Nước Mỹ sẽ "Vĩ đại lần nữa" với America First của ông Donald Trump?

Những người ủng hộ ông Donald Trump và chính sách America First của ông đang âm thầm chuẩn bị cho sự trở lại với chiếc ghế Tổng thống Mỹ lần thứ 2, của một trong những Tổng thống gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ.

Nước Mỹ sẽ "Vĩ đại lần nữa" với America First của ông Donald Trump?

Những người ủng hộ ông Donald Trump và chính sách America First của ông đang âm thầm chuẩn bị cho sự trở lại với chiếc ghế Tổng thống Mỹ lần thứ 2, của một trong những Tổng thống gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ.

Brooke Rollins đã làm việc tại Nhà Trắng dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ và có thời gian ngắn điều hành Hội đồng Chính sách Nội địa của ông. Gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, bà đã đảm nhận việc xây dựng kế hoạch chính sách cho nhiệm kỳ thứ hai của ông. Sau khi ông Trump thua cuộc trong cuộc tái tranh cử năm 2020, bà đã thành lập một viện tư vấn để tiếp tục công việc đó, Viện Chính sách America First (AFPI).

AFPI khao khát xây dựng một chính quyền lý tưởng của ông Donald Trump. Đội ngũ 172 nhân viên của họ bao gồm tám cựu bộ trưởng của chính quyền thời ông Donald Trump và 20 ứng cử viên khác. "Tôi sẽ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho Tổng thống tiếp theo," bà Rollins nói. Luật về tài trợ cho chiến dịch tranh cử không cho phép Rollins nói cụ thể, nhưng ai cũng hiểu vị Tổng thống mà bà muốn nói đến chính là ông Donald Trump.

America First
America First

Cả AFPI và Quỹ Heritage đều thể hiện sự ủng hộ đối với ông Donald Trump

AFPI là viện tư vấn mới nhất đã có những bước chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, nhưng không phải là lớn nhất. Quỹ Heritage, tự hào là đã thực hiện công việc chuẩn bị cho "cách mạng" của Ronald Reagan, thậm chí còn xây dựng cả một dự án chuyển giao tổng thống riêng do Paul Dans, một luật sư đã làm việc tại Văn phòng Quản lý Nhân sự của Nhà Trắng trong thời kỳ ông Trump xây dựng.

Năm 1981, các hướng dẫn cho chính phủ được Heritage xây dựng đã được đặt trên ghế của mỗi bộ trưởng trong cuộc họp đầu tiên của họ với Reagan. Heritage đang muốn thực hiện lại ý tưởng đó, phối hợp nỗ lực của 350 nhà chuyên môn và cựu quan chức để xây dựng một kế hoạch sẵn sàng cho các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa vào năm tới. Những người đã chỉ trích ông Trump hoặc chính sách của ông sẽ không được tham gia.

Ngoài việc xây dựng chính sách cho từng bộ phận, Dans và các đồng nghiệp của ông đang xây dựng một danh sách những ứng cử viên cho các vị trí của chính quyền của Đảng Cộng hòa. Ông thích miêu tả nỗ lực của mình như một mạng xã hội LinkedIn của người bảo thủ. Để đầy đủ nhân sự cho một chính quyền, cần khoảng 4.000 ứng cử viên được chỉ định, trong đó có 1.200 người phải được Thượng viện chấp thuận. Heritage và các viện tư vấn liên minh của họ đang kiểm tra và xem xét những người để đảm nhận những công việc đó.

CHỌN LỰA NHÂN SỰ

Những ứng cử viên sẽ được xem xét rất tỉ mỉ. "Nếu ai đó từng thể hiện sự chống đối với chính quyền của ông Donald Trump hoặc có từng bày tỏ thái độ phản đối với những chính sách của ông Trump, họ sẽ bị loại" Dans chia sẻ. Thái độ trên mạng xã hội sẽ cho quan điểm sống của họ. Những người từng chỉ trích ông Trump vì vụ tấn công vào Quốc hội năm 2021, hoặc ủng hộ việc luận tội ông vào những ngày sau đó, sẽ là căn cứ để loại bỏ ai khỏi danh sách ứng viên.

