Giám đốc tài chính trong kỷ nguyên số

Theo Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các Nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI) Fausto Cosi, nếu chỉ cố chấp với những quy tắc đã lỗi thời hoặc giữ mãi cái nhìn tiêu cực về công nghệ, các giám đốc tài chính
Giám đốc tài chính trong kỷ nguyên số

Một báo cáo mới đây của trường Duke University và CFO Magazine cho thấy, hơn một nửa giám đốc tài chính (CFO) ở khu vực Đông Nam Á coi vấn đề bất ổn kinh tế là mối quan tâm hàng đầu, các mối lo ngại khác bao gồm năng suất lao động, những khó khăn trong thu hút nhân lực chất lượng cũng như vấn đề tăng lương.

Theo khảo sát, 65% các doanh nghiệp trong khu vực xem vấn đề tuyển dụng nhân sự là một trong bốn mối quan tâm hàng đầu cho biết đã tăng lương để có thể thu hút và giữ chân người lao động; 45% đang hướng đến tuyển dụng những đối tượng mới chẳng hạn như nhóm người đã nghỉ hưu; 39% quyết định tăng ngân sách tuyển dụng và 34% tăng thời gian nghỉ phép và nghỉ lễ.

Báo cáo này cũng cho biết các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á bị tác động bởi chiến tranh thương mại sẽ hạn chế tăng chi tiêu và cắt giảm nhân sự.

Rõ ràng, một viễn cảnh không mấy tích cực trong tầm nhìn của các CFO ở Đông Nam Á đã được báo cáo này đưa ra. Tuy nhiên, ông Fausto Cosi, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các Nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI) cho rằng, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đang có một vị trí hết sức thuận lợi trên bản đồ kinh tế toàn cầu bởi ngày càng có nhiều nguồn đầu tư đổ về đây; là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển như dân số gần 100 triệu người với nhân khẩu học tích cực, đang ở trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 40% dân số ở độ tuổi dưới 25, tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh.

Đối với việc đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam, ông Fausto Cosi cho rằng cần coi lực lượng lao động ngày càng có chất lượng là một yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư thay vì chỉ biết tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.

Trong khi ở Tây Âu, ông Fausto Cosi cho biết, hiện có một thực trạng đáng buồn là dân số đã già đi, đầu tư cũng không còn tích cực như trước và khó có thể đảm bảo tăng trưởng tốt về kinh tế trong tương lai. Việc giảm sút về đầu tư trong những năm gần đây cũng đã tạo nên một số vấn đề.

Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch IAFEI, các CFO trên thế giới phải thực sự nhiệt tình và luôn cập nhật để có thể cố vấn với chủ doanh nghiệp và các cổ đông về những xu hướng mới nhất cũng như việc khuyến khích họ đầu tư vào các nước phương Đông vì tương lai thực sự đang ở đây với rất nhiều tiềm năng.

“Giám đốc tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp bởi họ là những nhà cố vấn chiến lược và định hướng đầu tư cho chủ doanh nghiệp và các cổ đông khác trong công ty. Nếu một công ty không có chiến lược đầu tư đúng đắn, công ty đó sẽ đến bên bờ sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn vì nếu không có đầu tư, bạn sẽ chẳng thể phát triển”, chủ tịch IAFEI nhìn nhận.

Theo ông Fausto Cosi, công nghệ đang bùng nổ và các giám đốc tài chính cần nhìn nhận được những cơ hội mà công nghệ mới mang lại, đặc biệt đối với các nền kinh tế còn non trẻ như Việt Nam, nhất là trong việc tăng năng suất, giảm chi phí.

“Giám đốc tài chính cần là những người có tư tưởng hiện đại, luôn cập nhật những tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực tài chính và thay đổi mới về công nghệ thay vì cố chấp giữ mãi những quy tắc đã lỗi thời hoặc giữ những cái nhìn tiêu cực về công nghệ nếu không sẽ khó có thể bắt kịp được xu thế mới.

Chính điều này sẽ là một trong những yếu tố cốt lõi đảm bảo tăng trưởng và phát triển của công ty bởi vì chúng ta đang sống và làm việc trong một môi trường toàn cầu và Việt Nam cũng là một nhân tố quan trọng trong môi trường ấy”, ông Fausto Cosi khuyến nghị.

