Giá lợn hơi (14/11) ghi nhận giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg trên cả nước, dao động quanh mức 48.000 - 55.000 đồng/kg.
Miền Bắc: Giảm rải rác
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc giảm rải rác, dao động trong khoảng 49.000 – 50.000 đồng/kg.
Cụ thể, lợn hơi tại Yên Bái và Phú Thọ giảm 1.000 đồng/kg xuống 49.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất khu vực cùng với Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang.
Các địa phương còn lại ghi nhận mức giá không biến động là 50.000 đồng/kg.
Miền Trung – Tây Nguyên: Giảm cao nhất 2.000 đồng/kg
Giao dịch lợn hơi tại khu vực này giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg tại vài địa phương và dao động từ 48.000 - 52.000 đồng/kg.
Theo đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, Bình Thuận vẫn là địa phương có giá cao nhất khu vực là 52.000 đồng/kg. Ngược lại, Nghệ An có giá thu mua thấp nhất là 48.000 đồng/kg.
Tương tự mức giảm, Khánh Hòa ghi nhận giá lợn hơi là 49.000 đồng/kg cùng Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Riêng tại Lâm Đồng, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, hiện địa phương này thu mua lợn hơi ở mức 51.000 đồng/kg.
Miền Nam: Nhiều địa phương giảm 1.000 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương, dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.
Trong đó, sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg, Hậu Giang và Sóc Trăng đang thu mua lợn hơi cùng mức 51.000 đồng/kg, ngang với Bến Tre.
Tương tự, TP.HCM, Tây Ninh, Vĩnh Long và Cần Thơ đang thu mua lợn hơi với mức 52.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất 55.000 đồng/kg vẫn thuộc về Cà Mau.
Giá lợn hơi bình quân cả nước đang giảm xuống 50.900 đồng/kg. Xu hướng giảm giá cũng được ghi nhận tại trường Trung Quốc khi giá lợn hơi tại đây xuống 49.000 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm liên tục trong thời gian qua là do diễn biến dịch tả lợn châu Phi ngày càng nghiêm trọng, bùng phát mạnh ở hầu hết tất cả các tỉnh. Lượng lợn hơi liên tục bán tháo chạy dịch khiến thị trường giá chưa thể đảo chiều.
Nguyên nhân bệnh tái bùng phát và có chiều hướng lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức thực hiện tốt biện pháp phòng chống. Đặc biệt, người chăn nuôi giấu dịch, bán lợn bệnh, phát hiện lợn bị bệnh không báo cáo cho chính quyền địa phương do tâm lý không nhận được hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu hủy.
Trước diễn biến dịch bệnh đang xảy ra tại nhiều vùng trên cả nước, một số nơi đã ban hành quy định người chăn nuôi, người giết mổ, cơ sở giết mổ, hộ kinh doanh buôn bán thịt lợn phải áp dụng nghiêm biện pháp "5 không": không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, thịt lợn chết, không vứt lợn chết ra ngoài môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt.