Lãng du Mông Cổ

Trên miền thảo nguyên mênh mông này, tôi đã thực hiện một hành trình lãng du vô cùng thú vị.
Lãng du Mông Cổ

Trên miền thảo nguyên mênh mông này, tôi đã thực hiện một hành trình lãng du vô cùng thú vị.

Du khách ở Quảng trường Trung tâm rộng 3ha ở Thủ đô Mông Cổ
Du khách ở Quảng trường Trung tâm rộng 3ha ở Thủ đô Mông Cổ

“Quốc gia du mục” còn sót lại của địa cầu, đó chính là Mongolia (Mông Cổ). Rộng hơn 1,6 triệu km2 mà có 3,3 triệu dân, tính ra thì cứ khoảng 2 km2 mới có 1 người sinh sống. Với tỷ lệ dân thưa thớt đến khó tin như vậy, Mông Cổ được coi là quốc gia có mật độ dân cư thấp nhất của địa cầu.

Lãng du Mông Cổ ảnh 2

Dịp “Tết Mông Cổ” năm 2022 này, tôi có mặt ở miền đất du mục ngủ lều Ger tròn gợi cảm. Trường Hải, “hướng đạo” của chúng tôi miết mải băn khoăn khi đó là: tắc đường. Lễ hội lớn lắm, họ cưỡi ngựa vù vù, bắn cung vèo vèo, thi huấn luyện và điều khiển chim đại bàng săn thỏ săn cáo. “Đường sẽ tắc hơn cả Hà Nội ngày mưa gió – khi mà chữ “Nội” biến thành chữ “Lội”, anh ơi!”. Tôi bảo “Chú Hải đừng có doạ anh, tắc đường thế nào được mà tắc”, tôi chắc mẩm nói.

Lãng du Mông Cổ ảnh 3
Lãng du Mông Cổ ảnh 4
Lãng du Mông Cổ ảnh 5

Tranh biện mãi, cuối cùng thì cán bộ ta ở Mông Cổ, rồi bạn bè người bản xứ, rồi “bác Google”, báo chí các kiểu… mở ra mới thấy, đúng là thủ đô Ulaanbaator của bạn rất tắc đường. Dân 3,3 triệu người, tức là bằng 1/30 dân số Việt Nam; trong khi bà con lại sống ở một diện tích đất đai thảo nguyên màu mỡ rộng gấp 5 lần nước ta.

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tập trung về thủ đô rất đông (khoảng 46% dân số ở Ulaanbaator). Đường xá thì được cái trục chính hoành tráng, nhà cao tầng màu mè, nhưng rẽ vào phố nhỏ hay lối quê một chút là ổ voi ổ gà bụi mù mịt.

Lại thêm, Mông Cổ vào mùa đông lạnh đến mức tuyết rơi trắng, tuyết chất cao đến tận nóc ô tô; trong khi đó, đường từ tỉnh nọ đến tỉnh kia thì xa đến mức bằng từ đầu đến cuối một số quốc gia - thế nên người dân ở xứ này nhất định phải mua bằng được ô tô. Có nhà sở hữu vài xe là thường.

Đường bé, xe nhiều, tập trung đến ngót nửa dân số về thủ đô bé xíu, không tắc đường mới lạ chuyện lạ.

Mở ngoặc nữa luôn, đất rộng “khét tiếng” trên thế giới, dân thưa, lại sống du mục như một huyền thoại vẫn tồn tại giữa thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 này. Ấy thế mà, thủ đô Mông Cổ bị đã lọt vào TOP 10 thủ đô ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Bỏ xe ven đường, mở cái lều tự bung trên thảo nguyên, gia đình nhỏ này tận hưởng hạnh phúc đơn sơ với Mẹ Thiên nhiên.
Bỏ xe ven đường, mở cái lều tự bung trên thảo nguyên, gia đình nhỏ này tận hưởng hạnh phúc đơn sơ với Mẹ Thiên nhiên.

Bởi thời tiết quá lạnh, mà phương pháp làm ấm cơ thể, chống lại băng giá mùa đông của người nơi này vẫn chủ yếu theo cách của… mấy nghìn năm trước. Đó là đốt củi lên sưởi. Cả thủ đô, chỗ cao tầng, chỗ lụp xụp lệ xệ, 46% dân số nước này cứ thi nhau nổi lửa, hoả lò nào cũng nhả khói mù giời…

Lãng du Mông Cổ ảnh 7

Tôi đi hơn 10 ngày ở Mông Cổ, chứng kiến rất nhiều chuyện mới gặp một lần trong đời. Vài tiếng đồng hồ bay, một chuyến du lãng xứ du mục chẳng phải xa xôi, chẳng phải đắt đỏ, nhất là so với trời Mỹ, trời Âu, các ngóc ngách địa cầu mà tôi từng đã trải.

Vậy nhưng, đi về, khoe vài cái ảnh kỉ niệm lên mạng xã hội, bạn bè ai cũng trầm trồ. Họ bảo, tôi ước mơ đến xứ này từ lâu, vì nó độc đáo, chẳng giống ai. Và họ nói về các giấc mơ phiêu lãng, cái chất du mục, cái bát ngát thảo nguyên và đế quốc kiêu hùng trên lưng chiến mã bách chiến bách thắng từ châu Âu sang châu Á.

Hơn 700 dân tộc bị chinh phạt bởi các chiến binh Mông Cổ hồi đó, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ phải khuất phục. Họ đã phát triển thành một đế chế hùng mạnh và thiện chiến với vùng lãnh thổ chiếm giữ được thuộc vào hàng lớn nhất trong cả lịch sử loài người (22% đất đai của thế giới).

          

Những cái tên như Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt… đã được nhắc đến như những “thiên tài quân sự” (và đầy giết chóc) trong suốt khoảng 800 năm qua.

          

Quá nhiều người nói với tôi về cái chất phiêu lãng du mục của xứ Mông Cổ, rồi men say này đã quyến rũ họ ra sao. Loài người vốn đi ra từ rừng núi hay từ các cuộc thiên di cô quạnh giữa thiên nhiên hoang sơ đến nhiệm màu ấy. Và cái chất du mục vẫn còn lại trong huyết quản của chúng ta tự tiền kiếp. Như một gene di truyền, như một ám ảnh từ cõi của tổ tiên vọng về. Thế nên nhân loại mới có hội chứng nghiện xê dịch.

Bình minh trên thảo nguyên vô tận.
Bình minh trên thảo nguyên vô tận.

Chúng tôi ngủ giữa thảo nguyên bát ngát. Lều Ger trở thành di sản văn hoá của thế giới, giờ họ cách tân với nội thất khép kín, chống tuyết rơi và nắng nỏ như khách sạn 4 sao. Cách thủ đô Mông Cổ vài giờ xe chạy. Những cô gái Mông Cổ khăn áo như trỉa lấy các gam màu mạnh mẽ nhất của xứ thảo nguyên bất tận.

Họ ra đón khách, em thì lăn vali vào lều tròn, em thì lí lơi cất tiếng hát lãng mạn đến đứng tim. Âm nhạc Mông Cổ có nghệ thuật hát trong cổ họng rất lạ, nó đã trở thành một di sản thế giới độc nhất vô nhị. Các bậc trung niên, kéo đàn, vỗ trống, xoa chũm choẹ (các nhạc cụ này hao hao giống ở ta nên tôi tạm gọi thế). Họ hát bằng thứ giọng gì đó rung nảy ở trong thanh quản, trong… khu yết hầu (dùng họng và mũi để phát ra âm thanh), chứ không “hát” ra thứ “tròn vành rõ tiếng” như ở ta.

Lãng du Mông Cổ ảnh 9
Lãng du Mông Cổ ảnh 10
Lãng du Mông Cổ ảnh 11

Tôi vào cả Nhà hát Kịch nghệ Quốc gia của họ để xem biểu diễn. Lắng nghe kĩ, có tiếng nước chảy nhí nhách, tiếng con gì đạp trên lá cây khô, tiếng gió ru ngoài thung lũng hay tiếng ếch nhái côn trùng rỉ rả như vọng về trong bóng tối miên man của chừng 400 triệu năm trước… Trong không gian trong lành man mác lạnh đó, bàn tay cô gái rung lên các chuỗi lạch xạch.

Tôi giật bắn mình, em cầm một bó toàn xương động vật. Các miếng xương xắt thành viên như quân cờ, dùi lỗ, xâu vào nhau. Em cầm cả bó như bó lúa nhờ nhợ trắng, mà mỗi hạt lúa giờ đang hiện diện dưới dạng một khúc xương mài nhẵn có khoét lỗ xỏ dây.

Hỏi, hoá ra đó là một nhạc cụ. Xương ấy còn làm quân cờ, làm vật để thi ném (như kiểu chơi bi, đánh đáo ở ta). Tôi ra sân, chơi trò ném xương với các cô bé vừa tung mình cưỡi ngựa, vừa leo lên lưng con lạc đà hai bướu rồi giơ tay kéo khách nam giới 65kg lên đánh “vút” một cái. Trên chênh vênh lưng lạc đà, tôi nghĩ, mình là một tù binh còn cô nàng mặc áo xanh đỏ như cào cào kia là một nữ chiến binh đi bắt… ý trung nhân.

Và rõ ràng, em ấy xinh một cách phiêu bòng, nhạc cụ, các khúc xương xâu vào nhau chi chít lóc xóc hàng trăm viên kia, tất cả đến từ một miền văn hoá du mục quyến mời.

Văn hoá du mục. Nó chảy từ thượng cổ, qua các bức vẽ bằng đá đỏ son hồng trong hang động (hiện vẫn còn) ở Mông Cổ với tuổi đời 20 nghìn năm. Ta có thể gặp điều này khi biết về các bộ tộc du mục từng làm khuynh đảo lịch sử thế giới, xuyên từ lục địa châu Á sang châu Âu, trong quãng thời gian không hề ngắn. Lạ nhất, là dòng máu du mục ấy vẫn chảy mãi đến hôm nay, theo đúng nghĩa, chứ không phải là thứ diễn để làm du lịch.

Thống kê được công bố, khoảng 30% dân số Mông Cổ vẫn ở lều và sống đời du mục theo đúng nghĩa. Một số nhà báo lừng danh của thế giới đã dành nhiều thời gian sống với các bộ tộc sống nhờ du mục, săn, thuần dưỡng, ăn thịt, vắt sữa tuần lộc ở trong các vùng tuyết mênh mông giáp với vùng băng giá Siberia của Liên bang Nga để chụp ảnh. Những bộ sừng tuần lộc khúc khắc, cành nhánh, kềnh càng vươn lên nền trời, những cậu bé cô bé má đỏ hây hây đi chăn đàn tuần lộc hàng trăm cá thể. Họ chui dưới bụng loài thú của ông già Noel để vắt sữa…

Cuộc sống gắn với con tuần lộc ở vùng băng giá Taiga (thuộc Mông Cổ), giáp Sibiari của Nga.
Cuộc sống gắn với con tuần lộc ở vùng băng giá Taiga (thuộc Mông Cổ), giáp Sibiari của Nga.

Và rồi. Thi thoảng lại có chú tuần lộc đã thuần hoá chợt nhớ hoang vu, bỏ nhà bỏ của từ các sắc dân du mục để tái nhập vào bầy đàn hoang dã. Thế là nam giới trong bộ tộc lại dắt theo một con tuần lộc cái đã thuần dưỡng đi tìm xuyên ngày tháng theo vết chân tuần lộc trên tuyết, để dùng “mĩ nhân kế”, cho tuần lộc nái dụ tuần lộc đực về.

Có khi họ đào hầm trên tuyết, rồi dùng ván trượt tuyết lao “cảm tử” với tốc độ của tảng băng lăn từ đỉnh núi xuống, nhằm đuổi theo tuần lộc. Quăng thòng lọng bắt chúng. Dồn cho chúng rơi xuống hố mà trói nghiến lại. Có khi, họ đi giữa điệp trùng tuyết trắng, lạc sang cả biên giới Nga, bị lực lượng biên phòng giữ lại và khuyên giải cách tìm cách bắt con thú nhớ rừng kia một cách hiệu quả nhất….

Tôi may mắn được đến thăm nhiều di sản văn hoá cổ, đền đài tu viện của Mông Cổ, từ Cung điện Mùa Đông Bogd Khaan đến Tu viện nổi tiếng Grandan Khiid. Những tượng thờ kì thú. Dù đi Nepal, Tây Tạng, Bhutan kĩ rồi, tôi vẫn nghĩ cái chất Phật giáo Tạng truyền hoà quyện phong cách tín ngưỡng Mông Cổ ở hệ thống di tích xứ này quả là rất đáng sửng sốt.

Có tượng treo lúc liểng toàn đầu lâu quanh cơ thể, có ông trợn mắt dẫm chân lên một nam nhân và một nữ nhân trần truồng. Có ngài hình trâu, nửa thú nửa người, lại có ngài hình chim. Đại ý thế, quả thật tôi không nhớ rõ, chỉ cảm nhận các lớp lang độc đáo đó tràn khắp. Nhờ một chuyên gia lý giải, tôi gặp được nhiều tư liệu thú vị liên quan đến chuyện này.

Ví dụ, trong hệ thống tín ngưỡng kể trên, “Đức Mahakala Bốn Mặt”, “là một trong những hóa thân phẫn nộ của Đức Văn Thù Lợi Sư. Ngài thường được biết đế với khả năng thổi bay mọi chướng ngại đến từ sự ngu dốt và sân hận của người cầu nguyện đến Ngài. (…) Hai tay Ngài cầm con dao bán nguyệt và chén sọ máu hình tam giác”. Hoặc “Đức Kim Cương Dạ Ma Vương”, “Thân thể ngài màu xanh, đầu trâu giận dữ. Ngài có ba mắt, hai sừng nhọn hoắt, tóc dựng đứng. Tay Ngài đang cầm một cây gậy đầu lâu, tay trái hướng lên trên vung dây thòng lọng. Đầu đội vương miện năm đầu lâu khô. Người quấn tràng hoa năm mươi đầu lâu đẫm máu.

Ngài và người phối ngẫu đều đứng trên một con trâu xanh, trâu đang dẫm đạp lên một thân thể đàn ông trần truồng… Đức Phổ Hiền Như Lai Phối Ngẫu thì đang ngồi kiết già, da thịt xanh biếc, “phối ngẫu” là một phụ nữ vô cùng gợi cảm đang ở trạng thái trần truồng, tóc dài đen, môi đỏ, eo thon, ngực nở, “nàng” úp thân thể nóng bỏng vào Ngài, ngồi lên hai đùi đang kiết già, tay tọa thiền của Ngài vòng ôm lấy nàng. Hai tay nàng trắng muốt quàng ôm lấy cổ Ngài. Tôi đã gặp bức tranh “nude” tương tự, thờ ở nơi trang trọng nhất, trong hang sâu trên đỉnh Tu viện cổ lừng danh Tiger Nest (Hang Hổ) ở Bhutan (Quốc gia Hạnh phúc nhất Thế giới)…

Các văn hóa và tín ngưỡng lâu đời độc đáo đó, cũng là một “trường lực đặc biệt”, tạo nên sức hút thần bí cho miền đất của vó ngựa du mục giữa vô cùng tận màu xanh của cỏ và màu trắng miên man của tuyết, trên thảo nguyên Mông Cổ.

Từ nơi con đường tơ lụa đi qua, đến nơi vị Lạt Ma danh tiếng từng tới. Và rồi, ám ảnh nhất vẫn là những thảo nguyên bát ngát, các cung đường mướt xanh, dài như bất tận. Thi thoảng gặp các cỗ xe “độ” đầy đồ phượt: giá nóc, thùng nóc, lều nóc, lều ngang hông, các khoang chứa nước và đồ gia dụng phục vụ ăn ngủ ngất ngưởng.

Chúng ta vẫn quen miệng gọi đó là đồ camping (cắm trại), đồ outdoor (dã ngoại). Các thảo nguyên chi chít lều tròn du mục, các điểm cắm trại lãng mạn siêu tưởng với trăng mọc giữa ban ngày xanh biếc. Các cuộc trình diễn đồ outdoor trứ danh đủ mẫu mã.

Cái chất du mục không chỉ chảy tràn trong đời sống của các sắc dân vẫn ở lều tròn khắp các thảo nguyên Mông Cổ hiện nay, hơn thế, nó còn chảy trong huyết quản, lối sống, nếp nghĩ, sự thương mến ra với thiên nhiên hoang dã của phần đông dân chúng Mông Cổ, cả người nhà lầu xe hơi ở đô thị náo nức tắc đường, cả những doanh nhân thành đạt lái các cỗ xe triệu đô của các thương hiệu siêu đắt đỏ hay cả các mỹ nhân sực nức nước hoa xịn, đi xe “phượt thủ” mơ màng mà chúng tôi hay gặp dọc các trạm dừng nghỉ giữa thảo nguyên.

Lãng du Mông Cổ ảnh 13

Nhớ hôm ấy, chúng tôi được mời đi thăm Vườn Quốc gia danh tiếng của Mông Cổ – Hustai National Park, nơi có giống ngựa hoang Mông Cổ (chúng mang tên một nhà thám hiểm người Nga Nikolai Mikhailovich Przewalski, vì ông đã phát hiện ra chúng vào khoảng năm 1880 ở vùng Sa mạc Gobi rộng 1,3 triệu km2) gợi nhiều tò mò cho các tín đồ du lịch và bảo tồn thiên nhiên khắp thế giới.

Cưỡi ngựa, bắn cung, trên tuyêt trắng, đó là những hình ảnh hấp dẫn bậc nhất khi người ta nghĩ về Mông Cổ.
Cưỡi ngựa, bắn cung, trên tuyêt trắng, đó là những hình ảnh hấp dẫn bậc nhất khi người ta nghĩ về Mông Cổ.

Nơi này, tôi đi qua khu Cổng trời bát ngát, với những hòn đá nhăn nhúm nứt toác hình các con thú yêu thích của giới trẻ toàn cầu trong phim hoạt hình. Lại nữa, vượt qua một đỉnh dốc lan man hoa cỏ, bạn sẽ được nâng tầm ánh mắt, ánh nhìn của bạn bị hút mãi theo những lối mòn gợi cảm, để rồi thun thún chạy vào các khe núi xám nhẵn nhụi.

Trong bình minh, lúc hoàng hôn đỏ thắm, lúc lên đỉnh núi cao vòi nhìn xuống, tiền cảnh là bát ngát rừng lá kim, những dãy lều du mục mang một vẻ đẹp nao lòng. Nó khêu máu lãng du, nó khiến người ta hiểu rằng, với thiên nhiên cùng các tộc người kỳ thú như nơi này, thì chẳng cần một tiếng gọi mơ hồ nào cả. Ký ức trước mời gọi chuyến đi kế tiếp, khiến khách thương hồ trở thành kẻ nghiện xê dịch lúc nào chẳng hay…

Đương lúc ấy, các lối mòn cổ tích xẻ mơ màng dọc các triền núi thắm đã làm tôi thấm mệt. Lũ quạ ria cứng ngúc ngoắc cái đầu, trông rõ một gã đàn ông láu cá nhạ nhươi. Đôi chim sáo chân đỏ, mỏ đỏ mà dài vút cong vênh như cặp mỏ mò cá của lũ chim nước đang rình cá. Cặp đôi rù rì, ngẩn ngơ dấm dúi tiến vào nhau từng tí từng tí một.

Đôi chân xinh như tiên cảnh, cái cách gù tán nhau của chúng có gì đó mộc mạc… như quê nhà rơm rạ vậy. Mười giờ sáng, trăng vẫn vành vạnh. Đôi chim sáo yêu nhau với nền trời là ánh trăng thảo nguyên ban ngày. Đêm qua, trăng to, trời trong, tôi chụp trăng, nhìn rõ từng vết hõm nối đuôi nhau (nghe nói là miệng núi lửa) trên cõi của Chị Hằng.

Cỏ ướt đẫm sương, vài cây lá sắc lẻm, có cây thì tím rắt với các bông hoa tròn như quả bóng xanh tơ mĩ miều phủ đầy lông lá. Kỳ hoa dị thảo giăng hàng, có loài nấm tròn như quả trứng trắng lốp các lối đi. Nghe nói, đây là loài nấm hoang lành nhất, cả người Việt Nam lẫn nhiều quốc gia rất hay ăn, với vị thơm và thanh mát.

Tất nhiên là thận trọng kẻo dính nấm độc. Nấm càng nhiều màu thì càng độc, màu trắng là lành nhất. Hoa tím, hoa vàng, hoa trắng, hoa đỏ. Cả một chân trời vô tận cỏ hoa, chúng như lớp lông của con thú khổng lồ phủ phục qua nhiều dãy núi, nhiều thung sâu. Tôi nhẩm tính, theo thống kê, thảo nguyên chiếm 60% diện tích của đất nước Mông Cổ, thì có đến 900.000 km2 hoa cỏ đang tốt tươi rực màu ở miền đất của các chiến binh du mục ngay lúc này!

Cùng nữ lưu dân du mục vui cưỡi lạc đà hai bướu.
Cùng nữ lưu dân du mục vui cưỡi lạc đà hai bướu.

Toàn thảo nguyên bát ngát và cỏ xanh, các đàn gia súc đi ùn ùn tưởng như không bao giờ thấy được con cuối đàn hay cảnh chúng dừng lại… Cũng không có cả những trảng cỏ kiểu như hệ sinh thái savan (rừng cây bụi) ở châu Phi. Toàn cỏ là cỏ.

Giữa lúc đó, mùi hoa gì như oải hương hay hương thảo cứ thoang thoảng, có chút ngào ngạt, nhưng chút đăng đắng còn quyến rũ hơn thế. Chúng tôi lặng đi, ngơ ngác kiếm tìm. Ở nơi hoang vu, các giác quan của bạn sẽ hồi sinh và thính nhạy hơn sau những bụi bặm phố xá.

Những bông hoa đủ sắc màu, li ti như đồ chơi của các cô bé tí hon, hầu hết không hương sắc nhiều. Màu tím như oải hương và giữa lúp xúp cỏ lá như là màu hương thảo? Mùi hương gì đó, thoang thoảng mà đi khắp nửa buổi bình minh, nó vẫn vấn vít, có lúc đẫm đùa phủ kín cả một thung lũng với phông nền là những vách núi vỡ bửa như vốn dĩ được làm bằng bùn ướt mà bị động đất đội lên nức nở.

          

Người du mục trên thảo nguyên bảo, đó là hương cỏ. Cỏ thơm hăng hắc, nhưng đó là cái mùi của riêng biệt và ám ảnh. Sau mỗi lần dạo bước trên cỏ, tôi về lại lều Ger, mới nhận ra mình và trang phục được ướp hương cỏ vương vấn mãi. Hoa nở có thì, nở theo mùa và có khi sớm nở tối tàn, cỏ thơm thì từ thời các bộ lạc du mục mới sơ khai hình thành mấy chục nghìn năm trước, nó luôn thơm. Một mùi thơm không xuôi chiều vỗ tay theo ai cả. “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”, cái câu thở dài có gì đó cay đắng ở xứ ta, mang sang Mông Cổ, dạo trên đồng cỏ thơm, nghe càng thấm mãi.

          

Quan sát những người bạn cùng đoàn, tôi nghiệm ra, phải đi bộ vài lần trên thảo nguyên, mở lòng khá lâu và đủ trân quý cỏ dại, thì người ta mới nhận ra cái mùi thơm vô thiên lủng mà thoáng có thoáng không ấy. Thứ hương thiêng không dành cho những kiểu du lịch mì ăn liền,  – phi ra khỏi ô tô, 100% gương các ống kính, điện thoại lên chụp tự sướng rồi hô hố gọi nhau leo vội lên đường đi chếch-in tiếp.

Tôi nghiêng mình xin các linh hồn du mục nghìn năm xứ này, cho phép được ngắt một nắm cỏ thơm, bỏ vào ba lô mang về xứ mình. Quả thông bé xíu đẫm sương đêm, nắng rạng rỡ đủ 250 ngày mỗi năm kèm theo tuyết phủ tơi bời đã gội một nước thời gian đỏ đắn và gân guốc lên quả thông bé nhỏ ấy.

Ẩm thực du mục của Mông Cổ - danh bất hư truyền.
Ẩm thực du mục của Mông Cổ - danh bất hư truyền.

Lên máy may, tôi vô tình mở cành thông quả đỏ và dúm cỏ thơm ra. Chợt rùng mình, cái mùi hương du mục có thể khiến người ta tan chảy trong chốc lát.

Chốc lát, bỗng thấy tủi phận và có gì ghen tị với người của thảo nguyên. Họ mở cửa lều Ger, một tầm nhìn đáng ước ao của mọi kiếp nhân sinh hiện ra mỗi tinh mơ và cả mỗi chiều tà, trời đất ướp sẵn hương hoa, chưa cần đến “hoa nở trước thềm / trăng treo đầu ngõ”, chỉ mỗi cỏ dại trong gió vô tình kia đã đủ ướp tẩm trang phục của bạn thơm suốt nhiều ngày sau đó.

Thơm từ ký ức thơm ra.

Thơm đến giác ngộ.

Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Thiết kế: Hoàng Nam
Kỹ thuật: AICMS

Có thể bạn quan tâm

Trầm - Trân bảo từ “lằn ranh của sự tử tế”

Trầm - Trân bảo từ “lằn ranh của sự tử tế”

Ranh giới giữa thượng phẩm để dâng cúng tổ tiên và những sản phẩm “trà trộn, độn đầy”. Ranh giới của câu chuyện giá trị văn hóa và doanh thu. Ranh giới của niềm tin khi cuộc sống thường nhật nhan nhản những lời rao “nhà tôi ba đời” để lọc lừa nhân thế…
VNPT sẵn sàng cho cuộc đua Mobile Money

VNPT sẵn sàng cho cuộc đua Mobile Money

Tại Việt Nam, không thể phủ nhận cơ hội mà Mobile Money mang lại cho người dân, góp phần “bình dân hoá” dịch vụ tài chính số, với nhiều tiện ích trong giao dịch, thanh toán trên mọi vùng miền, đặc biệt các vùng sâu vùng xa