Ngày nay, cuộc cách mạng công nghệ số có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến ngành tài chính và sự thay đổi này diễn ra ngày càng tăng với tốc độ chưa từng có. Công nghệ số, với những cải tiến hiệu quả và các thành tựu vượt trội đã giúp các chuyên gia tài chính nắm bắt lợi thế cạnh tranh nhằm chủ động hơn trong việc quản lý các rủi ro.

Trong bối cảnh này, Câu lạc bộ giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO) cùng với Hiệp hội các giám đốc tài chính Nhật Bản (JACFO) phối hợp tổ chức Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48 - IAFEI tại TP. HCM với sự tham gia của hơn 500 lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản trị tài chính cấp cao, giám đốc tài chính và các chuyên gia tài chính từ các châu lục để cùng nhìn lại những chặng đường phát triển trong lịch sử của ngành tài chính; đồng thời cập nhật những phát triển mới để cùng nghiên cứu chuyên sâu về ngành tài chính tương lai.

"Lần đầu tiên, Hội nghị IAFEI thường niên tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu sự khởi sắc của một nền kinh tế mới nổi trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường với đà tăng trưởng GDP, khả năng chi tiêu và phát triển chất lượng tiêu chuẩn sống", chủ tịch IAFEI cho biết.

Tại sao “Chuyển đổi tài chính trong kỷ nguyên số” lại được chọn là chủ đề của Hội nghị CFO thế giới năm nay, thưa ông?

Ông Fausto Cosi: Nhìn vào những vấn đề của nền kinh tế đương đại, chúng ta đều cảm nhận được sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu hiện khá bất ổn chính vì những biến đổi chính trị dẫn đến biến đổi trong hoạt động sản xuất, thương mại quốc tế và giá trị tiền tệ.

Thông qua chủ đề cho hội nghị năm nay, chúng tôi hy vọng tạo cầu nối cho các nền kinh tế, giúp họ nhận thức rõ hơn về tình hình đang diễn ra hiện nay trong khu vực và thế giới. Và chúng tôi cũng kỳ vọng sự kiện lần này sẽ hỗ trợ cho các giám đốc tài chính trong việc giải quyết các vấn đề của chính công ty mình.

Việc nhìn nhận những cơ hội mới mà công nghệ có thể mang lại để tận dụng những cơ hội đó cho những hoạt động tài chính mà hàng ngày họ đang thực hiện trong các doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tại sao vấn đề an ninh mạng (cybersecurity), công nghệ blockchain và phân tích trí tuệ nhân tạo (AI) lại được thảo luận trong Hội nghị lần này?

Ông Fausto Cosi: Trên thực tế, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và các giám đốc tài chính cần nhìn nhận được những cơ hội mà công nghệ mới mang lại, đặc biệt đối với các nền kinh tế còn non trẻ như Việt Nam, nhất là trong việc tăng năng suất, giảm chi phí.

Sự kiện năm nay được tổ chức tại Việt Nam sẽ là cơ hội để các giám đốc tài chính có thể học hỏi và cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất, những kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về tài chính từ các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản trị tài chính cấp cao, giám đốc tài chính và các chuyên gia tài chính từ các châu lục.

Trong bối cảnh ấy, an ninh mạng là một vấn đề rất quan trọng và cần được thảo luận để các doanh nghiệp có thể đảm bảo không bị vướng vào những mối nguy hại mà vấn đề này có thể mang lại khi ứng dụng công nghệ.

Trong sự kiện này, chúng tôi cũng muốn cập nhật tình hình tại các doanh nghiệp Việt hiện nay, đâu là những công nghệ mới nhất tại đây; đồng thời mang đến cho họ cơ hội tiếp cận với rất nhiều giám đốc tài chính khác trên thế giới cùng những tiêu chuẩn quốc tế trong các hoạt động tài chính.

Ông đánh giá như thế nào về sự thành công của 47 Hội nghị giám đốc tài chính Thế giới đã tổ chức trước đây?

