Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng 3,2 USD lên mức 1.966 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.982 USD/ounce, tăng 5 USD so với sáng ngày trước đó. Như vậy, kết thúc tháng 5, vàng đã giảm 36 USD, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2.
Kim loại quý trong phiên giao dịch giữa tuần được thúc đẩy nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trước những lo ngại liên quan đến việc thỏa thuận về nâng trần nợ có thể gặp phải trở ngại trước Quốc hội. Vào cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề trần nợ.
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong hai năm, giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số các dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA nhận xét: "Đối với vàng, thỏa thuận về trần nợ được thông qua không phải là tin xấu vì những nội dung trong thỏa thuận, bao gồm việc thắt chặt chi tiêu đáng kể, sẽ là một đòn giáng mạnh vào triển vọng kinh tế và có khả năng gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn nhiều".
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, kim loại vàng giữ được mức tăng khiêm tốn ngay cả khi thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ, với số lượng việc làm tăng nhiều hơn dự kiến.
Kết quả khảo sát cơ hội việc làm và doanh thu lao động hàng tháng (hay còn gọi là báo cáo JOLTS) của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động, đã tăng lên mức 10,1 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 5, cao hơn dự đoán 9,41 triệu của các nhà phân tích.
Dữ liệu mới này có thể sẽ hỗ trợ thêm cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 6. Công cụ CME FedWatch cho thấy, khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng tới đã tăng lên trên 73%.
Báo cáo của JOLTS rất đang được quan tâm bởi Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ rằng ủy ban cần nhìn thấy một thị trường lao động yếu hơn trước khi có thể tự tin rằng họ đã kiểm soát được lạm phát và tạm dừng lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Thị trường vàng trong nước tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng 1/6, công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 66,5 triệu đồng/lượng; bán ra là 67,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên giao dịch 31/5.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng. So với cuối giờ chiều 31/5, giá vàng tại DOJI đứng yên ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng PNJ tại Hà Nội và TP.HCM giao dịch ở mức 66,50 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); không đổi ở chiều mua và bán.
Giá vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 66,47 - 67,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giữ nguyên ở chiều mua và chiều bán.
Vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold được thu mua ở mức 56,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 56,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.400 – 24.865 VND (mua – bán), đi ngang chiều mua và tăng 16 VND chiều bán so với phiên trước.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay tăng so với phiên trước. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.290 – 23.660 VND, tăng 10 VND cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.320 – 23.665 VND, tăng 10 VND cả chiều mua vào và chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Tỷ giá giá USD trên thị trường tự do giao dịch ở mức 23.420 - 23.500 VND (mua - bán), không đổi so với ngày hôm qua.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (không bao gồm thuế, phí) là 11 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới đã kéo dài đà giảm từ phiên trước, chịu áp lực bởi đồng USD và dữ liệu yếu từ Trung Quốc.
Giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 1,11 USD xuống mức 72,6 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,37 USD, tương đương 2%, xuống mức 68,09 USD/thùng.
Trong phiên, có thời điểm cả hai điểm chuẩn đều giảm hơn 2 USD xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần. Ngay ở phiên trước đó, cả dầu Brent và WTI đều đã trượt dốc gần 5%.
Dữ liệu mới được công bố của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 5 giảm nhanh hơn dự kiến do nhu cầu suy yếu. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất giảm xuống mức thấp nhất là 48,8 từ mức 49,2 trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo 49,4. Hoạt động của ngành dịch vụ chậm lại khiến chỉ số PMI phi sản xuất giảm từ 56,4 xuống 54,5. Đây là bằng chứng cho thấy đà phục hồi kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đang dần mất đà.