Gỗ Trường Thành "đổi chủ", ai giải cứu lỗ nghìn tỷ?

Sau nhiều đồn đoán, ông Võ Trường Thành đã chính thức rời vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành từ ngày 12/8/2016. Dù đã “chèo lái” công ty suốt 20 năm qua, song sự ra đi của ông Thành
Gỗ Trường Thành "đổi chủ", ai giải cứu lỗ nghìn tỷ?

Hội đồng quản trị công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF) vừa công bố Nghị quyết 14/2016/NQ-HĐQT-TTF vào ngày thứ 7 (ngày 13/8/2016), theo đó, miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Võ Trường Thành. Lý do miễn nhiệm được đưa ra là “ông Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty”.

Cuộc đổi ngôi “chóng vánh”!

Người thay thế là bà Vũ Tuyết Hằng - đại diện của cổ đông lớn Tân Liên Phát - đang giữ vị trí Tổng giám đốc của Gỗ Trường Thành. Vị trí Tổng giám đốc TTF cũng mới được ông Thành chuyển giao sang bà Hằng từ tháng 5/2016. Được biết, bà Hằng từng là Phó chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup kiêm Phó Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2011-2015.

Cùng với ông Thành, hàng loạt nhân sự cấp cao khác của Gỗ Trường Thành cũng bị miễn nhiệm chức danh, thay thế bằng nhân sự mới. Cụ thể, miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tạ Văn Nam, chấm dứt tư cách Thành viên HĐQT đối với bà Trần Hoài An và ông Đinh Văn Hoá từ ngày 13/8/2016, ông Hoá cũng bị mất chức Phó Tổng Giám đốc một ngày trước đó. Phó chủ tịch Võ Diệp Văn Tuấn – con trai ông Võ Trường Thành cũng bị miễn nhiệm, thay bằng bà Phạm Thị Huyền Nga.

Nghị quyết số 14 của TTF không đề cập việc thay đổi tư cách thành viên HĐQT nên có thể hiểu, ông Võ Trường Thành vẫn ở lại Ban quản trị sau khi mất chức Chủ tịch. Tính đến 30/6/2016, ông Võ Trường Thành vẫn là cổ đông lớn của TTF, sở hữu khoảng 14,7 triệu cổ phiếu TTF, chiếm tỷ lệ 10,17%.

Ngoài ra, vợ ông Thành – bà Diệp Thị Thu – sở hữu khoảng 3,93 triệu cổ phần (tỷ lệ, 2,81%) cùng ba người con Võ Diệp Văn Tuấn (0,46%), con gái là Võ Diệp Cẩm Tú (0,15%), Võ Diệp Cẩm Vân (0,07%). Tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Thành là 19,3% vốn điều lệ và từ đó đến nay, chưa rõ có thay đổi sở hữu không.

Trải qua 20 năm gây dựng, chèo lái con thuyền TTF vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, có lúc nợ nần, đứng bên bờ phá sản, nay, ông Võ Trường Thành phải rời ghế chủ tịch. Sự ra đi của cả ekip gắn bó lâu năm có thể nói là một kết cục cay đắng cho người sáng lập, đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức, tâm huyết gây dựng Gỗ Trường Thành trở thành công ty xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến hoạt động điều hành thua lỗ, tài chính kém minh bạch của Gỗ Trường Thành mới hé lộ đã lý giải cho sự ra đi này. Theo báo cáo tài chính quý II/2016, TTF bất ngờ bị lỗ lên tới 1.123 tỷ đồng, trong khi quý I vẫn lãi 54 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán- công ty TNHH_ Ernst & Young Việt Nam – chỉ rõ, khoản lỗ này là do phát hiện bị thiếu tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng bán, tăng trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu… Gỗ Trường Thành đã trải qua nhiều phen sóng gió, điêu đứng nhưng nhóm cổ đông Võ Trường Thành vẫn kiên trì bám trụ, từng bước tái cơ cấu công ty. Đầu năm 2016, ông Thành vui mừng loan báo với cổ đông TTF đã có hi vọng khi có nhà đầu tư “giải cứu”.

Chủ nợ “tiếp sức”…

“Vị cứu tinh” chính là công ty CP đầu tư xây dựng Tân Liên Phát (do Vingroup sở hữu 75%) – hiện là chủ đầu tư khu đô thị đình đám Vinhomes Central Park tại Tp.HCM. Tháng 5/2016, Tân Liên Phát đã chi khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, chiếm 49,9% vốn điều lệ công ty này. Với vai trò cổ đông lớn, Tân Liên Phát dự định chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng thành 69,7 triệu cổ phiếu TTF để nâng sở hữu tại đây. Song kế hoạch này đã bị đổ bể khi Tân Liên Phát phát hiện một số “sai lệch nghiêm trọng” trong các số liệu tài chính do TTF công bố và tuyên bố dừng việc chuyển đổi ngày 19/7.

Thông tin này lập tức gây cú sốc cho nhà đầu tư, kéo cổ phiếu TTF rơi tự do, từ mức giá 43.600 đồng/CP, nay chỉ còn 10.700 đồng/CP, tức giảm tới 75,5% thị giá. Vốn hoá của TTF cũng “bốc hơi” hơn 4.600 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư “ngậm đắng nuốt cay” vì niềm vui chẳng tày gang, mà sóng gió đã ập đến, đánh chìm nỗ lực tăng điểm của cổ phiếu TTF. Sự mất giá cổ phiếu thảm hại của TTF cũng khiến Sở Giao dịch chứng khoán Tp HCM (HoSE) đưa TTF vào danh sách cảnh báo để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Giữa cơn bĩ cực của Gỗ Trường Thành, cổ đông lớn đã thực hiện quyền yêu cầu miễn nhiệm bộ máy điều hành được cho là kém hiệu quả. Còn trong vai trò chủ nợ, trước sự “sai lệch nghiêm trọng” số liệu tài chính, Tân Liên Phát có quyền từ chối chuyển đổi khoản nợ vay 1.202 tỷ đồng.

TTF đã bị thua lỗ nghìn tỷ nên không thể thực hiện phương án phát hành thêm cổ phiếu để chuyển đổi nợ. Nợ vay nghìn tỷ không thể không trả, và làm sao khắc phục thua lỗ… là bài toán khó. Trong thế “hổ phục”, TTF có lẽ sẽ phải xuôi theo phương án xử lý nợ mà chủ nợ đưa ra, ngay cả khi phải “chịu thiệt”.

Theo Hải Hà/TBKD

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...