Trà đậm vị Việt Nam tự tin "so găng" trong cơn sốt matcha toàn cầu

banner-youtube-phu-nu-nguoi-co-anh-huong-suc-khoe-phat-truc-tiep-xanh-la.jpg

Giữa làn sóng "xanh" matcha đang càn quét thị trường đồ uống, trà Việt Nam vẫn tự tin khẳng định vị thế độc đáo của mình. Không hề lép vế trước sự mới lạ và hấp dẫn của matcha, trà Việt với hương vị đậm đà, truyền thống, mang trong mình cả một nền văn hóa thưởng trà lâu đời. Sự tự tin này không chỉ đến từ chất lượng và hương vị đặc trưng mà còn từ niềm tự hào về một thức uống đã gắn bó mật thiết với đời sống và văn hóa của người Việt qua bao thế hệ.

VỊ THẾ TRÀ VIỆT

Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến một "cơn sốt" đồ uống matcha lan rộng với tốc độ đáng kinh ngạc, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Matcha, loại bột trà xanh mịn trong văn hóa trà đạo của Nhật Bản không chỉ chinh phục khẩu vị của giới trẻ mà còn được ưa chuộng bởi nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trên toàn cầu, matcha xuất hiện trong vô vàn biến tấu hấp dẫn, từ latte, đá xay, trà sữa đến các món tráng miệng và thậm chí cả trong ẩm thực. Sự phổ biến này được thúc đẩy bởi hương vị độc đáo, màu xanh bắt mắt và những lợi ích sức khỏe tiềm năng mà matcha mang lại.

Tại Việt Nam, "cơn sốt" matcha cũng diễn ra hết sức sôi động. Các quán cà phê, trà sữa, và cửa hàng đồ uống liên tục cập nhật các món mới với hương vị matcha làm chủ đạo. Báo cáo Thị trường Kinh doanh Ẩm thực năm 2024 của đơn vị chuyên cung cấp giải pháp cho ngành F&B ở Việt Nam chỉ ra rằng thị trường F&B năm ngoái chứng kiến sự trỗi dậy của đồ uống matcha, thức uống vươn lên dẫn đầu với 29,6% đơn vị lựa chọn trở thành xu hướng đáng chú ý năm 2024.

10-su-that-thu-vi-ve-matcha-thuc-uong-noi-tieng-tai-nhat-ban-1.jpg
Đồ uống matcha và phong cách pha trà của Nhật Bản đang trở thành xu hướng rất phổ biến

Cũng trong khảo sát của IPOS.vn, nhiều người tiêu dùng cho biết sẵn sàng trả thêm từ 10.000-20.000 đồng để đổi lấy loại matcha pha tốt nhất.

Rõ ràng, matcha không chỉ là một xu hướng nhất thời mà đang dần khẳng định vị thế là một trong những loại đồ uống được phần đa người dùng yêu thích. Trong khi đó, trà đậm vị, từng là xu hướng nổi bật năm 2023 có dấu hiệu đi đến điểm bão hòa vào năm 2024.

Tuy nhiên dưới góc độ doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thị trường trà và sản xuất trà thủ công, bà Trần Thị Mai Phương, Fouder & CEO Hệ thống An Nhi trà nhận định rằng, matcha tại Nhật Bản đã vươn mình thành một nét văn hóa trà đạo sâu sắc. Trái lại, khi "du nhập" vào Việt Nam, matcha lại nghiêng về khía cạnh "giải khát – giải trí – thẩm mỹ", tập trung vào trải nghiệm thị giác và sự sảng khoái tức thời hơn là thưởng thức trọn vẹn giá trị nguyên bản của trà.

z6548628359809-4b838a2bdadddc6cf7716ccfa4ce9a01.jpg
Bà Trần Thị Mai Phương, Fouder & CEO Hệ thống An Nhi trà

“Do vậy, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của matcha trên thị trường đại chúng Việt Nam không hề làm lu mờ đi những dòng trà truyền thống, trà thủ công tỉ mỉ hay những di sản trà lâu đời vẫn âm thầm được trân trọng và gìn giữ”, bà Phương nhìn nhận.

Với hơn hai thập kỷ gắn bó cùng trà, rong ruổi nghiên cứu tại gần 30 quốc gia, nghệ nhân văn hóa trà Việt Nam Đào Đức Hiếu tự tin khẳng định, trà Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành nguyên liệu matcha chất lượng cao, sánh ngang với những sản phẩm trứ danh từ Nhật Bản.

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu phân tích, về nguyên tắc, bất cứ trà xanh nào được canh tác và chế biến đúng kỹ thuật đều có thể nghiền thành bột mịn để làm matcha. Tuy nhiên, matcha Nhật Bản (như Uji, Nishio, Shizuoka…) được sản xuất từ lá Tencha – lá trà được che tán trong 20–30 ngày cuối trước khi hái, giúp lá tích lũy nhiều chlorophyll, theanine, giảm tannin, cho bột matcha mượt mà, vị umami đậm đà.

Ở Việt Nam, một số vùng chè cao nguyên (Bảo Lộc, Lâm Đồng), chè Shan tuyết (Yên Bái, Hà Giang) hoàn toàn có thể áp dụng mô hình che tán để làm Tencha. Với những nỗ lực này, matcha “made in Vietnam” đang dần tiệm cận matcha Nhật Bản ở phân khúc pha chế và chế biến. Để đạt chuẩn matcha uống trực tiếp (usucha, koicha) như Nhật, vẫn cần tối ưu hơn nữa khâu che tán, sấy và nghiền, đòi hỏi đầu tư thiết bị và chuyển giao công nghệ sâu.

“Tôi cho rằng Việt Nam đang phát huy tốt thế mạnh về trà của mình. Bởi vốn dĩ matcha là ưu thế của Nhật Bản, chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất và tiệm cận với công nghệ của họ trong sản xuất Matcha, tuy vậy biết tận dụng điểm mạnh chế biến trà khô vẫn là hướng đi phù hợp với Việt Nam”, nghệ nhân Đào Đức Hiếu nói.

HƯỚNG ĐI TIỀM NĂNG CỦA TRÀ ĐẬM VỊ VIỆT NAM

Giữa “cơn sốt” matcha toàn cầu và sự xâm nhập của vô vàn loại đồ uống ngoại nhập, trà đậm vị truyền thống của Việt Nam vẫn âm thầm nắm giữ một tiềm năng phát triển độc đáo. Thay vì cố gắng cạnh tranh trực tiếp với sự phổ biến của matcha ở phân khúc thị trường đại chúng, hướng đi tiềm năng cho trà Việt nằm ở việc khai thác và tôn vinh những giá trị cốt lõi: hương vị đặc trưng, câu chuyện văn hóa, và sự tinh tế trong từng chén trà.

Việc tập trung vào chất lượng nguyên liệu, quy trình chế biến thủ công tỉ mỉ, và xây dựng trải nghiệm thưởng trà đậm đà bản sắc Việt có thể tạo ra một phân khúc thị trường riêng, thu hút những người trân trọng sự nguyên bản và muốn khám phá chiều sâu văn hóa ẩn chứa trong mỗi lá trà. Hơn nữa, việc kết hợp trà truyền thống với các yếu tố hiện đại một cách sáng tạo cũng mở ra những cơ hội mới để trà Việt tiếp cận giới trẻ và khẳng định vị thế trên thị trường đồ uống đa dạng ngày nay.

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu gợi mở cho các doanh nghiệp trà một số hướng đi tiềm năng để phát triển trà đậm vị của Việt Nam trở thành những thức uống bắt kịp xu hướng hiện đại. Theo nghệ nhân, trà ô long, shan tuyết, chè mạn nguyên bản Việt Nam vốn đã hấp dẫn bởi hương vị đậm đà, hậu vị ngọt sâu, việc “bắt nhịp” cùng xu hướng matcha không chỉ là nghiền bột còn có thể biến tấu pha chế các món trà “lai” theo phong cách latte shan tuyết, cold brew ô long, trà sữa hữu cơ kết hợp bột matcha Việt, tạo trải nghiệm đa dạng.

z6183153377504-cb64ece4655ab1fc2041752e704e518f.jpg
Nghệ nhân văn hóa trà Việt Đào Đức Hiếu (áo dài xanh) vinh dự được pha trà mời Thủ tướng Phạm Minh chính cùng các vị lãnh đạo cấp cao trong và ngoài nước đến thăm Việt Nam

Hoặc có thể dùng bột trà ô long, shan tuyết hoặc matcha Việt trong bánh ngọt, kẹo, kem, vừa giữ vị đậm đặc trưng, vừa phù hợp khẩu vị đại chúng. Một hướng đi cho các doanh nghiệp trà có thể phát triển đồ uống đóng chai/ lon trà lạnh (sparkling tea), trà kết hợp thảo mộc Việt (sen, nhài, gừng), hoặc bổ sung collagen, vitamin… đón đầu xu hướng healthy.

Học hỏi từ matcha Nhật là xây dựng câu chuyện trà từ canh tác hữu cơ, chỉ dẫn địa lý, đến trải nghiệm văn hoá (trà đạo). Việt Nam có thể phát triển tương tự, kết hợp tour trà – homestay, workshop chế biến, nghi thức thưởng trà, trải nghiệm ẩm thực vùng miền.

“Trà Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để không chỉ là “nguyên liệu xuất khẩu” mà còn là thương hiệu quốc gia, khi kết hợp tinh hoa truyền thống với đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài nước”, nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ.

Đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp trà Việt Nam, nữ doanh nhân Mai Phương nhận định, doanh nghiệp trà Việt sở hữu những lợi thế cạnh tranh tiềm năng, bắt nguồn từ bề dày văn hóa và sự đa dạng thổ nhưỡng của đất nước. Di sản trà phong phú và độc đáo là một điểm tựa vững chắc. Trải qua bao thế hệ, người Việt đã hình thành những phương pháp trồng, chế biến và thưởng trà mang đậm bản sắc riêng, khác biệt với các quốc gia khác.

Câu chuyện về những vùng trà cổ thụ, những bí quyết gia truyền là nguồn cảm hứng bất tận để xây dựng thương hiệu và thu hút những người trân trọng giá trị truyền thống. Việc tận dụng những điểm mạnh này một cách hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp trà Việt khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Xem thêm

Thị trường đồ uống bổ trợ sức khoẻ lên ngôi

Thị trường đồ uống bổ trợ sức khoẻ lên ngôi

Thị trường đồ uống chức năng toàn cầu đang duy trì được phong độ tăng trưởng ổn định, trong đó Trung Quốc nổi lên như một động lực quan trọng với nhu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng…

Có thể bạn quan tâm

Chiêu lừa đảo gây "náo loạn" mùa du lịch 30/4

Chiêu lừa đảo gây "náo loạn" mùa du lịch 30/4

Không chỉ một mà rất nhiều khách hàng đã đồng loạt lên tiếng về một chiêu thức lừa đảo, một “kịch bản” quen thuộc được các trang fanpage khách sạn “dàn dựng” nhằm chiếm đoạt tài sản…