Hà Nội: 4 quận trung tâm không được xây nhà cao tầng

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô.
Hà Nội: 4 quận trung tâm không được xây nhà cao tầng

Sáng 22/3, tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tổ chức Hội nghị công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/2.000 vừa được UBNDTP Hà Nội phê duyệt. Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh đã công bố các Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử.

Theo đó, vị trí các phân khu nội đô thuộc địa giới hành chính quận Hoàn Kiếm (H1-1), quận Ba Đình (H1-2), quận Đống Đa (H1-3) và Hai Bà Trưng (H1-4). Phạm vi ranh giới từ Vành đai 2 tới hữu ngạn sông Hồng. Diện tích lập quy hoạch là 2.709,75ha, dân số đến năm 2030 và 2050 là 672.000 người (dân số hiện nay hơn 887.000 người).

Về tính chất, chức năng của từng phân khu, quy hoạch xác định, Khu phố cổ (thuộc QHPK H1-1A): Là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa. Các chức năng chủ yếu: Thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (thuộc QHPK H1-1B): Là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Các chức năng chủ yếu: Trung tâm văn hoá hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng.

Khu phố cũ (thuộc QHPK H1-1C và một phần các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4): Là khu đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu: Di tích lịch sử, văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá, y tế và các chức năng công cộng khác.

Khu vực hạn chế phát triển (phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4): Là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng. Các chức năng chủ yếu: Nhà ở, cơ quan, đi sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị...

Về cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí đọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc công trình cao tầng được ban hành. Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dụng để bổ sung các tiện ích đô thị: cây xanh, đỗ xe...

Với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Hà Nội cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ giảm 215.000 người, dân số giảm xuống còn 672.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người).

Nội dung bảo tồn và phát triển tại các khu vực lập quy hoạch đều tuân thủ theo đúng định hướng QHCHN2030 được phê duyệt. Riêng đôi với Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt  và các công trình di tích, tôn giáo, danh thắng... ngoài tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các Nghị định có liên quan, việc quàn lý, bảo tồn cần bám sát quy định của Luật Di sản Văn hoá và các văn bản pháp luật có liên quan…

Sau khi công bố các quyết định và giới thiệu cơ bản về các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, đại diện Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa đã thực hiện ký bàn giao hồ sơ đồ án quy hoạch để các địa phương này quản lý, triển khai các công tác đầu tư.

Có thể bạn quan tâm