Trên thị trường thế giới, vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.942 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,2% xuống 1.960 USD/ounce. Cả hai đều được giao dịch gần mức thấp nhất trong hai tháng sau khi giảm từ mốc cao kỷ lục trên 2.000 USD đạt được hồi đầu tháng 5.
Cuối tuần qua, các nhà lập pháp Mỹ cho biết họ đã đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc để tăng giới hạn chi tiêu của chính phủ trong hai năm tới, có khả năng ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trước hạn chót vào ngày 5/6.
Tin tức này đã giúp giảm bớt một số lo ngại về sự gián đoạn kinh tế, do đó thúc đẩy lợi nhuận từ các tài sản rủi ro. Và tất nhiên điều này lại ảnh hưởng đến vàng, vốn thường hoạt động như một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Kim loại quý cũng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn khi đồng USD tăng mạnh trong bối cảnh sự tập trung một lần nữa dồn vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vì dữ liệu mới đây cho thấy chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng cao hơn dự kiến.
Đồng USD đã vươn lên mức cao nhất trong hai tháng khi các thị trường dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng Sáu. Theo công cụ Fedwatch, các nhà đầu tư đã đặt cược 65% khả năng tăng lãi suất vào tháng 6, một sự đảo ngược hoàn toàn so với tâm lý của tuần trước.
Triển vọng tăng lãi suất là điềm xấu đối với các tài sản không mang lại lợi suất như vàng, do nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ các tài sản đó.
Trên thực tế, tại cuộc họp tháng 5 Fed đã báo hiệu về cách tiếp cận dựa trên dữ liệu đối với các đợt tăng lãi suất trong tương lai. Với tình hình lạm phát dường như vẫn tiếp tục dai dẳng cho đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đang xem xét việc thắt chặt chính sách hơn nữa.
Khi rủi ro kinh tế từ nguy vỡ nợ tiềm tàng được giảm bớt, ngân hàng trung ương sẽ có thêm dư địa để tiếp tục tăng lãi suất, cho thấy triển vọng yếu đối với vàng thời gian tới.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước ổn định trong phiên sáng 29/5. Vàng miếng SJC của công ty vàng bạc đá quý JSC được giao dịch ở mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối tuần trước.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold được thu mua ở mức 56,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 56,55 triệu đồng/lượng ở chiều bán, không đổi cả hai chiều so với ngày 27/5.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đứng yên ở mức 55,6 triệu đồng/lượng mua vào và 56,6 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá nhẫn Vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu đang giao dịch ở mức 55,77 triệu đồng/lượng mua vào và 56,67 triệu đồng/lượng bán ra.
Sáng 29/5, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi so với phiên trước. Ngân hàng Vietcombank báo giá 23.310 VND mua vào và 23.650 VND bán ra. Eximbank niêm yết giá mua và bán ở mức 23.240 và 23.620 VND, thấp hơn 10 VND ở cả hai chiều so với sáng 27/5.
Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do ở mức 23.427 VND chiều mua và 23.525 VND chiều bán.
Quy đổi theo tỷ giá USD của Vietcombank (chưa tính thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là khoảng 11,7 triệu VND.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng thứ Hai. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 0,8% lên 77,56 USD/thùng, trong khi hợp đồng tương lai dầu WTI tăng 0,9% lên 73,33 USD/thùng. Dầu cũng được hỗ trợ bởi triển vọng tăng nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ trong dịp nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm, thường báo trước sự khởi đầu của mùa du lịch gần kề.
Trọng tâm của tuần này là các chỉ số hoạt động sản xuất và dịch vụ chính từ Trung Quốc, dự kiến sẽ làm sáng tỏ hơn về sự phục hồi của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại đã làm chao đảo thị trường dầu mỏ trong suốt tháng 5.