Giải cứu condotel, đừng lười biếng!

Dường như đang có những nỗ lực từ phía các chủ đầu tư dự án condotel lớn nhằm lobby chính sách để sớm sửa đổi, bổ sung quy định cho condotel được “chính danh” với địa vị pháp lý rõ ràng.
Giải cứu condotel, đừng lười biếng!

Một địa vị pháp lý rõ ràng cho condotel là cần thiết vì trong khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc chưa rõ ràng thì mỗi địa phương, cơ quan quản lý liên quan lại ứng xử với condotel khác nhau, không thống nhất. Điều vướng mắc nằm ở việc xác nhận về sở hữu condotel (cấp sổ đỏ), thời gian sở hữu, có cho đăng kí hộ khẩu hay không...

Mới đây, trong một hội thảo về condotel, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chia sẻ kinh nghiệm “giải cứu” condotel nhằm tăng sức hút đầu tư vào địa phương này. Theo đó, tỉnh đã “giải cứu” doanh nghiệp bằng việc xác nhận sở hữu condotel cho người mua nhưng kèm cam kết “không hình thành đơn vị ở (tức không được đăng kí hộ khẩu). Cách làm mang tính xử lý tình thế này của Bình Định không sai, song chưa đúng quy định pháp luật và được cho là “xé rào”. Đến giờ Bình Định đã tạm dừng thu hút đầu tư vào condotel để chờ đợi chính sách pháp luật rõ ràng hơn, thay vì “cầm đèn” chạy trước ... gây lo ngại rủi ro pháp lý cho những người kí duyệt ...

Thế nhưng, chiến dịch lobby trên truyền thông lại đang đi chệch hướng, tạo hiệu ứng không mong muốn khi có một số bài viết, ý kiến không ủng hộ condotel... Thậm chí, phản ánh từ góc độ  người mua condotel bức xúc, ngã ngửa vì “mắc kẹt” khi mua căn hộ khách sạn, bị CĐT bội tín không trả tiền lợi nhuận 8-10% theo cam kết hợp đồng giao dịch trước đó. Điều này càng khiến cho tâm lý thị trường hoang mang, sợ hãi không mua condotel, mua rồi tìm cách tháo chạy mà cũng khó thanh khoản...

Những lo ngại, băn khoăn về tính pháp lý của condotel thực ra là người trong cuộc đã được phản ánh, không phải đến tận bây giờ mới bùng lên trên truyền thông. Các chủ đầu tư lớn như Vingroup, CEO, BIM, FLC, Empire, MIK... đều đã và đang phát triển, kinh doanh các dự án nghỉ dưỡng, trong đó có hạng mục khách sạn condotel với quy mô hàng chục nghìn căn. 

So với loại hình căn hộ thông thường, Condotel có lợi thế hơn khi kết hợp đa tiện ích ở và cho thuê, giá thấp, vị trí gần biển, được vận hành quản lý bởi CĐT uy tín, cam kết lãi suất hấp dẫn... nên doanh nghiệp tiêu thụ khá tốt. Chỉ có người mua/NĐT thứ cấp chuyển nhượng lại thì bị kẹt hàng, mà mấu chốt nằm ở địa vị pháp lý của condotel chưa rõ ràng (chưa được định danh tên, vấn đề sở hữu 50 năm hay vĩnh viễn theo đất dự án để cấp sổ, hộ khẩu, chuyển nhượng...). Còn căn cứ theo pháp lý của từng dự án thì condotel cũng chỉ là một sản phẩm bình thường như khách sạn, biệt thự trong dự án đã được quy hoạch, thiết kế, cho phép kinh doanh theo đúng quy định. Nếu không có cơ sở pháp lý thì liệu các chủ đầu tư liều đầu tư hàng loạt dự án condotel ở quy mô lớn, có dám mở bán hàng rầm rộ, kí hợp đồng mua bán/hợp tác kinh doanh/huy động vốn... với khách hàng hay không? 

Khách hàng Việt đều hiểu chính sách pháp luật ở ta thường chạy sau thực tiễn khá lâu vì hệ thống chậm nắm bắt, chậm sửa đổi, chậm ban hành, và chậm thực thi... Cứ thiếu đâu bù đấy, sai đâu sửa đấy, thậm chí chắp vá, chồng chéo quy định cũ mới... khiến cho các DN, người dân tá hoả, rối loạn không biết lần đường nà , nên đôi khi “xé rào” hay lách luật cũng có thể được chấp nhận xuê xoa. 

Thế nhưng, nếu mục tiêu cao hơn nhắm tới là bán condotel cho người nước ngoài, cho những tổ chức lớn để thu hút dòng vốn lớn thì lỗ hổng pháp lý về condotel sẽ là rủi ro lớn, khó được họ chấp nhận bỏ qua. Chủ tịch một DN đang đầu tư dự án condotel ở Phú Quốc- nơi sẽ sớm trở thành 1 trong 3 đặc khu của Việt Nam - đã hào hứng nói về tương lai của các đại dự án khu nghỉ dưỡng tại Đặc khu kinh tế. Bởi sự đầu tư BĐS ở đặc khu kinh tế không chỉ là vấn đề kinh tế, xã hội, là tăng trưởng GDP của địa phương nhanh chóng, mà là cả ý nghĩa về mặt chính trị, chủ quyền biển đảo quốc gia! 

“Tại hội thảo về condotel do Bộ Xây dựng chủ trì năm 2017, tôi đã nhận định rằng phân khúc condotel sẽ tăng trưởng bùng nổ rất nhanh trong thời gian tới và thực tế diễn ra đúng như vậy. Những cái khó của DN cũng được đưa ra và đề xuất hướng giải quyết cả rồi”, vị này chia sẻ khi những vấn đề vướng mắc của condotel đến giờ lại được xới lên, vẫn chờ một lời giải từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Không phải đến bây giờ các CĐT mới lobby chính sách cho condotel nhưng dường như, các cơ quan liên quan vẫn khá “đủng đỉnh” trong việc xem xét, điều chỉnh quy định về căn hộ khách sạn, mà cái khó là một số vấn đề liên quan cần phải sửa luật, đề xuất sửa đổi phải trình Quốc hội thông qua... trong một hành trình chờ đợi mệt mỏi.

Trong khi đó, các DN đã xây dự án, đã bán hàng rồi thì “nóng như ngồi chảo lửa” khi chịu áp lực từ nhiều phía, từ khách hàng mua nhà, từ dư luận... 

Đến giờ, cơ quan chủ trì và nơi có sức ảnh hưởng nhất trong việc kiến nghị, sửa đổi chính sách cho condotel hay bất kỳ loại hình nhà ở mới mẻ nào được phát triển ở Việt Nam là Bộ Xây dựng lại vẫn ... im lặng! Ngay cả cuộc hội thảo condotel mới đây quy tụ lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, hiệp hội... đến phát biểu, chia sẻ kiến nghị thì đại diện- một thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chưa đưa ra thông điệp rõ ràng về nỗ lực sửa đổi chính sách phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu bức thiết của DN. 

“Pháp lý cho condotel thiếu rõ ràng, khiến tỉnh cũng lấn cấn chưa dám thu hút DN đâu tư vào condotel dù dư địa nhu cầu phòng lưu trú cho du khách vẫn còn lớn trong vài năm tới”, vị lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đi trước một bước để gỡ cho DN chia sẻ, cũng là điều bức bối về sự chậm thay đổi của những người làm chính sách, đang là rào cản lớn cho thu hút đầu tư lớn vào các địa phương còn kém phát triển kinh tế biển! 

>> Dòng tiền lớn có “chảy” vào condotel?

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…