ Á và dệt thổ cẩm Chăm truyền thống, nổi tiếng hàng trăm năm. Một điều đặc biệt là, ngôi làng Chăm cổ này có nhiều doanh nhân thành đạt làm giàu từ nghề truyền thống.

Một buổi hành lễ tại thánh đường trong Tết cổ truyền Raya Haji và Tết Nguyên đán.
Một buổi hành lễ tại thánh đường trong Tết cổ truyền Raya Haji và Tết Nguyên đán.
Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 2

Hàng năm, ngoài Tết Raya Haji cổ truyền của dân tộc mình, người Chăm nơi đây cũng tổ chức ăn Tết Nguyên đán, với những nét văn hóa vừa đặc trưng khác biệt, vừa có sự giao thoa hòa quyện với văn hóa cộng đồng người Kinh, Hoa, Khmer Nam bộ.

Cả tỉnh An Giang có 9 làng Chăm, thuộc 9 xã phường với hơn 5.000 hộ và khoảng 17.000 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú. Đồng bào Chăm ở An Giang theo đạo Hồi Islam, tất cả các tín đồ cùng sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường. Raya Haji là Tết cổ truyền theo Hồi lịch của đồng bào chăm An Giang còn có nghĩa Tết của sự yêu thương và tha thứ.

Dịp Tết này các thánh đường và tiểu thánh đường với kiến trúc đặc trưng vùng Trung Đông uy nghi thanh cao thoát tục, đẹp lộng lẫy đều được trang trí đèn hoa rực rỡ, mọi gia đình đều dọn dẹp sửa sang lại nhà cửa cho đẹp đẽ hơn. Trong ba ngày Tết Raya Haji, mọi người Chăm đều gác lại công việc làm ăn, buôn bán, dành thời gian đến thánh đường, tiểu thánh đường để hành lễ theo nghi thức đạo Hồi Islam, cầu mong nhiều ân phước, đồng thời xin tha thứ cho nhau những chuyện không vui trong năm cũ.

Tại các thánh đường vào dịp Tết Raya Haji nhiều tín đồ Hồi giáo Islam khá giả, nhất là các doanh nhân, thương gia thực hiện nghi thức Kurbal mua gia súc như bò, dê, cừu để tế lễ dâng lên thánh ALLA, sau đó sẽ phân phát cho các hộ nghèo trong làng để cùng chia sẻ niềm vui trong ngày Tết tràn đầy tình nhân ái yêu thương này. Trong những ngày Tết Raya Haji, mọi người Chăm (nam, nữ, trẻ, già) đều mặc trang phục truyền thống đẹp nhất mà mình có.

Ngày Tết Raya Hji đầu tiên, khoảng 7 giờ sáng, tất cả đàn ông, con trai từ 15 tuổi trở lên đều tập trung ở thánh đường hành lễ (riêng phụ nữ hành lễ tại nhà). Sau khi hành lễ xong, mọi người sẽ đi thăm hỏi chúc tụng cha mẹ, anh chị em và hàng xóm láng giềng của mình, xin tha thứ xóa bỏ mọi hiềm khích cho nhau. 

Phụ nữ Chăm mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất trong ngày Tết Raya Haji và Tết Nguyên đán.
Phụ nữ Chăm mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất trong ngày Tết Raya Haji và Tết Nguyên đán.

Là một doanh nhân thành đạt, thường xuyên tổ chức dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm phụ nữ Chăm, chị Mariya, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly ở Phũm Soài phấn khởi kể, nghề dệt thổ cẩm Chăm nơi đây thực sự bắt đầu hồi sinh từ 2008, nhờ thực hiện Đề án xây dựng loại hình du lịch cộng đồng (Homestay), với điểm đến là ngôi làng cổ dệt thổ cẩm Chăm truyền thống.

Nhờ vậy hàng năm đã thu hút hàng ngàn lượt du khách, nhất là khách nước ngoài tới thăm quan, mua sản phẩm ngày càng đông, tạo đà cho làng nghề ngày càng phát triển và sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới với các loại túi xách, khăn choàng, xà rông, nón, trang phục nam, nữ… phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu qua các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật, Mỹ…

Theo chị Mariya, dệt lụa và thổ cẩm là nghề truyền thống mà người phụ nữ ở làng Chăm nào khi đến tuổi trưởng thành cũng đều thạo tay nghề. Bản thân chị, năm 20 tuổi đã trở thành một thợ dệt thổ cẩm lành nghề nổi danh ở ấp Phũm Soài.

Ngày nay, phụ nữ Chăm không còn sống khép kín trong gia đình như trước đây mà đã hòa nhập xã hội một cách tích cực và tự tin. Đây là một lực lượng thợ dệt chủ lực góp phần rất đáng kể vào sự bảo tồn và phát triển nghề dệt lụa và thổ cẩm Chăm truyền thống ở An Giang. Chính lực lượng lao động dồi dào và thạo nghề này đã góp phần vào sự thành công của nhiều doanh nhân (chủ cơ sở dệt lụa, thổ cẩm) ngày càng phát triển bền vững.  

Có thể nói, du lịch cộng đồng và Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng các mô hình xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả, đã góp phần làm cho diện mạo ở làng Chăm Phũm Soài ngày càng đổi mới, khởi sắc, trở thành làng Chăm kiểu mẫu với chất lượng cuộc sống ngày một được nâng cao. Nhờ đó, làng Chăm Phũm Soài tổ chức Tết truyền thống Royal Haji và Tết Nguyên đán ngày càng tưng bừng, náo nhiệt hơn, các Thánh đường được trang hoàng lộng lẫy hơn.

“Tết Nguyên đán tuy không phải Tết truyền thống của đồng bào Chăm nơi đây, nhưng từ lâu vào những ngày cận Tết, gia đình nào cũng náo nức tập trung trang hoàng nhà cửa, đường làng được mắc đèn kết hoa rực rỡ sắc màu.

Trong mỗi gia đình, các thành viên quây quần bên nhau cùng tham gia làm các loại bánh, các món ẩm thực đặc trưng truyền thống để đón Tết. Đã từ lâu, cộng đồng người Chăm An Giang nói chung, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu nói riêng năm nào cũng tổ chức ăn cả hai cái Tết thật đầm ấm, thật vui ”, ông Mohamad - doanh nhân chủ cơ sở dệt thổ cẩm của làng nghề Phũm Soài bộc bạch chia sẻ.

Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 4

Nói về ẩm thực truyền thống, bà Maradam, một nghệ nhân ẩm thực của làng chia sẻ, người Chăm Phũm Soài có nhiều loại bánh ngon nổi tiếng như ha-pum, pây kgah, cha đoll, pây nung, nhưng nổi tiếng nhất, được ưa chuộng nhất vẫn là hai loại bánh đin-pà-gòn và ha-nàm-căn.

Bánh đin-pà-gòn được làm bằng nếp với nước cốt dừa, dồn trong ống tre tươi rồi đem đốt trên bếp lửa cho đến chín (hơi giống cách làm cơm lam các dân tộc vùng Tây Bắc). Khi ăn bánh, ống tre được chẻ ra, cắt thành từng khoanh giống như bánh tét, có vị thơm ngon rất đặc trưng. Bánh ha-nàm-căn được chế biến từ bột mì, trứng vịt và đường thốt nốt trộn nhuyễn với nhau, sau đó được nặn thành từng chiếc bánh cho vào một chảo nóng, phết dầu, rồi úp lên từng khúm bột ấy là một chiếc khuôn bằng thiếc hình chóp nón, chừng 5 phút bánh chín thì rắc thêm lớp mè rang trên mỗi chiếc bánh thơm lừng, hấp dẫn vừa giòn vừa ngọt béo.

Có thể nói, bất cứ ai khi đã thưởng thức hai loại bánh này một lần thì nhớ mãi. Nhiều du khách cho dù là người Kinh, Hoa hay Khmer (kể cả người ngoại quốc) khi đến Phũm Soài tham quan đều không thể không thưởng thức và tìm mua về làm quà. Ngoài ra, bà con cũng làm thêm bánh tét, mứt như người Kinh để thưởng thức và đãi khách trong những ngày Tết Nguyên đán.

          

Cũng như Tết truyền thống Royah Haji, Tết Nguyên đán trong mâm cỗ của người Chăm Phũm Soài, bao giờ cũng có những món ngon đặc sản truyền thống như cà ri chà, cà púa cơm nị, phú ku hay còn gọi là tung lò mò… Người theo đạo Hồi Islam kiêng kỵ ăn thịt heo (lợn), nên các món ẩm thực truyền thống mang đậm bản sắc độc đáo của đồng bào Chăm An Giang nói chung, Phũm Soài nói riêng.

          

Các món ăn chủ yếu được chế biến từ thịt bò, dê, cừu. Trong đó, có món cà ri xuất phát từ Ấn Độ (gọi là cà ri chà) và cà púa nguồn gốc từ Thái Lan, nhưng được chế biến và cho thêm những thứ gia vị cho đậm đà hơn, hợp khẩu vị hơn. Món cà ri chà được chế biến công phu, ngoài thịt gà còn có thể dùng thịt vịt hay thịt bò, nhưng đắc dụng nhất, chuẩn nhất phải là thịt dê, đặc biệt là loại dê đực khoảng một năm tuổi. Với người Chăm, văn hóa ẩm thực là những thứ không xa hoa mà chính là sự tinh tế bình dị, điều này được thể hiện rõ nhất ở món đặc sản cơm nị - cà púa.

Món cơm nị - cà pú đặc sản nổi tiếng của đồng bào Chăm An Giang không thể thiếu trong dịp Tết Raya Haji và Tết Nguyên đán.
Món cơm nị - cà pú đặc sản nổi tiếng của đồng bào Chăm An Giang không thể thiếu trong dịp Tết Raya Haji và Tết Nguyên đán.

Món cơm nị - cà púa là hai món ăn khác nhau, nhưng lại không thể tách rời nhau để tạo nên một hương vị đặc trưng đầy hấp dẫn. Để có món cơm nị phải có sự đầu tư tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến cách chế biến cho món ăn hoàn hảo trong từ chi tiết.

Trước tiên, gạo sau khi được lựa chọn kỹ, được vo sạch, cho thêm chút muối, đổ ra rổ cho ráo nước mới đem xào bơ cùng nụ đinh hương, quế cho dậy mùi thơm đặc trưng, rồi lại đổ gạo vào xào tạo độ săn, quyện đều nguyên liệu và tiếp đó gạo sẽ được đem trộn cùng bột hạt điều rang, tạo màu vàng đặc trưng. Khâu cuối cùng là đổ gạo vào hỗn hợp gồm muối, đường, bột ngọt, cà ri khuấy đều đem nấu, khi cơm gần chín thì rưới thêm nước cốt dừa vào nồi cho tới khi chín hẳn.  

Để đi kèm với món cơm nị trứ danh, phần cà púa cũng được chế biến không kém phần cầu kỳ tinh tế. Muốn có món cà púa ngon chuẩn vị, người ta phải khử mùi thịt bò bằng cách đổ rượu và gừng vào, sau đó lấy trái dừa bánh tẻ đem nạo nhỏ, một nửa thắng lấy nước cốt, một nửa rang cho vàng.

Khâu cuối cùng là cho thịt bò vào xào cùng dừa khô, cà ri, muối, ớt khi thịt bò thấm mới rưới nước cốt dừa lên và hầm cho thịt bò mềm, khi múc ra tô để thưởng thức cho thêm hành tím, đậu phộng (lạc) rang, cơm dừa rải đều khắp bề mặt làm nổi bật lên vị ngon hấp dẫn của cà púa.

Riêng món tung lò mò (lạp xưởng bò) hoàn toàn làm bằng thịt bò, loại ngon như thịt đùi, bắp được thái nhuyễn bằm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường, cơm nguội cùng với một loại gia vị bí truyền.

Sau công đoạn trộn thịt để cho thấm, sau đó dồn vào ruột bò đã được làm thật sạch, thắt lại từng khúc như lạp xưởng, phơi khoảng 3 nắng đem chiên hoặc nướng để thưởng thức thì ngon tuyệt. Trong văn hóa ẩm thực người Chăm, dù là tiệc mặn cũng không có rượu hoặc bất cứ loại nước uống nào có men gây say, nhưng không vì thế mà mất rôm rả, bởi Tết là dịp đoàn tụ gia đình và chung vui cùng cộng đồng. 

Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 6

Chị Lisa, phụ trách Trung Tâm thông tin du lịch xã Châu Phong, có trụ sở tại Phũm Soài cho biết, trong những ngày Tết Nguyên đán, cũng như trong Tết truyền thống Royah Haji, cộng đồng người Chăm ngoài việc dành thời gian cho những buổi hành lễ, những cuộc thăm hỏi chúc Tết người thân, bạn bè, láng giềng ra, họ rất phấn chấn hào hứng tham gia vào những hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí, ca hát, đua ghe thật tưng bừng sôi động.

Theo chị Lisa, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng tâm linh được gìn giữ lâu đời bền vững, đời sống tinh thần của người Chăm Phũm Soài đã và đang hội nhập cộng đồng ngày một mạnh mẽ, với sự ra đời các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền hoạt động rất sôi nổi.

Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 7
Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 8
Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 9
Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 10
Làng Chăm Phũm Soài - An Giang: Tết của yêu thương & tha thứ ảnh 11

Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, những ca khúc ca ngợi về tình yêu lứa đôi, quê hương, đất nước được sáng tác trên nền chất liệu dân ca Chăm ngọt ngào, đằm thắm của nhạc sĩ Lâm Thanh Bình (người được gọi là nhạc sĩ của làng Chăm) lại vang lên trên sân khấu Đội Văn nghệ Phũm Soài, góp phần làm cho không khí vui Tết, mừng Xuân mới thêm rộn ràng vui tươi như: “Trái táo”, “Về thăm cô gái làng Chăm”, Roda yêu thương”, “Mùa gió nhớ trăng”…

Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã thành thông lệ và trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của làng Chăm Phũm Soài, đó là mỗi khi Tết đến, Xuân về họ lại náo nức đón mừng các sự kiện tổ chức đám cưới cho những lứa đôi.

Ông Sale, Trưởng Ban nhân dân ấp Phũm Soài cho biết, những năm gần đây, năm nào trong làng cũng có từ 25-30 đám cưới được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi đám cưới đều mời cả làng từ 500-600 khách, đông vui nhộn nhịp như ngày hội của làng, nhưng chỉ tổ chức tại gia.

Trong đám cưới cũng như ngày Tết, người Chăm nghiêm túc chấp hành quy định của Hồi giáo Islam, tuyệt đối không uống rượu bia. Có thể nói, Tết Royah Haji truyền thống và Tết Nguyên đán đối với người Chăm Phũm Soài trong thời hội nhập, đổi mới đã thực sự là những ngày lễ hội vừa rực rỡ đậm nét sắc màu văn hóa Chăm truyền thống, vừa có sự giao thoa cộng hưởng những tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt, Khmer, Hoa trong cộng đồng dân cư trong vùng.

Bài và ảnh: Lương Định
Thiết kế: Hoàng Nam
Kỹ thuật: AICMS