Cụ thể, quý 4/2022, kết quả kinh doanh của Gỗ An Cường tương đối khả quan khi doanh thu thuần tăng 27%, lên 1.384 tỷ đồng. Lãi ròng cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 171 tỷ đồng.
Tính cả năm 2022, CTCP Gỗ An Cường báo doanh thu thuần đạt gần 4,476 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Theo đó, biên lãi gộp tăng nhẹ từ 27% lên gần 30%, nhờ đó lãi gộp tăng 49% lên gần 1,338 tỷ đồng.
Theo giải trình của Gỗ An Cường, công ty đã điều chỉnh chiến lược bán hàng, đẩy mạnh mở rộng chuỗi phân phối, hướng đến nhu cầu của cả người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Công ty cũng thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Mặc dù, các chi phí phát sinh trong năm của Gỗ An Cường tăng đáng kể khi chi phí tài chính gấp gần 2,4 lần năm trước lên gần 57 tỷ đồng, với phần lớn vẫn là chi phí lãi vay. Tiếp đó là chi phí bán hàng và quản lý cũng tăng lần lượt 43% và 68%.
Dù vậy, sau khi trừ chi phí, Gỗ An Cường vẫn lãi ròng gần 616 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021.
Lãnh đạo Gỗ An Cường cho biết, đây là kết quả tốt nhất của công ty trong vòng 6 năm qua (2017-2022). Đồng thời, với mức lợi nhuận trên, công ty đã vượt gần 12% so với kế hoạch 550,1 tỷ đồng đề ra cho năm 2022.
Trên bảng cân đối kế toán, tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của CTCP Gỗ An Cường là 5,467 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm nhẹ 2%, còn 1,593 tỷ đồng, nhưng hàng tồn kho tăng 6%, lên 1,467 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ phải trả của Gỗ An Cường tăng mạnh 29% lên 1.555 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu do tổng nợ vay tăng 44%, đạt xấp xỉ 814 tỷ đồng và vay ngân hàng là chủ yếu.
Được biết, ngày 23/12/2022, CTCP Gỗ An Cường đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Tại đại hội, các cổ đông đã đặt câu hỏi băn khoăn của cổ đông về việc giá cổ phiếu giảm, tình trạng mất thanh khoản của cổ phiếu ACG sau khi lên sàn HOSE.
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ An Cường cho biết, 135,8 triệu cổ phiếu ACG của Gỗ An Cường chính thức giao dịch trên HOSE lần đầu tiên vào ngày 10/10/2022 với giá tham chiếu 67.300 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau đó nó bị rớt giá rất mạnh, vốn hoá giảm sút so với lúc đầu.
Ông Nghĩa cho rằng giá cổ phiếu của Gỗ An Cường trên sàn chứng khoán không phản ánh đúng giá trị công ty. Nguyên nhân là do cơ cấu cổ đông của An Cường quá cô đặc.
“Bản thân tôi nắm hơn 51%, các cổ đông chiến lược như Sumimoto Forestry, Vina Capital nắm khoảng 40%, tổng cộng hơn 88% và hiện tại chưa có kế hoạch bán ra”, ông Nghĩa nói.
Còn theo con số công bố chính thức tại bản báo cáo năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam – công ty của ông Lê Đức Nghĩa đang nắm 50,04% và 2 tổ chức nước ngoài nắm 37,67%.