Nhờ những nỗ lực này, chính quyền Trump tiếp theo (nếu có) sẽ có những kế hoạch cụ thể và có đủ sự chuẩn bị về nhân sự để thúc đẩy chúng. Điều đó sẽ làm cho nó rất khác biệt so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Như cách mà Steve Bannon, người quản lý chiến dịch, và là một nhân vật có ảnh hưởng ở nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump đã nói: "Chúng tôi không có người vì không ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ thắng". (Sau khi đắc cử, ông Trump đã sa thải Bannon, nhưng sau đó đã giúp ông không bị truy tố vì lạm dụng quỹ từ một tổ chức phi lợi nhuận mà ông làm chủ.)

Bannon đề cập đến Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) như một ví dụ về vấn đề nhân sự mà chính quyền (lần 1) của ông Trump gặp phải. Ông nói rằng NSC đã gặp khó khăn khi chỉ có được một nửa số lượng cần thiết các ứng cử viên chính sách. Họ là sự kết hợp kỳ lạ giữa những người như Michael Anton, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Truyền thông Chiến lược và chuyên... viết diễn văn, hay những chuyên gia chính sách đối ngoại già nua bảo thủ, tỏ ra lo lắng khi ông Trump có những động thái cởi mở với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong khi cứng rắn với các đồng minh truyền thống của Mỹ.

America First

Steve Bannon

"Bạn phải sẵn sàng (cho chính quyền mới) như một cuộc đổ bộ với ba hoặc bốn nghìn người, làm sao để người nào đúng chỗ đó. Nó giống như một đại kế hoạch kiểu như cùng lúc sắp xếp Dự án Manhattan (dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II, chủ yếu do Hoa Kỳ thực hiện với sự giúp đỡ của Anh và Canada) cùng dự án xây dựng Tòa nhà Empire và kế hoạch cho cuộc đổ bộ vào Normandie D-Day."

Mục tiêu ban đầu cho lực lượng này là "đổ bộ" và nắm các vị trí chiến lược của hệ thống dịch vụ công. Một bài học mà những người ủng hộ ông Trump rút ra từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông là không có chính sách nào quan trọng hơn việc kiểm soát các cơ quan hành chính, vì không có chính sách nào có thể thực thi mà không có nó.

Với mục tiêu đó, lực lượng đặc biệt của ông Trump sẽ "tái cấu trúc" lại hệ thống hơn 300 cơ quan hành chính liên bang. Theo đó, những người chống đối chính phủ, những người đã ngăn cản ông Trump trong nhiệm kỳ đầu và tham gia phản đối ông sau đó sẽ bị đánh bật ra khỏi các cơ quan này.

Các ứng viên được đề cử của ông Trump dự định kiềm chế hệ thống quản lý nhà nước bằng việc sử dụng Schedule F (một sắc lệnh hành pháp được ông Trump ban hành vào năm 2020 sau đó bị Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thu hồi). Theo đó, Schedule F cho phép chuyển hàng chục ngàn nhân viên liên bang thành một dạng nhân viên thời vụ, để Tổng thống có thể dễ hơn trong việc sa thải họ.

America First

Schedule F có thể sẽ lại được ông Donald Trump sử dụng

Căn nguyên của ý tưởng này xuất phát từ ý tưởng rằng hệ thống quản lý nhà nước liên bang, bất kể quy mô của nó, không nên có bất kỳ quyền lực cố định nào. Trong giai đoạn đầu của nhà nước Mỹ, các viên chức công chức được bổ nhiệm vào các công việc bởi chính phủ kèm theo hệ thống phúc lợi. Vụ ám sát tổng thống Garfield năm 1881, đã thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Pendleton, tạo ra một nhóm các quan chức công chức chuyên nghiệp vẫn giữ chức vụ của họ ngay cả khi chính quyền thay đổi. Kể từ những năm 1940, khi Franklin Roosevelt mở rộng chính phủ, việc sa thải các quan chức liên bang đã trở nên khó khăn, AFPI cho biết.

