Giảm giá thịt lợn: Bao giờ và tại sao?

Giá thịt lợn dường như “phớt lờ” mọi mệnh lệnh “ép giá” (đã) được ban hành từ Bộ NN&PTNT, sở ban ngành liên quan đến các tỉnh, thành phố cả nước. Có thể kết luận như vậy khi nhìn vào giải pháp “bình ổn giá” mới đây nhất của Hà Nội?
Giảm giá thịt lợn: Bao giờ và tại sao?

Từ cuối tháng 3 đầu tháng 4 đến nay, giá thịt lợn hơi liên tục tự phá vỡ những kỷ lục mà chính mình đã tự thiết lập, vượt xa mức giá tưởng chừng đã “đạt đỉnh” ở trước tết 2019, cán mốc 96.000 - 97.000 đồng/kg. Để đến thời điểm này, giá thịt lợn hơi vẫn “loanh quanh” ở mức 93.000 – 94.000 đồng/kg tuỳ khu vực và chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt. 

Để kiểm soát giá thịt lợn, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định thực hiện nhiều biện pháp như tập trung chỉ đạo về việc công bố hết dịch, tổ chức tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học...

Ngoài ra, "giải pháp tình thế" được đưa ra là cho phép nhập khẩu lợn sống chính ngạch. Cách đây 2 ngày, Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT và Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan đã tổ chức họp trực tuyến song phương để thảo luận, thống nhất các thủ tục, điều kiện sớm cho phép nhập khẩu lợn hơi từ Thái Lan về Việt Nam. Điều này kỳ vọng giúp giá thịt lợn hơi trong nước rời mốc 90.000đồng/kg để xuống mức 80.000đồng/kg và có thể thấp hơn nữa - nếu được. 

Bên cạnh đó, Việt Nam liên tục kêu gọi người dân sử dụng  thịt gà, thịt ngan... để thay thế thịt lợn cũng như tăng cường tuyên truyền sử dụng thịt lợn đông lạnh, thịt lợn mát như một giải pháp để thay thế thịt lợn hơi trong nước. Nhưng có nên lo ngại rằng, các giải pháp này là con dao hai lưỡi?

Nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài sẽ giúp “hạ nhiệt” giá thịt lợn hơi trong nước. Nhưng khi liên tục nhập khẩu thịt lợn sống mà vẫn cho tái đàn lợn trong nước thì việc kiểm soát giá thịt lợn "nội" liệu có “khó chồng khó”? Thực tế cho thấy, các cuộc “lội ngược dòng” thường khá khó khăn.

Dường như, sau gần 02 tháng ban hành nhiều giải pháp, Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan vẫn "bế tắc" trong việc "ép" thịt lợn giảm giá.

Điều này được thể hiện rõ nhất trong chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội khi yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Tài chính... triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung an toàn và giá cả ổn định.

Cụ thể, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ngành thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thịt lợn tăng đột biến về giá.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá cả các mặt hàng thiết yếu và xử lý vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm pháp luật về giá, các trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng gây bất ổn thị trường.

Vậy là, tính đến thời điểm hiện tại, sau gần 3 tháng giá thịt lợn liên tục tăng cao, các chỉ đạo các cấp ban ngành có liên quan, đơn cử như của Hà Nội, vẫn chỉ loay hoay kiếm tìm giải pháp làm thịt lợn không tăng giá mà chưa thể tìm ra giải pháp giúp thịt lợn giảm giá.

Xét về yếu tố khách quan, đúng là có nhiều lý do khiến giá thịt lợn tăng cao từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến dịch tả lợn Châu Phi. Nhưng vấn đề căn cơ vẫn nằm ở mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi vẫn còn quá lỏng lẻo khiến thương lái dễ dàng “luồn lách” tạo nên những khâu trung gian.

Đây cũng chính là điều đã được Cục Chăn nuôi nêu rõ tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn diễn ra cách đây 1 tháng.

Cục Chăn nuôi cho biết, 65% thị phần thịt nằm ở các doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Cộng thêm đến tay người tiêu dùng phải đi qua 2 - 5 khâu trung gian, làm giá thịt tăng gần 43%.

Trước thực trạng này, điều mà các sở ngành địa phương cần làm là "hiến kế" cho Bộ NN&PTNT để "cắt gọt" các khâu trung gian của ngành chăn nuôi lợn, kiến nghị quy hoạch hoặc cải tổ các HTX nuôi/tiêu thụ thịt lợn, tạo một/một vài đầu mối thu mua thịt để dễ quản lý... thay vì chỉ tăng cường quản lý hay xử phạt vi phạm như hiện nay.

Và đặc biệt, đối với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn - những doanh nghiệp đã hứa đưa thịt lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg cách đây 2 tháng, Nhà nước cần cho họ thấy nhiều "lợi ích" hơn để các doanh nghiệp này tích cực hơn trong việc đưa thịt lợn về đúng mức giá đã cam kết.

Vì nếu cứ liên tục nhập khẩu thịt lợn sống (lượng thịt lợn nhập khẩu về kể từ đầu năm đã tăng tới 300%) thì khả năng Việt Nam mất một góc thị phần tại chính thị trường nội địa của ngành hàng trị giá 10 tỷ đô là rất lớn. "Và một khi đã mất thì khả năng lấy lại sẽ rất khó" - như nhận định của Bộ trường Nguyễn Xuân Cường. 

Xem thêm

Giá thịt lợn hơi giảm về 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4

Giá thịt lợn hơi giảm về 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4

Sáng 30/3 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã họp với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn với mục tiêu kiểm soát giá thịt lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg từ đầu tháng 4/2020.
Chỉ tên 'thủ phạm' đẩy giá thịt lợn

Chỉ tên 'thủ phạm' đẩy giá thịt lợn

Thông tin về giá thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, giá thịt lợn cao là do nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến.
Thịt lợn nhập khẩu tăng 300% so với cùng kỳ

Thịt lợn nhập khẩu tăng 300% so với cùng kỳ

Theo thống kê của Cục Thú y ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến ngày 13/4 Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể bạn quan tâm