Ngày 28/4/2025, Công ty Cổ phần FECON (mã chứng khoán: FCN) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Theo đó, năm nay, FCN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 30 tỷ đồng.
ĐƯỢC ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU DỰ ÁN TOD
Tại phiên thảo luận, cổ đông muốn biết về nguồn vốn đầu tư dự án lớn của FCN. Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị FECON cho hay, FECON xác định các dự án đều có đối tác đầu tư đi cùng, doanh nghiệp không đầu tư 100%.
Đối với các dự án bất động sản, TOD có quy mô lớn hơn 20.000 tỷ đồng, FCN chỉ đầu tư phần nhỏ hơn 50% và tham gia với vai trò điều hành, nguồn vốn chủ yếu từ nhà đầu tư nước ngoài.
Trong phát triển dự án TOD, FECON đang nghiên cứu với nhà đầu tư của Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng việc được đầu tư hay không lại phụ thuộc vào chính quyền các thành phố.
“Doanh nghiệp đang sàng lọc được 3 dự án để lên kế hoạch chi tiết đầu tư, nhưng chưa thể chia sẻ thông tin dự án theo yêu cầu bảo mật của Nhà nước. FECON có vị thế nên được ưu tiên nghiên cứu đầu tiên”, Chủ tịch FECON khẳng định.
Sau phần đầu tư dự án TOD, cổ đông cũng hỏi thêm, sắp tới FECON ưu tiên mảng thầu thi công hay đầu tư? Lãnh đạo Fecon bày tỏ, công ty có kế hoạch tăng trưởng cả hai mảng. Trong đó, mảng đầu tư 5 năm qua rất khó khăn, song, gần đây công tác triển khai dự án đã tích cực, nên điểm rơi lợi nhuận vào năm 2025 – 2027.
Mảng hạ tầng ưu tiên của FECON là các dự án ngầm đô thị, đường sắt đô thị, dự án cảng, tuyến đường sắt quốc gia. Đại diện của FECON cũng thông tin thêm, doanh nghiệp không quá “đắm đuối” vào mảng đầu tư, mà từ năm 2027 trở đi, thi công xây dựng sẽ chiếm đến 60% lợi nhuận, còn mảng đầu tư chỉ chiếm 40%. Mục tiêu của FCN là tích lũy tài sản, các mảng hạ tầng, công trình ngầm, cảng được tập trung đầu tư, từ đó, trở thành đơn vị thi công top 1, top 2 cả nước.
Tiếp tục phiên thảo luận, cổ đông đề nghị ban lãnh đạo FCN cho ý kiến về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị FCN cho biết, doanh nghiệp tư nhân có vai trò rất quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Bởi doanh nghiệp tư nhân có khả năng đột phá. Tuy nhiên, doanh nghiệp xây dựng như FECON không có nhiều cơ hội. Dù vậy FECON cam kết với Chính phủ khi có cơ hội sẽ tham gia.
Ông Khoa cũng đề xuất, Chính phủ cần thay đổi cơ chế, định mức đơn giá, tăng khả năng tiếp cận các dự án cho nhà thầu tư nhân, ưu đãi thêm về đất đai thì doanh nghiệp tư nhân mới phát triển được.
Về ảnh hưởng thuế quan của Mỹ, Chủ tịch FCN đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là các doanh nghiệp sản xuất.
Tuy nhiên, FECON vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp, một số dự án chuẩn bị ký hợp đồng thì chỉ đầu tư lại do dự, các dự án khu công nghiệp FECON đã trao đổi về đặt cọc diện tích khu công nghiệp sớm, nhưng sau thông tin thuế quan hoạt động này bị chững lại.
Trong thời gian tới, FCN tiếp tục theo dõi diễn biến đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ để đưa ra lựa chọn phù hợp. Trước mắt, FECON chọn các khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế, để lấy ngắn nuôi dài, còn về sau vẫn trông chờ vào đàm phán.
KHÔNG CHIA CỔ TỨC NĂM 2024
Tại Đại hội, FECON đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025. Cụ thể, doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 565% so với kết quả thực hiện của năm 2024. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, Hội đồng quản trị FECON không chia cổ tức năm 2024.
Báo cáo tại đại hội, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị FECON cho biết, năm 2025, FECON nâng cao năng lực quản lý dự án thông qua đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển năng lực đội ngũ của khối quản lý dự án (tuyển mới và phát triển đội ngũ năng lực hiện tại).
FECON triển khai các chương trình đào tạo toàn hệ thống, chuẩn bị nguồn lực cho các dự án trong chiến lược mảng hạ tầng ngầm và đường sắt tốc độ cao; thiết lập sổ tay thi công vận hành máy đào hầm TBM. Đồng thời, đảm bảo sự tham gia của các Ban dự án ngay từ công tác đấu thầu để kịp thời nắm bắt thông tin và tham vấn chuyên môn.
Ngoài ra, FCN cũng phát triển nguồn lực thi công trực tiếp thông qua đầu tư máy móc thiết bị đặc chủng và chủ lực, song song phát triển nguồn nhân lực thi công trực tiếp; tăng cường đội ngũ quản lý và sửa chữa bảo dưỡng thiết bị tương ứng với tốc độ gia tăng thiết bị. Tổng mức đầu tư máy móc thiết bị dự kiến 91 tỷ đồng.
Về mặt quản lý tài chính, công ty tăng cường tốc độ thu hồi công nợ thông qua thu hồi công nợ tồn đọng và khó đòi bằng cách đa dạng hóa các biện pháp thu đòi công nợ, công nợ dự án đang triển khai; đẩy nhanh tốc độ nghiệm thu.
Với hoạt động phát triển kinh doanh, FECON tối ưu giá đấu thầu, tăng cường đánh giá, sàng lọc dự án. Tăng cường đánh giá, tổng kết bài học kinh nghiệm sau khi đấu thầu, chào giá để tối ưu giá biện pháp thi công và chi phí so với hồ sơ mời thầu.
Hơn nữa, FECON xây dựng năng lực pháp lý của mảng hạ tầng công trình ngầm; xây dựng năng lực thiết kế; xây dựng biện pháp và tổ chức thi công cho dự án hạ tầng công nghiệp mới (đường sắt cao tốc, hạ tầng ngầm), công nghiệp nặng và năng lượng. Bổ sung các năng lực chứng chỉ cần thiết phục vụ cho công tác đầu thầu và triển khai.
Doanh nghiệp sẽ xây dựng mạng lưới đối tác khách hàng chiến lược cho dự án hạ tầng công nghiệp mới, công nghiệp nặng và năng lượng. Liên danh liên kết với các tổng thầu hàng đầu Việt Nam và Tổng thầu EPC nước ngoài để tham gia đấu thầu.
Đồng thời, Công ty Cổ phần FECON thực hiện nghiên cứu và triển khai M&A doanh nghiệp thi công hạ tầng để đáp ứng mục tiêu phát triển mảng chiến lược về hạ tầng công nghệ mới.
Nhìn lại năm 2024, FECON ghi nhận doanh thu hợp nhất ở mức 3.375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỷ đồng. Theo đó, năm 2024 FECON chỉ đạt 84% doanh thu và 50% lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.
Năm qua, FECON tiếp tục triển khai và hoàn thành các hợp đồng dự án đã ký từ năm 2023 và các năm trước như: dự án Metro Line 3 Hà Nội, dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4 ở Đồng Nai, dự án nhiệt điện Vũng Áng 2, Hà Tĩnh, dự án A09 số 10 Trần Kim Xuyến Hà Nội, dự án A06 khu đô thị Starlake Hà Nội, dự án Vũ Yên Vinhomes Hải Phòng...
Các dự án lớn mới ký kết hợp đồng đầu năm 2024 đã triển khai gồm Trụ sở Công An tỉnh Quảng Ninh, hạ tầng Cảng Lạch Huyện 5 - 6, Cảng Mỹ Thủy, khu công nghiệp Đồng Văn 3, khu đô thị Hà Khánh, khu đô thị Nam Thái…