Giá vàng thế giới bất ngờ tăng hàng chục USD/ounce khi thị trường đón nhận nhiều yếu tố tác động.
Giá vàng bước vào vào lãnh thổ tích cực khi kết quả khảo sát của Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho thấy chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 5 đã giảm nhiều so với dự báo.
Cụ thể, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống 50,3% trong tháng trước, giảm so với mức 51,9% được ghi nhận trong tháng 4. Theo dự báo đồng thuận, các nhà kinh tế đang tìm kiếm mức tăng 52,6%. Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Những người tham gia thị trường đang băn khoăn trước quyết định lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tại thời điểm này, họ cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất trong tương lai.
Thị trường vàng đã chứng kiến sự phục hồi vững chắc từ mức hỗ trợ trên 1.950 USD/ounce và dữ liệu kinh tế đáng thất vọng đang tạo ra động lực mới cho nhu cầu trú ẩn an toàn.
Thị trường lao động cũng mất đà vào tháng trước, với chỉ số việc làm rơi vào vùng thu hẹp với mức 49,2%, giảm so với mức 50,8% trong tháng 4.
Các nhà phân tích cho rằng vàng đang có động lực mới khi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng có thể buộc Fed phải chấm dứt việc tăng lãi suất. Phản ứng với dữ liệu ISM, các thị trường nhận thấy hơn 85% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới nhưng 50% dự đoán về việc tăng lãi suất vào tháng 7.
Cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng nhẹ và duy trì quanh 67 triệu đồng/ lượng. Hiện tại, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,55 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,17 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng/lượng so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng PNJ đang mua vào ở mức 66,4 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 67 triệu đồng/ lượng. Vàng Bảo tín Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 66,47 triệu đồng/ lượng mua vào và 67,03 triệu đồng/ lượng bán ra.
Vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold được thu mua ở mức 55,95 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 56,445 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.400 – 24.856 VND (mua – bán), đi ngang chiều mua và tăng mạnh 29 VND chiều bán so với phiên trước.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay một số đi ngang, một số tăng so với phiên trước. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.300 – 23.670 VND, tăng 20 VND cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
BIDV niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.350 – 23.650 VND, tăng 20 VND cả chiều mua và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.325 – 23.670 VND, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Eximbank niêm yết giá mua - bán USD giao dịch ở mức 23.270 – 23.650 VND, tăng 20 VND chiều mua, và tăng 10 VND chiều bán so với mức niêm yết trước.
Giá USD tự do ở mức 23.458 – 23.508 VND (mua vào - bán ra), không đổi so với ngày hôm qua.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (không bao gồm thuế, phí) là 11 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent tăng 58 cent, tương đương 0,76%, lên mức 76,71 USD/thùng; dầu WTI của Mỹ tăng 41 cent, lên mức 72,15 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất trong phiên là 75,06 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng mạnh ngay sau khi OPEC+ quyết định cắt giảm tiếp sản lượng từ tháng 7 kéo dài đến hết năm sau. Theo Reuters, Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết sản lượng của vương quốc này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Đây cũng là mức cắt giảm lớn nhất trong nhiều năm và nằm trong thỏa thuận chung của OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024 khi liên minh tìm cách khôi phục lại giá dầu.
OPEC+ cung ứng khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới. Nhóm này đã cắt giảm mục tiêu sản lượng tổng cộng 3,6 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu. Nhà phân tích của Price Futures Group, ông Phil Flynn, nhận xét thị trường đang cố gắng đánh giá tác động của việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út thực sự có nghĩa là gì bởi đa phần các chuyên gia đều nhận định, thị trường năng lượng dường như vẫn rất lạc quan.
Hồi tháng 4, sau khi các thành viên OPEC+ tuyên bố cắt giảm tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày từ tháng 5, giá dầu thế giới đã vọt lên gần 9%. Tuy vậy, đà tăng của giá đã không thể kéo dài và giảm dần sau đó, xuống dưới mốc 80 USD/thùng. Lần nay, các dự báo cho thấy, giá dầu sẽ biến động liên tục và tăng trong những tuần tới, nhưng ở tốc độ tăng vừa phải. Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent giao tháng 12 năm nay có thể tăng lên từ 1 - 6 USD/thùng tùy thuộc vào thời gian Ả Rập Xê Út duy trì sản lượng ở mức 9 triệu thùng/ngày.