Nhiều người ủng hộ ông Trump tin rằng đã có một số ít công chức sử dụng lợi thế "được bảo vệ" của họ để ngăn cản hoặc phản đối các ý tưởng của tổng thống. James Sherk, một cố vấn chính sách tại Nhà Trắng của ông Trump, người hiện đang làm việc tại AFPI, đã trích dẫn hai trường hợp mà các luật sư trong các bộ phận chính phủ khác nhau đã từ chối làm việc: Một vụ kiện chống lại Đại học Yale vì cáo buộc phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc châu Á và một vụ nhằm bảo vệ các y tá khỏi việc thực hiện phá thai. Schedule F sẽ cho phép ứng viên của ông Trump loại bỏ những người bị cho là đang là phản đối.

"Hiện nay, Schedule F đã trở thành thư chính của Đảng Cộng hòa," Russell Vought, người điều hành Văn phòng Quản lý và Ngân sách dưới thời ông Trump nói. "Tôi không biết làm thế nào mà một người Cộng hòa được bầu cử mà không thực hiện điều đó." Việc thực hiện cũng sẽ dễ dàng: Ông Trump có thể đơn giản tái ký lại sắc lệnh thực hiện cũ của mình. Một sắc lệnh trúng hai mục đích: Các công chức ngoan cố sẽ mất việc, và Schedule F trở thành công cụ của cuộc "thanh trừng" của ông Trump đối với Washington.

XÂY DỰNG HỆ THỐNG RIÊNG

Hiệu quả kết hợp của việc chỉ bổ nhiệm những người ủng hộ và xới xáo các cơ quan hành chính sẽ mở đường cho việc xóa bỏ những ràng buộc để ông Trump (nếu tái đắc cử) sẽ dễ dàng hơn trong việc thực thi các ý tưởng của mình.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, điểm yếu về nhân sự của ông đã bị các đối thủ chính trị khai thác tối đa để phản đối hoặc trì hoãn các quyết sách của ông. Tờ The New York Times đăng một bài viết của một ứng cử viên chính sách cho rằng chính mộ số nhân sự trong nội bộ trong chính quyền của ông Trump đã ngấm ngầm hoạt động như một phương tiện kiểm soát quyền lực của tổng thống. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump (nếu có) chắc chắn sẽ không còn có chỗ cho những thành phần "kỳ đà cản mũi" này.

Câu hỏi là một khi chính quyền Trump (lần hai) đã nắm các cơ quan hành chính theo ý muốn của mình, những chính sách nào sẽ được thực hiện?Trên thực tế, có vẻ như các kế hoạch của từng bộ phận đang được lập tại AFPI, Heritage và những nơi khác. Chúng bao gồm một số vấn đề còn dang dở ở nhiệm kỳ đầu tiên như hoàn thành bức tường dọc biên giới với Mexico... Tuy nhiên, cũng có thể sẽ có những quyết sách đáng ngạc nhiên khác.

Một trong những lĩnh vực như vậy là kinh tế. Đảng cánh hữu mới rất hào hứng với loại chính sách công nghiệp mà chính quyền Biden đã thực hiện. "Không ai ở Ohio... quan tâm đến việc tờ Wall Street Journal không thích dự luật CHIPS" Thượng nghị sĩ bang Ohio, J.D. Vance phát biểu tại American Compass, một viện nghiên cứu khi nói về dự luật này. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Trump còn muốn nhiều hơn nữa: Thượng nghị sĩ Vance đề xuất đánh thuế đối với các công ty Mỹ chuyển việc làm ra nước ngoài.

(CHIPS là một kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Mỹ nhằm đưa nước này quay lại thời hoàng kim, trở thành quốc gia dẫn đầu không chỉ về các phát minh và sở hữu bản quyền công nghệ, mà còn là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu trong thập niên tới. Đạo luật này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật từ ngày 9/8/2022 và vào thời điểm đó, quy mô của đạo luật lên tới 280 tỷ USD, trong đó riêng phần dành cho sản xuất chất bán dẫn đã lên tới 39 tỷ USD, một khoản tiền rất lớn).

America First
America First
America First
America First
America First

Các vấn đề như duy trì hiệu lực của Đạo luật Giảm thuế và Tạo việc làm; chính sách Quỹ lương hưu; Bảo hiểm y tế cho người nghèo; Quỹ lương hưu nhà nước; Vai trò của FED hay các chích sách liên quan đến môi trường cũng đã được AFPI tính đến và chuẩn bị trước kế hoạch khi ông Donald Trump tái đắc cử

Sự bất đồng chủ nghĩa đảng phái chính về chính sách công nghiệp không còn nằm ở việc có hay không có một chính sách như vậy, mà nằm ở việc đảng Dân chủ thường xuyên đưa yêu cầu đa dạng và mục tiêu môi trường vào đó. Trong khi đảng Cộng hòa lại nghiêng về các vấn đề lao động hơn, những người như ông Vance sẽ cố gắng có được một chính sách vừa ủng hộ lao động vừa giảm bớt quyền lực của các nhà lãnh đạo công đoàn.

Sự mong chờ về một chính phủ Cộng hòa với một chương trình hành động truyền thống hơn, giảm thuế kèm theo những nỗ lực để giảm nghèo thường gây phản tác dụng. cẩm nang chính sách của AFPI nói về việc biến những khoản giảm thuế trong Đạo luật Giảm thuế và Tạo việc làm năm 2017 thành vĩnh viễn (một số trong số đó sẽ hết hiệu lực vào năm 2025). Các nhà chính sách của AFPI cũng ủng hộ việc đính kèm yêu cầu làm việc cho Medicaid (bảo hiểm y tế cho người nghèo) và các lợi ích khác từ chính phủ. Ở Arkansas, tiểu bang duy nhất đã thực hiện yêu cầu làm việc cho Medicaid, một phần tư số người tham gia chương trình đã mất bảo hiểm y tế và không có sự tăng đáng kể về việc làm. Các cải cách ít nhất sẽ tiết kiệm một số tiền, nhưng không đủ để có tác động lớn đến thâm hụt liên bang.

Những chính sách công nghiệp đắt đỏ, giảm thuế và chỉ giảm một phần nhỏ các lợi ích - nói cách khác, thu nhập ít hơn và chi tiêu nhiều hơn - sẽ khiến ngân sách của Mỹ mất cân đối, chưa kể đến việc cắt giảm nợ công hoặc đảm bảo tiền cho quỹ Medicare (bảo hiểm y tế được bảo trợ cho người khuyết tật và người già) và Social Security (lương hưu nhà nước), dự kiến sẽ khiến ngân sách Mỹ cạn kiệt vào đầu những năm 2030.

Trong quá khứ việc sử dụng trái phiếu để tài trợ cho khoảng cách ngày càng tăng giữa thu nhập và chi tiêu của chính phủ vẫn được sử dụng thưởng xuyên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể trở nên lo lắng nếu tính độc lập của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) bị đặt dấu hỏi. Một số người ủng hộ Trump nghĩ rằng điều đó nên xảy ra, vì họ không thích nhường quá nhiều quyền lực cho các vị trí quan chức không thông qua bầu cử (các lãnh đạo FED).

Một lĩnh vực khác cũng có thể sẽ có nhiều thay đổi nếu ông Trump tái đắc cử là chính sách môi trường. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, lượng khí thải khí nhà kính tiếp tục giảm, mặc dù ông đã "bẻ kèo" nhiều chính sách của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama để làm chậm biến đổi khí hậu. Các nhà đầu tư cho rằng chính sách của chính phủ sẽ sớm trở lại một tiêu chuẩn xanh hơn và các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than có tuổi thọ kéo dài trong vài thập kỷ, vì vậy sự ưa thích của chính quyền đối với chúng không đủ để xây dựng những nhà máy mới. Về mặt này, một chính quyền Trump lần thứ hai sẽ tổ chức phương pháp hơn và có tổ chức tốt hơn.

BẤT CỨ ĐIỀU GÌ CÓ LỢI CHO NƯỚC MỸ

Cẩm nang chính sách của AFPI đề cập đến việc chấm dứt "Cuộc chiến chống năng lượng hóa thạch" và đưa ra những giả định không ràng buộc về việc nền kinh tế ra sao nếu không có dầu mỏ và than đá. (AFPI ước tính rằng GDP của Mỹ sẽ thấp hơn 6% vào cuối thập kỷ này so với nếu không có mục tiêu giảm khí thải của chính quyền Obama.)

Lập luận được trình bày dưới góc nhìn thiết thực và đạo đức. Tại sao dầu mỏ của Mỹ phải nằm yên trong lòng đất trong khi dầu của Saudi Arabia lại được khai thác và bản đi khắp nơi? Và tại sao việc sử dụng loại năng lượng có thể mang lại nhiều thịnh vượng cho nhiều người lại bị hạn chế? Chưa kể đến thực tế rằng chính quyền của ông Biden đã cấp nhiều giấy phép khoan dầu hơn so với ông Trump.

America First

Những ông chủ dầu mỏ chắc chắn sẽ ủng hộ quan điểm của ông Trump về vấn đề liên quan đến các chính sách môi trường

Những người ủng hộ chính sách America First thích dầu, khí và than cũng như những công việc nam tính, có mức lương tương đối cao dành cho những người có bằng tốt nghiệp trung học. Họ cũng phản đối sự chuyển đổi xanh, mà họ coi là sự can thiệp của chính phủ không cần thiết làm tăng giá năng lượng cho người Mỹ thông thường. Cả Kevin Roberts, người điều hành Heritage, và bà Rollins, người sáng lập AFPI, trước đây đều là những nhân vật quan trọng tại Texas Public Policy Foundation (TPPF), một viện nghiên cứu chính sách đã phản đối việc phát triển các trang trại gió và nhà máy năng lượng mặt trời.

Hơn một phần tư sản lượng điện của Texas được tạo ra từ nguồn năng lượng tái tạo, và TPPF đã tuyên truyền rằng chính việc này đã làm cho lưới điện của tiểu bang này không ổn định. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết cơ quan quản lý điện của Texas đã trở nên không thiện cảm với các dự án mới. Trong khi đó, TPPF đang đấu tranh chống lại năng lượng tái tạo ở New York, Rhode Island và Massachusetts, nơi mà họ đại diện cho ngư dân đã khởi kiện một trang trại gió ngoài khơi lớn. Nếu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Liên bang và Bộ Tư pháp được điều hành bởi những người có cùng quan điểm này, các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ đối mặt với rủi ro chính trị.

Một lĩnh vực thứ nữa có thể chứng kiến sự biến động lớn nếu ông Trump trở thành Tổng thống một lần nữa là chính sách đối ngoại. Trong nội bộ những người ủng hộ chính sách America First vẫn tồn tại sự bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine. Sách chính sách của AFPI đề cập về mối đe dọa từ Nga. Tuy nhiên, ông Bannon lại bày tỏ quan điểm: "Tôi không quan tâm đến Ukraine - điều tôi quan tâm là những vấn đề từ biên giới phía nam của Mỹ." Ông Vought đưa ra cùng ý kiến một cách chuyên môn hơn: "Và việc bảo trợ Ukraine trong cuộc xung đột đó không phải là lợi ích của chúng ta". Ông Trump thì khẳng định rằng ông sẽ kết thúc cuộc chiến. Không ai biết rằng ông sẽ thực hiện điều đó như thế nào. Nhưng Ukraine và các đồng minh của họ cần thực sự xem xét khả năng rằng Mỹ có thể không còn ở bên họ trong 18 tháng tới.

America First
America First

Những chính sách cứng rắn của ông Donald Trump đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ lại được áp dụng

Chính sách đối với Trung Quốc ít gây tranh cãi hơn. Chính quyền dưới thời ông Trump tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn bất kỳ Tổng thống tiền nhiệm nào. Chính quyền của ông Biden cũng có cùng cách đối xử với Trung Quốc, tuy nhiên ít phát ngôn kích động và các chính sách được xem xét kỹ hơn. "Sự khác biệt giữa chính quyền Biden và chính quyền Trump về chủ nghĩa bảo hộ là chính quyền Biden có năng lực," như Dan Drezner của Đại học Tufts nói. Một nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có khả năng tiếp tục dụa trên những gì mà ông Biden đã làm.

Kế hoạch của Heritage cho năm 2025 dự đoán một lệnh cấm ngay lập tức đối với mạng xã hội TikTok và các hoạt động của Học viện Khổng tử. Quỹ hưu trí Mỹ sẽ được khuyến khích rút vốn từ các thực thể Trung Quốc "gây rối". Theo Heritage, Chính phủ nên sẵn sàng "áp dụng biện pháp chính sách trừng phạt" để ngăn chặn đầu tư Mỹ vào các lĩnh vực nhạy cảm tại Trung Quốc và đầu tư Trung Quốc vào Mỹ. Các công ty Mỹ đang xem xét đầu tư quy mô lớn vào bất cứ điều gì được coi là quan trọng sẽ phải nộp thông tin về các bên liên quan và việc sử dụng dự kiến của quỹ đầu tư cho chính phủ Mỹ trước khi đầu tư, "dưới sự giả định từ chối".

Các đồng minh khác có thể cũng có thể sẽ đau đầu như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ông được cho là đã nói với các cố vấn rằng ông muốn rút lui khỏi NATO. Ngay cả AFPI, một tổ chức có quan điểm ngoại giao gần với chủ nghĩa cũ của Đảng Cộng hòa, cũng cho rằng hỗ trợ quân sự nên được rút khỏi các quốc gia không chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, một tỷ lệ mà cả Nhật Bản và hầu hết các quốc gia trong NATO đều không đáp ứng. Elbridge Colby, người đã phục vụ trong Bộ Quốc phòng và tin vào việc cần phải có một chính sách ngoại giao mạnh mẽ, cho rằng Mỹ cần phải để ý đến Trung Quốc nhiều hơn. Và Mỹ nên rút lui khỏi cam kết quốc phòng tại châu Âu và Trung Đông để tập trung vào Thái Bình Dương.

Những tổ chức ủng hộ ông Trump tái tranh cử chắc chắn đã lên một kế hoạch vận động hành lang cực kỳ kỹ lưỡng để giúp ông tái đắc cử. Tuy nhiên, Donald Trump vẫn sẽ là người đưa ra phán quyết cuối cùng về cách triển khai kế hoạch này. Chỉ biết rằng, kế hoạch tái tranh cử này chắc chắn sẽ "hoàn hảo" hơn rất nhiều so với kế hoạch tranh cử ở nhiệm kỳ trước. Trump luôn là người biết rõ ràng nhất cách mà những thế lực ủng hộ mình sử dụng danh tiếng của mình cho những cuộc vận động chính sách công và ông chưa bao giờ hào hứng với việc đó.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ tuyên thệ chính xác trong 18 tháng nữa. Các tổ chức của phe cánh hữu mới mong đợi người đứng trên bục tuyên thệ đó sẽ là ông Trump, và lần này họ sẽ chuẩn bị sẵn sàng.

Bài: Hiếu Ngân
Ảnh: TH
Thiết kế: VNP
Kỹ thuật: AICMS

Có thể bạn quan tâm

Trầm - Trân bảo từ “lằn ranh của sự tử tế”

Trầm - Trân bảo từ “lằn ranh của sự tử tế”

Ranh giới giữa thượng phẩm để dâng cúng tổ tiên và những sản phẩm “trà trộn, độn đầy”. Ranh giới của câu chuyện giá trị văn hóa và doanh thu. Ranh giới của niềm tin khi cuộc sống thường nhật nhan nhản những lời rao “nhà tôi ba đời” để lọc lừa nhân thế…
VNPT sẵn sàng cho cuộc đua Mobile Money

VNPT sẵn sàng cho cuộc đua Mobile Money

Tại Việt Nam, không thể phủ nhận cơ hội mà Mobile Money mang lại cho người dân, góp phần “bình dân hoá” dịch vụ tài chính số, với nhiều tiện ích trong giao dịch, thanh toán trên mọi vùng miền, đặc biệt các vùng sâu vùng xa