Chứng khoán ngày 22/1 kết thúc với sắc đỏ bao phủ trên hầu hết các chỉ số chứng khoán chính, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tiếp tục phân hóa mạnh mẽ.
VN-Index giảm 0,29%, tương ứng mất 3,56 điểm đóng cửa tại 1.242,53 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt 508,8 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch hơn 12.031 tỷ đồng. Chỉ số VN30-Index giảm sâu hơn, mất 0,39%, kết thúc phiên ở mức 1.309,72 điểm với giá trị giao dịch đạt gần 5.974 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,45%, chốt phiên ở mức 220,67 điểm, với khối lượng giao dịch 78,7 triệu cổ phiếu, đạt giá trị 1.242 tỷ đồng. UPCoM-Index là điểm sáng duy nhất khi tăng nhẹ 0,26%, đóng cửa tại mức 93,08 điểm, khối lượng giao dịch đạt 49,3 triệu cổ phiếu, giá trị 806 tỷ đồng.
Những cổ phiếu tích cực đóng góp vào VN-Index hôm nay bao gồm LPB, tăng mạnh 1.550 đồng (4,87%), đóng góp 1,17 điểm; HVN tăng 650 đồng (2,47%), mang lại 0,35 điểm; và FRT tăng 8.500 đồng (4,42%), đóng góp 0,29 điểm. Các mã BSR và SSB cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 1,48% và 1,63%, tiếp tục hỗ trợ chỉ số.
Ngược lại, áp lực bán mạnh kéo giảm chỉ số từ các cổ phiếu như HDB, giảm 650 đồng (-2,87%), lấy đi 0,53 điểm; BID và VHM giảm lần lượt 0,75% và 1,25%, mỗi mã làm mất 0,49 điểm khỏi VN-Index. GVR và BCM cũng chịu áp lực điều chỉnh, với mức giảm lần lượt 1,41% và 1,89%.
Ngành ngân hàng giảm nhẹ 0,11%, với các mã như HDB (-2,87%), BID (-0,75%), VPB (-0,3%), SHB (-0,5%), VIB (-0,7%) MBB (-0,2%), EIB (-1,4%) chịu áp lực bán mạnh. Tuy nhiên, LPB (+4,87%) và SSB (+1,63%) nổi bật với mức tăng mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ phần nào chỉ số.
Ngành hóa chất giảm 1,01%, với các cổ phiếu như DDV (-2,76%), GVR (-1,41%), và DPM (-1,47%) chịu áp lực lớn. Trong khi đó, TRC (+1,49%) và VTZ (đứng giá) vẫn giữ được sắc xanh.
Nhóm bất động sản cũng không tránh khỏi xu hướng giảm, mất 0,72% trong ngày. Các mã như NVL (-3,98%), VHM (-1,25%), và KBC (-1,36%) kéo lùi chỉ số. Tuy nhiên, NLG (+1,98%) và SZC (+0,84%) ghi nhận mức tăng, phản ánh sự phân hóa dòng tiền trong ngành.
Ngành dịch vụ tài chính giảm 0,65%, với các cổ phiếu lớn như VND (-2,09%), EVF (-1,19%), VIX (- 1,6%), SSI (-0,2%), VCI (-0,2%), ORS (-1,1%) chịu áp lực bán. Một số cổ phiếu như VDS (+1,41%) và HCM (+0,17%) vẫn duy trì được sắc xanh.
Ngành viễn thông là một trong những nhóm tích cực nhất trong ngày khi tăng 3,28%, với VGI (+3,48%), FOX tăng 2,4%, TTN tăng 1,9% đóng góp tích cực. Ngành bán lẻ cũng có phiên bứt phá với mức tăng 0,91%. FRT (+4,42%) dẫn đầu đà tăng, SAS đóng cửa trong sắc tím, trong khi MWG (-0,52%) giảm nhẹ, DGW (-0,9%).
Ngành dầu khí tăng nhẹ 0,15%, nhờ BSR (+1,48%) và PVS (+0,3%) giữ được đà tăng, TOS tăng trần (+15%), POS (+1%). Ngược lại, PLX (-1,76%) và PVD (-1,49%) bị điều chỉnh giảm, làm giảm hiệu suất chung của ngành.
Nắm giữ cổ phiếu có diễn biến hồi phục và dòng tiền ổn định
Chứng khoán AIS
Trước kỳ nghỉ Tết cận kề, chỉ số VN-Index tiếp tục diễn biến rung lắc đi kèm áp lực chốt lời gia tăng khi dòng tiền đang có xu hướng đứng ngoài thị trường. Mức độ phân hóa cao giữa các dòng cổ phiếu sẽ tiếp tục tiếp diễn khi các doanh nghiệp đang lần lượt hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024 và kế hoạch 2025.
Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời, bán ra tại các cổ phiếu có vận động kém tích cực và khối lượng bán ra lớn. Đồng thời, tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có diễn biến hồi phục và dòng tiền tham gia ổn định.
Giải ngân đón sóng hồi phục của thị trường khi kỳ nghỉ lễ kết thúc
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Trước sức ép hạ tỷ trọng đòn bẩy trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, chỉ số chung đang gặp áp lực điều chỉnh giảm ngắn hạn. Mặt khác, dòng tiền suy yếu còn đến từ lo ngại các diễn biến bất thường trên thị trường thế giới có thể phát sinh trong thời gian thị trường trong nước nghỉ lễ không giao dịch.
Do đó, nhà đầu tư có thể thực hiện hóa một phần lợi nhuận để lấy sức mua và cân nhắc giải ngân trở lại đón sóng hồi phục của thị trường sau khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, với trọng tâm là các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2025 nhưng đã điều chỉnh sâu trong những phiên trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch.
Áp lực rung lắc sẽ còn hiện hữu
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index hình thành nến giảm điểm thân đặc và đóng cửa ở mốc thấp nhất phiên. Mặc dù xuất hiện lực đỡ đan xen từ nhóm cổ phiếu trụ, phe mua dần suy yếu và nhường lại thế kiểm soát cho bên bán chủ động, tiếp tục gia tăng sức ép lên chỉ số.
Với việc mặt bằng thanh khoản cho thấy sự hạn chế của dòng tiền bắt đáy và thiếu vắng nhóm cổ phiếu giữ nhịp, áp lực rung lắc sẽ còn hiện hữu trong các phiên giao dịch cận Tết sắp tới.
Tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản
Chứng khoán Asean
Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục có các phiên phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi diễn biến rung lắc vẫn là xu hướng chủ đạo trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch.
Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.