Giải pháp nào cho thực trạng người lao động phải về quê đón Tết sớm?

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm nhân sự, cắt giảm đơn hàng, khiến cho đời sống nhân dân lao động gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các ban ngành cần có những giải pháp để hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp trong thời gian tới, nhằm ổn định và phát triển kinh tế quốc gia.

Vào tháng 12 hàng năm, các doanh nghiệp và người lao động đều phải gồng mình để triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác. Thế nhưng năm nay, hàng vạn người lao động về quê đón Tết sớm. Đây được xem là vấn đề lớn, rất đáng quan tâm.

Làn sóng cắt giảm lao động

Trong năm 2022, tình hình doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Tình hình thiếu việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện (giảm 2,54 điểm phần trăm), tình hình thất nghiệp của người lao động vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm (với mức giảm 1,70 điểm phần trăm).

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 và thời điểm trước dịch Covid-19 bùng phát năm 2019. So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý 3/2022 tăng 30,1%, tương ứng tăng khoảng 1,6 triệu đồng. 

Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.

Cụ thể, số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Thống kê tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy TP. HCM tăng 25,88%, Bình Dương tăng 39,08%, Đồng Nai tăng 54,69% và Tiền Giang tăng 66,5%.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.

Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 433.908 người, chiếm 90% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người, chiếm 1,36%; chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng.

lao động
Ông Ngọ Duy Hiển, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (ngoài cùng bên trái) tại hội nghị bàn tròn.

Thực tế, số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI, chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng, tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng).

Sự ảnh hưởng này, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM (52.290 người), Long An (16.180 người), Tây Ninh (26.086 người), Đồng Nai (111.163 người), Bình Dương (87.555 người), An Giang (10.995 người)... Tổng chung khu vực phía Nam có 341.544 người lao động bị ảnh hưởng, chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc.

Điều đáng quan tâm là có đến 36% người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và có khoảng 8% trong số đó là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và khoảng 5% là lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Giải pháp thúc đẩy thị trường

Tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần. Vì vậy, việc quan trọng nhất để phát triển thị trường lao động chính là tìm ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trên.

Tại Hội thảo Phát triển thị trường lao động bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trong phát triển kinh tế xã hội, ông Ngọ Duy Hiển, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, bên cạnh các hoạt động của tổ chức Công đoàn, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023 cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Nên tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các hình thức, phương thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng. Đặc biệt, phát huy vai trò của các hiệp hội người sử dụng lao động trong việc kết nối để giới thiệu việc làm cho lao động.  

Ông Hiển nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành hỗ trợ người lao động, chính thức hơn các chính sách tạm thời, bảo đảm việc làm, thu nhập và an sinh lâu dài cho người lao động.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần triển khai quyết liệt hơn nữa Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, trong đó tập trung vào các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước cần tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lương cơ bản giữ chân người lao động, đào tạo, đào tạo lại người lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi vị trí việc làm trong doanh nghiệp…

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Tuyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cũng cho biết, trong năm 2023, theo đánh giá các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quý 1/2023, để ổn định tình hình và hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người lao động cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế. 

Cụ thể, các ban ngành cần tuyên truyền để doanh nghiệp và người lao động cùng hiểu và chia sẻ khó khăn. Giữa các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chia sẻ để điều tiết nguồn lao động từ nơi cắt giảm đến nơi còn nhu cầu. Các tỉnh phải tiếp tục các chính sách hỗ trợ đến người lao động gặp khó khăn và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Tuyên nhận định thêm, chúng ta là những người lãnh đạo, vai trò trách nhiệm chính là phải phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. 

Có thể bạn quan tâm