Giá xe giảm, tiêu thụ không tăng
Có thể nói, 2017 là năm đầy biến động của thị trường ô tô Việt Nam khi giá bán ô tô liên tục giảm, khiến doanh số bán hàng của nhiều hãng xe sụt giảm theo. Tuy nhiên, trong năm 2018, thách thức sẽ còn lớn hơn đối với các doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước khi các dòng thuế nhập khẩu ô tô được đưa về 0% theo cam kết tại AFTA, giúp giá ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ ASEAN về Việt Nam ở mức rất cạnh tranh.
Thống kê cho thấy, năm 2017, dòng xe Mazda-3 2.0 có mức giảm giá giảm sâu nhất trên thị trường, khi giá bán giữa thời điểm đầu năm và cuối năm giảm khoảng 140 triệu đồng/xe; dòng xe CX-5 2.5 cũng giảm tới 121 triệu đồng/xe... Tương tự, giá các dòng xe của
Toyota cũng giảm mạnh. Chẳng hạn, mẫu CR-V 2.0 AT giảm 110 triệu/xe, Camry 2.0E giảm 101 triệu đồng/xe, Vios 1.5G giảm 57 triệu đồng/xe, Innova 2.0E giảm 50 triệu đồng/xe…
Mặc dù giá nhiều dòng xe giảm mạnh, song có một nghịch lý là doanh số bán ô tô trên toàn thị trường không những không tăng, mà còn giảm. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2017, toàn thị trường ô tô đạt doanh số 278.600 xe, giảm 9,3% so với năm 2016 (đạt 304.427 xe). Trong đó, các sản phẩm xe du lịch chiếm tỷ trọng 62% (tương đương 173.485 xe), giảm 9,9%; các dòng xe tải, xe khách/bus chiếm gần 35% (tương đương 99.082 xe).
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho rằng, 2017 là năm nhiều khó khăn đối với các hãng xe khi nhu cầu thị trường có sự biến động so với giai đoạn tăng trưởng ổn định 2013-2016.
"Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý chờ đợi của khách hàng về viễn cảnh giá xe năm 2018 sẽ tiếp tục xuống thấp hơn khi AFTA có hiệu lực, với mức thuế suất 0% cho các sản phẩm nhập khẩu trong nội khối ASEAN", ông Đức lý giải.
Cũng theo ông Đức, 2017 cũng là năm chứng kiến sự ra đời của một số chính sách quan trọng có tính chất bước ngoặt đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô hay Nghị định 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016 về biểu thuế xuất nhập khẩu...
2018, giá xe khó giảm thêm
Với việc các dòng thuế nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN được đưa về 0%, người tiêu dùng kỳ vọng giá ô tô sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Trong tháng 1/2018, một số hãng đã đưa ra chính sách giảm giá. Đơn cử, Ford công bố giảm giá nhiều dòng xe, với mức giảm lớn nhất 57 triệu đồng, trong khi Kia áp dụng mức giảm 20 triệu đồng cho một số mẫu...
Tuy nhiên, các mẫu xe giảm giá tập trung ở dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L và các xe lắp ráp trong nước, bởi các dòng này được hưởng lợi từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có hiệu lực từ 1/1/2018. Cụ thể, các mẫu xe du lịch từ 9 chỗ trở xuống sử dụng động cơ có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống sẽ được giảm 5%; các loại ô tô sử dụng động cơ có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống áp dụng mức thuế TTĐB 35%, loại có dung tích xi lanh 1.5-2L áp dụng thuế TTĐB là 40%, cùng giảm 5% so với hiện hành.
Trong khi đó, các dòng xe sử dụng động cơ có dung tích xi lanh trên 2.5-3L từ ngày 1/1/2018 sẽ áp dụng thuế suất 60%, tức tăng thêm 5% so với mức 55% từ đầu năm 2017. Với mức điều chỉnh này, một số dòng xe tại thị trường Việt Nam sẽ bị tăng giá do nằm trong khung 2.5 - 3L.
Đối với xe nhập khẩu, ngoài việc giảm thuế TTĐB với xe dung tích dưới 2L, thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN nếu đủ điều kiện cũng sẽ được giảm 30% theo đúng lộ trình. Trong khi đó, các dòng xe lắp ráp trong nước cũng có cơ hội giảm giá thêm khi được miễn thuế linh kiện nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Thực tế là vậy, nhưng theo nhận định của ông Đặng Như Quỳnh, Tổng giám đốc CTCP 999999999 Việt Nam, khó có kịch bản xe giảm giá sâu trong năm 2018 do các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh
ô tô mới.
Doanh nghiệp thay đổi chiến lược
Hiện tại, các doanh nghiệp ô tô đang tìm cách thay đổi chiến lược kinh doanh, trong đó tập trung sản xuất dòng xe dung tích dưới 2.0L để được hưởng ưu đãi thuế. Chẳng hạn, trong năm 2018, Honda đã chuyển sang sản xuất xe CR-V 1.8, thay vì CR-V 2.4 như các năm trước đây. Giảm dung tích xe, CRV sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu (giảm 5%). Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, có thể tháng 4/2018 dòng xe mới này mới được nhập về.
Cùng với việc giảm dung tích xe, các hãng cũng tập trung cho các dòng xe lắp ráp trong nước. Đơn cử, Tập đoàn Thành Công phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ ô tô để hỗ trợ các nhà máy sản xuất nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất, đưa ra thị trường nội địa các sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh nhất, nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường lân cận. Trong năm 2017, Thành Công đã ký kết thỏa thuận với Huyndai Motor Hàn Quốc nhằm mở rộng sản xuất, lắp ráp xe trong nước thông qua việc đầu tư xây dựng một nhà máy lắp ráp tại Ninh Bình, công suất dự kiến 120.000 xe/năm.
CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đẩy mạnh hợp tác với Mazda bằng việc khởi công xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp xe du lịch mới dự kiến hoàn thành vào 2018. Mới đây, Thaco cũng trở thành nhà phân phối chính thức của BMW.
Trong khi đó, Vingroup với việc lấn sân lĩnh vực ô tô cùng Dự án Vinfast và cam kết sản xuất 1 mẫu sedan và 1 mẫu SUV mang thương hiệu Việt trong giai đoạn 2019-2020, với công suất sản xuất đạt 500.000 xe/năm vào năm 2025...
Theo các doanh nghiệp, việc hợp tác với các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới sẽ góp phần giúp ngành công nghiệp ô tô trong nước tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến và gia tăng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm từ các quốc gia khác...
Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể phát triển, theo kiến nghị của Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, Chính phủ cần điều chỉnh chính sách miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô, đồng thời miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam...
Với sự cạnh trạnh ngày một khốc liệt, thị trường ô tô tại Việt Nam được dự đoán sẽ có nhiều diễn biến mới.
Theo Hải Yến ĐTCK