Trên thị trường thế giới, vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.945 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn đáo hạn vào tháng 6 giảm 0,2% xuống 1.939,80 USD/ounce.
Cả hai công cụ đều ở mức thấp nhất trong hai tháng, ghi nhận một tuần tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 1 do sự lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý.
Trong khi đó, USD tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong hai tháng so với các rổ tiền tệ chủ chốt khi các nhà giao dịch nhìn thấy rất ít yếu tố có thể ảnh hưởng đến trạng thái tiền tệ dự trữ của đồng bạc xanh. Bên cạnh đó, giọng điệu diều hâu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã giữ cho đồng USD lạc quan đồng thời gây áp lực lên vàng khi các nhà hoạch định chính sách báo hiệu rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn để chống lại lạm phát dai dẳng.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - dự kiến sẽ cung cấp nhiều tín hiệu hơn về mặt đó vào cuối ngày.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA,cho biết: “Một vòng dữ liệu kinh tế khá ấn tượng cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang thể hiện rất nhiều khả năng phục hồi… lập luận về khả năng của một đợt tăng lãi suất khác đang trở nên sôi nổi hơn”.
Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường hiện đặt cược 41% khả năng tăng 0,25 điểm cơ bản vào tháng 6. Vàng, một tài sản có lợi suất bằng không, có xu hướng mất đi sức hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước giao dịch thấp hơn trong phiên sáng 26/5. Vàng miếng SJC của công ty vàng bạc đá quý JSC được giao dịch ở mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra; giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng 25/5.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn 50.000 đồng/lượng ở chiều mua so với ngày hôm qua.
Vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold được thu mua ở mức 56,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 56,55 triệu đồng/lượng ở chiều bán, giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên 25/5.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) được niêm yết ở mức 55,6 triệu đồng/lượng mua vào và 56,6 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Giá nhẫn Vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu đang giao dịch ở mức 55,68 triệu đồng/lượng mua vào và 56,73 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày hôm qua.
Sáng 26/5, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm nhẹ so với phiên trước. Ngân hàng Vietcombank báo giá 23.320 VND mua vào và 23.660 VND bán ra. Eximbank niêm yết giá mua và bán ở mức 23.250 và 23.630 VND.
Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng lên 23.410 VND chiều mua và 23.480 VND chiều bán.
Quy đổi theo tỷ giá USD của Vietcombank (chưa tính thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là khoảng 11,7 triệu VND.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trong phiên giao dịch sáng 26/5, tiếp nối đà giảm mạnh so với phiên trước đó khi các nhà giao dịch chờ đợi tín hiệu rõ ràng về kế hoạch cắt giảm sản lượng trong tương lai của OPEC.
Dầu Brent kỳ hạn giảm 0,5% xuống 75,83 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI kỳ hạn giảm 0,4% xuống 71,56 USD/thùng. Trước đó, thị trường dầu thô đã chịu tổn thất nặng nề vào 25/5, giảm gần 3% sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết ông không kỳ vọng vào bất kỳ bước đi mới nào từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) trong cuộc họp ngày 4/6 nhưng liên minh vẫn sẵn sàng cắt giảm sản lượng nhiều hơn nếu thấy cần thiết.
Giá dầu thô phần lớn đã mất hết mức tăng trong tuần này do lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại phần lớn bù đắp cho các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung của Mỹ và cải thiện nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.