Ông Fausto Cosi: Trong các sự kiện lần trước và cả lần này, chúng tôi đã lựa chọn kỹ càng địa điểm tổ chức sự kiện. Hai hội nghị gần đây nhất được tổ chức ở Nam Phi và Brazil; chúng tôi luôn tận dụng cơ hội để những người tham dự có thể được tiếp xúc và gặp gỡ nhiều nhất. Chẳng hạn như sự kiện 3 năm về trước diễn ra ở Milan, Hội nghị của chúng tôi đã có sự góp mặt của rất nhiều người đến Italy tham dự Triển lãm EXPO Milan 2015.

Và mỗi sự kiện lại được tổ chức ở mỗi quốc gia khác nhau, đặc biệt là những nước có nền kinh tế đang trên đà phát triển nhằm mang tới cho các CFO ở đó những thông điệp và cơ hội để học hỏi và ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực tài chính; cùng thảo luận và trao đổi kinh nghiệm với những giám đốc tài chính và các chuyên gia trên thế giới.

Với sự hợp tác giữa Câu lạc bộ Giám đốc tài chính (CFO) Việt Nam cùng với Hiệp hội các Giám đốc tài chính Nhật Bản (JACFO), sự kiện năm nay diễn ra tại TP. HCM cho thấy được sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, mang lại một tinh thần hợp tác rất cao; chúng ta cần thảo luận trên tinh thần hợp tác để có thể rút ra được những điểm còn thiếu sót trong nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Rõ ràng, tinh thần này cũng là một giá trị khác mà hội nghị năm nay mang lại.

Theo ông, đâu là những giá trị cụ thể mà các giám đốc tài chính của các doanh nghiệp có thể thu về sau sự kiện để ứng dụng vào các hoạt động tài chính và quản trị của công ty?

Ông Fausto Cosi: Giám đốc tài chính đóng vai trò quan trọng trong mỗi doanh nghiệp bởi vì họ là những nhà cố vấn chiến lược và định hướng đầu tư cho chủ doanh nghiệp và các cổ đông khác trong công ty. Nếu một công ty không biết đầu tư và không có chiến lược đầu tư đúng đắn, công ty đó sẽ đến bên bờ sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn vì không có đầu tư, bạn sẽ chẳng thể phát triển.

Trong sự kiện lần này, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề đầu tư, công nghệ và đặc biệt là xác định những điểm đến đầu tư tiềm năng.

Có một điều quan trọng là sự kiện lần này sẽ có sự góp mặt của các CFO từ các nước lớn trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra và khoảng cách giữa các nước đã không còn xa như trước. Mặc dù một vài động thái gần đây của Tổng thống Mỹ có thể có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu song chúng ta cần phải có tinh thần mở cửa và kết nối đồng thời thúc đẩy cạnh tranh để phát triển.

Ông có lời khuyên nào cho các giám đốc tài chính Việt Nam sẽ tham dự hội nghị lần này?

Ông Fausto Cosi: Gặp gỡ và trao đổi quan điểm và cơ hội là rất quan trọng nếu bạn thực sự muốn học hỏi và phát triển vì thế giới luôn biến động và chúng ta cũng cần thay đổi, hướng về phía trước để phát triển.

Các CFO cần luôn tự hào về chính bản thân mình, nhưng cũng phải học hỏi mỗi ngày và nhìn về tương lai với thái độ tích cực, không sợ hãi công nghệ và các bạn có thể làm được mọi thứ.

Họ cũng cần chuyên nghiệp, tuân thủ nguyên tắc và phải đưa ra những quyết định đúng đắn trong những thời điểm thích hợp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đặng Hoa/The Leader

theleader.vn/giam-doc-tai-chinh-trong-ky-nguyen-so https://theleader.vn/giam-doc-tai-chinh-trong-ky-nguyen-so-1537785089789.htm

Có thể bạn quan tâm

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu

Hành trình 40 năm Hanel: Ngọn cờ tiên phong, bền bỉ cống hiến

Trải qua 40 năm không ngừng sáng tạo và phát triển, Hanel đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và cả nước…

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024

Vinh danh doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện

17 doanh nghiệp Việt Nam giành giải UN Women WEPs Awards 2024

17 doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự nhận được danh hiệu WEPs Awards 2024 của UN Women cho những sáng kiến đổi mới và đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, trên thị trường và trong cộng đồng hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững tại Việt Nam…

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một sự chuyển mình ngoạn mục trong lĩnh vực công nghệ số, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều đang tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới...