Thực hiện công tác quản lý địa bàn tại chợ phiên xã Thanh Vân thuộc thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, đoàn kiểm tra đội quản lý thị trường số 8 đã phối hợp cùng công an xã Thanh Vân tiến hành kiểm tra đột xuất quầy hàng kinh doanh tại cổng do ông Lý Sín Quyền làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện quầy hàng đang bày bán 2.640 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Sunsilk, Clear. Chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Lý Sín Quyền khai nhận, số hàng hóa trên được ông mua lại của một phương tiện xe ô tô đến giao hàng vào chiều ngày 19/4, ông không nhớ rõ biển số xe và cũng không quen người lái xe. Quá trình mua bán không có giấy tờ, số hàng hóa trên ông thấy rẻ nên mua về để bán kiếm lời.
Phối hợp cùng Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam và căn cứ các tài liệu phân biệt hàng thật, hàng giả mạo nhãn hiệu do Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam cung cấp, đối chiếu, so sánh với số hàng hóa là dầu gội do ông Lý Sín Quyền đang bày bán ở trên, đội quản lý thị trường số 8 xác định toàn bộ số là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm cùng loại đang được bảo hộ tại Việt Nam của Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam.
Được biết, số hàng vi phạm gồm 1.440 gói dầu gội Sunsilk, 1.200 gói dầu gội Clear. Sau khi hoàn tất điều tra, đội quản lý thị trường số 8 đã trình Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang ban hành quyết định xử phạt đối với chủ cơ sở về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu số tiền 6.000.000 đồng.
Đồng thời, thực hiện tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.
Trước đó, ngày 17/4, đội quản lý thị trường số 8 cũng tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cở sở kinh doanh tại Thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang do các ông Hùng Văn Hải, Vương Đình Tuấn làm chủ cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 3.053 sản phẩm là dầu gội đầu gắn các nhãn hiệu Sunsilk, Clear, Dove, bột giặt gắn nhãn hiệu OMO có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm cùng loại đang được bảo hộ tại Việt Nam của Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam.
Do chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên đội quản lý thị trường số 8 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.
Thời gian tới, đội quản lý thị trường số 8 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm đặc biệt là hàng giả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả thường xuất phát từ 2 nguồn chính là nhập lậu từ nước ngoài, hàng xách tay giả và hàng giả được sản xuất ngay tại thị trường nội địa.
Các đối tượng làm hàng giả dùng những công nghệ tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra và đánh lừa người tiêu dùng. Hàng giả có nhiều hình thức như giả về bao bì, nhãn mác…
Tuy nhiên, có những loại hàng giả tinh vi hơn như giả về công dụng thì rất khó nhận biết và chỉ khi người tiêu dùng mua về dùng thì mới phát hiện ra công dụng không như quảng cáo. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng giả có mẫu mã, bao bì đẹp hơn cả hàng thật nên người tiêu dùng khó mà phân biệt.
Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, người tiêu dùng có thể phân biệt qua quan sát các thông số trên bao bì, phân biệt qua tem chống giả được dán trên phần nắp hoặc thân chai, phân biệt bằng check mã vạch của sản phẩm.