Theo Forbes Việt Nam, năm 2015, SSI tiếp tục giữ vị trí số 1 trong các công ty môi giới chứng khoán với lợi nhuận sau thuế đạt 852 tỷ đồng, tăng 14,5%. Về thị phần, SSI nắm 12,31% thị phần môi giới toàn thị trường, tăng 10,4% so với năm trước.
Nhóm các doanh nghiệp trong danh sách này được Forbes phân chia theo lĩnh vực gồm: bảo hiểm (BVH, PVI), ngân hàng (VCB, ACB), chứng khoán (SSI, HSC), bất động sản (VIC, DXG, NLG, KDH, HDG, CTD, CII), công nghệ (FPT), bán lẻ (PNJ, MWG), hàng hóa gia dụng (GDT, LIX, TLG, CAV, DQC, RAL, TCM), chăm sóc sức khỏe (DHG, TRA).
Ngoài ra còn có ngành nông nghiệp và ngành phụ trợ (DPM, SBT, PAN, VHC), logistics (DVP, VSC, NCT, GMD, VNS), tiện ích (GAS, NT2), nguyên vật liệu xây dựng (HPG, NTP, HT1, VCS, BMP, HSG), ô tô và phụ tùng (PAC, DRC, PLC), thực phẩm và dịch vụ ăn uống (KDC, VNM), đa ngành (MSN, REE).
Danh sách xếp hạng Forbes đưa ra hầu hết là các công ty dẫn đầu trong từng lĩnh vực kinh doanh, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua đổi mới sản phẩm, công nghệ, sáng tạo trong cung ứng dịch vụ. Theo dữ liệu thống kê, 50 công ty trong danh sách có giá trị vốn hóa 829.010 tỷ đồng, chiếm 62,14 % giá trị vốn hóa thị trường (theo mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/05/2016).
Tổng giá trị doanh thu của 50 công ty đạt 475.546 tỷ đồng, bằng 37,77% của toàn thị trường. Lợi nhuận sau thuế đạt 53.482 tỷ đồng, chiếm 53,08% toàn thị trường.
Theo phương pháp của Forbes với phần tính toán định lượng, ở vòng sơ loại, hơn 700 cổ phiếu niêm yết được sắp xếp theo từng nhóm ngành. Những cổ phiếu đang thua lỗ hay trong quá trình hủy niêm yết, có giá trị vốn hóa dưới 300 tỷ đồng và doanh thu dưới 150 tỷ đồng đều không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách. Các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: Tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời ROE, ROA và tăng trưởng EPS giai đoạn 2011- 2015.
Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng – Chủ tịch Công ty TNHH Truyền thông tương tác Forbes Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phức tạp mà cơ hội và khó khăn, thử thách đều ngang nhau.
Cơ hội đang tiếp tục được mở ra từ thị trường đông dân với cơ cấu dân số trẻ và nhu cầu tiêu dùng lớn, từ cánh cửa hội nhập với khu vực và thế giới với việc tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Thách thức đồng thời đến từ chính những vấn đề thể chế nội tại, về môi trường kinh doanh chưa hoàn hảo và sự hạn chế về năng lực của giới doanh nghiệp Việt Nam, trong khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên sân nhà cũng như trên thị trường quốc tế.
Mai Lan