Faros là nhà thầu chính của nhiều dự án lớn của Tập đoàn FLC
Ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên ngày mai (5/5/2017), Faros công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất về kết quả kinh doanh quý 1/2017.
Theo đó, tổng thu nhập quý đầu năm đạt 952,5 tỷ đồng, tăng gần 42%, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 92,1 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 854,5 tỷ đồng, doanh thu tài chính chủ yếu từ tiền gửi, cho vay hơn 43,98 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, doanh thu tăng là do công ty mẹ mở rộng quy mô, kí được nhiều hợp đồng thi công có giá trị lớn nên doanh thu từ xây lắp tăng mạnh. Nhờ đó, cải thiện lợi nhuận trong kỳ này.
Theo BCTC hợp nhất quý 1, tổng tài sản của Faros đã giảm hơn 9,4% so với đầu năm, xuống còn 7.427 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính hơn 1.547 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.367 tỷ đồng mà chiếm hơn một nửa là tiền trả trước cho người bán.
Giá trị hàng tồn kho giảm nhẹ ở mức 685 tỷ đồng so với mức 834 tỷ đồng hồi đầu năm nay.
Còn tài sản dài hạn của Faros vẫn duy trì ở mức 2.468 tỷ đồng, gồm các tài sản cố định, bất động sản đầu tư, chi phí xây dựng dở dang, đầu tư vào công ty liên kết…
Trên báo cáo ghi nhận Faros có hơn 671,38 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Và theo tài liệu ĐHCĐ, hội đồng quản trị đã trình ý kiến cổ đông sẽ chia cổ tức của năm 2016 với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu để tiếp tục tăng vốn.
Với việc mở rộng đầu tư không ngừng, quy mô nợ của Faros cũng tăng nhanh trong thời gian qua. Song đến cuối quý 1, nợ phải trả giảm từ mức 3.273 tỷ đồng xuống còn 2.406 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tới 92,5% là nợ ngắn hạn, bao gồm các khoản phải trả trước người bán (584 tỷ đồng), người mua trả tiền trước (498 tỷ đồng), chi phí ngắn hạn 550 tỷ đồng…
Nợ và nợ thuê tài chính của Faros trong ngắn hạn, dài hạn điều ở mức rất nhỏ, tổng cộng khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Thuyết minh BCTC cho thấy những khoản đầu tư tài chính của Faros với giá trị lên tới hơn 1.546 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở 6 công ty. Cụ thể, đầu tư ngắn hạn vào Damexco (227 tỷ đồng), Công ty FLC Golf & Resort (121,6 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư & Thương mại SCO (326,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Phương Đông (421 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư & Xây dựng An Du (389 tỷ đồng), Newland Holdings Việt Nam (18,7 tỷ đồng)…
Hết tháng 3/2017, vốn điều lệ của công ty vẫn duy trì ở mức 4.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 5.020 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu ROS liên tục gây bất ngờ cho nhà đầu tư với mức tăng kỷ lục lên 177.000 đồng/CP hồi tháng 3, tức cao gấp 17,7 lần mệnh giá cổ phần. Sau đó, giá cổ phiếu ROS có nhiều đợt giảm mạnh, xuống mức thấp 151.000 đồng/CP ghi nhận trong vòng 2 tháng gần đây. Hiện, ROS giao dịch quanh mức 158.000-161.000 đồng/CP. Khối lượng giao dịch đạt từ 3-7 triệu cổ phiếu mỗi phiên với giá trị giao dịch có thời điểm đạt gần 1.200 tỷ đồng./.
>> FLC Faros dự kiến doanh thu hơn 4.900 tỷ đồng, cổ tức 10% bằng cổ phiếu