Theo một báo cáo chuyên đề “Những thách thức trong việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề nghị bỏ các điều kiện xuất khẩu hiện nay quy định trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP và thay bằng các điều kiện về chất lượng cho từng loại gạo theo một bộ tiêu chuẩn về chất lượng gắn với thương hiệu quốc gia.
Nên để cho các doanh nghiệp nhỏ tự xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam với khối lượng nhỏ để họ có thể khai phá các thị trường khó tính, thị trường ngách.
Thứ hai, Nhà nước không tham gia các hợp đồng tập trung và chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán trực tiếp bằng cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo, và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài. Việc xuất khẩu gạo theo thị trường tập trung với sự chi phối của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và các DNNN đang tạo ra động lực méo mó trong chuỗi giá trị lúa gạo, tức là chỉ chú trọng vào đảm bảo có hợp đồng gạo giá trị thấp, giá bán thấp và lãng phí cơ hội trồng giống khác, bán cho thị trường khác với thu nhập cao hơn.
Thứ ba, cần cổ phần hóa DNNN trong ngành lúa gạo và bỏ hết những quyền lực công ban cho VFA. VFA không thể có quyền quyết định trong việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên. VFA cần được cải tổ để có sự tham gia của người sản xuất trực tiếp và các thành viên có quyền và trách nhiệm như nhau.
Những khuyến cáo của CIEM chỉ là một trong các tiếng nói cất lên gần đây nhằm phản đối Nghị định 109/NĐ-CP/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là rất ngặt nghèo: (i) có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; (ii) có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; (iii) phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.
Trước khi có nghị định này, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo có lúc lên đến hơn 200 doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 109 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp đã giảm xuống, và đến nay theo con số chính thức của VFA có 145 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo. Số lượng doanh nghiệp thực sự tham gia xuất khẩu gạo có thể thấp hơn.
Theo phân tích của CIEM, quy định này đang tạo điều kiện cho VFA nắm vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo và tạo rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cụ thể, theo Điều 17 của Nghị định 109 các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sau khi ký hợp đồng xuất khẩu phải đăng ký với VFA trong vòng ba ngày làm việc. Theo quy định của Thông tư 44/2010/TT-BCT hướng dẫn thi hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP, đăng ký nghĩa là nộp bản sao hợp đồng trong đó có giá gạo xuất khẩu và báo cáo về lượng thóc, gạo có sẵn của doanh nghiệp.
VFA có quyền yêu cầu Sở Công Thương tỉnh xác minh lượng thóc, gạo đã báo cáo và do đó có khả năng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp. Ngoài ra, thương nhân xuất khẩu gạo còn phải báo cáo tiến độ thực hiện hợp đồng với VFA.
Theo CIEM, những quy định pháp luật hiện nay đang tạo ra một lợi thế rất lớn cho các DNNN trong xuất khẩu gạo. Điều này có vẻ đi ngược lại tinh thần bình đẳng của Hiến pháp 2013 là “Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (Điều 51, khoản 2). Thêm vào đó, các quy định này tạo ra nhiều không gian cho sự tùy tiện của cơ quan công quyền khi được yêu cầu xác nhận thông tin về lượng gạo có sẵn của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho tham nhũng.
Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng lớn chủ yếu là nhờ các hợp đồng chính phủ hay còn gọi là các hợp đồng tập trung. Các hợp đồng này thường được giao cho VFA quản lý và phân bổ cho các thành viên của hiệp hội. Trong khi đó các DNNN như Vinafood I và Vinafood II là những doanh nghiệp đứng đầu VFA và thông thường lãnh đạo của các công ty này cũng là chủ tịch của VFA. Các doanh nghiệp này chủ yếu tham gia các khâu cuối của hoạt động xuất khẩu và dựa nhiều vào hợp đồng liên chính phủ.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn